Họa sỹ Trần Thị Thu và "thế giới những tinh cầu"
(Baonghean) - Có mấy ai ngờ, cô nhân viên kế toán của Xí nghiệp gỗ Nghĩa Đàn một thời tảo tần nuôi bầy con nhỏ những năm 60, 70 thế kỷ trước ấy giờ đây được gọi là “Phù thủy tranh cát”, nhận Giải thưởng “Bàn tay vàng của nghệ thuật tranh cát”. Chuyển vào sinh sống ở Nha Trang đã lâu, nhưng quê hương xứ Nghệ vẫn được neo giữ trong tâm hồn bà, mãi nuôi dưỡng cho bà niềm khát khao theo đuổi nghệ thuật...
Tôi may mắn được gần gũi, thân thiết với nhà thơ Trần Thu Hà. Trong nhiều câu chuyện với nữ sỹ đầy cá tính này, tôi thấy bà hay nhắc về người chị gái tài năng của mình, họa sỹ Trần Thị Thu - Nghệ nhân làm tranh cát nổi tiếng. Để rồi, tôi như bị hút vào câu chuyện của nhà thơ Thu Hà kể về chị mình. Cho đến một ngày, tôi quyết định gọi điện cho họa sỹ Trần Thị Thu. Lúc này, bà đang đi chữa bệnh ở TP. Hồ Chí Minh, và bà hẹn với tôi một ngày gặp mặt gần nhất…
Họa sỹ Trần Thị Thu |
Bà bảo, đã qua ngưỡng thất thập, “chân yếu, mắt mờ, tóc bạc rồi”, nhưng có một thứ vẫn “trẻ”, vẫn “xanh”, ấy là niềm vui với… cát. Đừng ngạc nhiên nhé, cát bụi không là vô tri như ai đó đã hát. Cát bụi có linh hồn. Những hạt cát li ti trên những triền sông, những hạt cát li ti dưới dấu chân mình… mỗi một hạt là vô vàn ký ức, mỗi một hạt là vô vàn câu chuyện về sự vần xoay của gió, của nắng. Bà đã luôn nghĩ như thế, khi đứng trước cát, trên những cánh đồng, trên những con đường đi tìm chúng, và ngay cả khi đứng trong cửa hàng mấy chục mét vuông của bà ở đường Nhà Thờ, Thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) với hàng trăm bức tranh đủ màu sắc từ… cát. Đứng trước cát, bà như đối diện với tuổi thơ của mình. Ai chẳng một lần vốc những nắm cát ném theo chiều gió, cho nó bay trong không trung? Ai chẳng một lần gửi khát khao vào lâu đài cát. Ai chẳng có lần vẽ lên cát phẳng một dòng tên tưởng chừng vô thức, nhưng được tạo bằng bao nỗi thương yêu. Và bà hoài nhớ về triền sông Hiếu mênh mang gió nắng mà chị em bà đã gắn bó suốt thời thơ ấu. Nhớ về cái hồ sen mát thơm ngay sau nhà. Nhớ những vườn cải bừng sáng trong nắng sớm, được những người quê Bắc vô vùng đất Phủ Quỳ khai hoang trồng nên… Có những lần say ngắm chúng, có những lần mải mê vẽ trên mặt giấy cảnh sắc quanh mình đến quên cả việc được giao, bà đã bị cha trách mắng, đánh đòn.
Họa sỹ Trần Thị Thu sáng tác tranh cát. Ảnh: Lê Bá Dương |
4 tuổi, Trần Thị Thu theo cha mẹ từ Huế về sống ở vùng Phủ Quỳ thuở đất ấy còn rừng thiêng, nước độc. Cha bà gốc Huế, mẹ người họ Hồ ở Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu), Trần Thị Thu là con gái cả trong gia đình có tới 9 người con. Trong 9 người con ấy, sau này có 2 người là liệt sỹ, còn 4 người theo đuổi con đường nghệ thuật, trong đó có bà Thu và họa sỹ Trần Hoàng Trung, nghệ sỹ đàn tam thập lục - nhà thơ Trần Thu Hà được nhiều người biết tiếng. Trong ký ức của nhà thơ Thu Hà, thì “chị Thu mê hội họa từ nhỏ và còn khéo tay thêu thùa, đan lát, nấu ăn. Chị ấy nhiều khi mê vẽ đến quên ăn, quên ngủ. Cho đến giờ, tôi vẫn giữ được một vài bức chị vẽ ngày ấy, là chân dung người thân, là cảnh vật quanh vùng. Chúng vẫn rất đẹp”. Niềm đam mê đã giúp Trần Thị Thu quyết định đăng ký thi vào trường Trung cấp Mỹ nghệ gốm Hà Nội (sau là Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội). Ra trường, bà về công tác tại Xí nghiệp gốm Cầu Đước (Vinh). Chiến tranh nổ ra, bà về sơ tán tại quê Nghĩa Đàn và chuyển sang làm công việc kế toán, không còn liên quan đến nghệ thuật. Lăn lộn nhiều năm với cơm áo để nuôi 5 người con ăn học, niềm đam mê thời trẻ bà đành gác lại, và có lúc tưởng chừng đã lãng quên chúng… Cho đến một ngày kia…
Đầu những năm 90, khi ấy Trần Thị Thu cùng gia đình chuyển vào Nha Trang sinh sống, cũng là lúc bà đã về hưu, thảnh thơi hơn. Bà sực nhớ đến cây cọ, đến những mảng màu đam mê thời quá vãng. Trần Thị Thu bắt đầu với sơn dầu, màu nước và “vẽ như chưa từng được vẽ”. Dưới nét cọ của bà, tài năng từng bị quên lãng đã thức dậy, bằng gương mặt những người thân yêu, bằng phong cảnh Nha Trang, Khánh Hòa với những Hòn Chồng, Hòn Khói, cầu xóm Bóng… Là sự trở lại, nhưng đầy mới mẻ. Dường như, tất cả bây giờ mới là khởi đầu, bà đã có cảm giác ấy, với vẹn nguyên những say mê. Tình cờ, trong một lần đọc báo, bà nghe nói đến tranh cát. Ồ, sao không thử làm tranh cát bằng cách của riêng mình? Mình lại đang sống trên mảnh đất của gió, cát…Tại sao không thể biến những cái tưởng chừng vô giá trị thành có giá trị?
Bà hỏi han, mua thêm sách báo về đọc và nghiên cứu để rồi quyết định thử nghiệm. Tài liệu về tranh cát không nhiều, bà đi khắp các thư viện để chỉ có trên tay được một cuốn sách mỏng. Rất nhiều đêm không ngủ, bà đã dậy để phác thảo bức tranh và nung nấu ý tưởng đi tìm… cát. Cũng đã nếm mùi thất bại khi mà tranh cát đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mẩn tới vô cùng, thế nhưng, Trần Thị Thu vẫn không bỏ cuộc. Khi những hạt cát nhỏ bé được đưa lên khuôn tranh và hiện dần trước mắt bà vẻ lung linh của nó, bà tưởng như nước mắt mình rơi xuống. Không phải chỉ vì công sức, niềm đam mê đã đơm hoa mà bà như thấy cái hồn cốt quê hương, xứ sở ẩn hiện trong những hạt li ti ấy. Những bức tranh của bà khiến người xung quanh ngạc nhiên, thán phục. Những người thân trong gia đình cũng hết lòng động viên bà.
Dường như niềm say mê của bà đã lan cả sang con, cháu. Ở Nha Trang, người ta gọi gia đình bà là “gia đình tranh cát”, và riêng với bà, người Nha Trang đã xem là nghệ nhân độc đáo của thành phố mình. Trong dịp Festival Biển Nha Trang cách đây 3 năm, bà được mời đến tham dự trưng bày và chế tác tranh cát ngay tại khu di tích Tháp bà Ponagar, để giới thiệu cùng du khách sản phẩm mỹ thuật đặc biệt của thành phố biển. Gần 300 bức tranh kỳ thú ấy đã khiến du khách tới đây sững sờ. Đặc biệt, trong số những bức tranh ấy, bà Thu dành nhiều tâm huyết cho những bức về Bác Hồ: Bác Hồ tại chiến dịch Biên giới, Bác Hồ với Hải quân Việt Nam, Bác Hồ tại Chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ giản dị trong cuộc sống đời thường… Những bức tranh cát về Bác Hồ của Trần Thị Thu được nhiều họa sỹ thừa nhận là sống động, rất có hồn, và “khó mà vẽ được như khi bà Thu vẽ bằng cát”.
Tài năng của họa sỹ Trần Thị Thu còn được khẳng định bằng danh hiệu “Bàn tay vàng” trong lễ trao “Cúp Thương hiệu mạnh và phát triển bền vững, Cúp Sen Vàng, Cúp danh dự Bạch Thị Bưởi” do Bộ Khoa học - Công nghệ phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, với sản phẩm tranh cát Hồng Châu Sa Nha Trang. Không chỉ nhờ tài năng, với họa sỹ Trần Thị Thu, nó còn là mồ hôi, nước mắt, là sự lặn lội không ngừng nghỉ, là những đêm nghe tóc bạc trên đầu và cả trong mơ, bà cũng mơ về cát. Nha Trang bây giờ có rất nhiều người bán tranh cát, làm tranh cát. Nhưng trong số đó, không ít tranh làm bằng màu nhuộm chứ không phải tranh cát tự nhiên. “Chỉ cát tự nhiên lên tranh mới thực sự có hồn” - Trần Thị Thu quả quyết. Vậy nên, cứ rảnh rỗi, hoặc dịp cuối tuần, bà lại xách ba lô lên và… đi. Nghe nói ở đâu có cát đẹp, có màu mới là bà đi. Hết Khánh Hòa, đến Tây Ninh, Bình Phước. Người đàn bà tha thẩn, với ánh nhìn chăm chú từng vạt rừng, con suối, bãi biển, đã khiến cho không ít người lắc đầu thương hại với ý nghĩ: Ồ, có lẽ một người thần kinh không bình thường? Để làm được tranh cát, sau khi tìm cát về, bà rửa sạch, sấy khô và sàng lọc để có được màu sắc, kích thước chỉ như một thứ bột mịn. Phác thảo tranh trên giấy. Sau đó gắp từng nhúm cát bỏ vào khung tranh. Nén cát bằng cái “thìa” tre thô sơ mỏng và dài. Với tranh cát, một hạt cát sai vị trí là bức tranh bị hỏng và bức tranh sẽ phải làm lại từ đầu.
Từ tranh cát một mặt, Trần Thị Thu sáng tạo tranh cát 2 mặt trong những khung kính nhựa trong suốt. Việc này khó khăn hơn nhiều, nhưng bà đã thành công và tạo nên nhiều sản phẩm đẹp để làm quà lưu niệm: tranh chữ, tranh danh lam thắng cảnh, tranh chân dung danh nhân, chép lại tranh dân gian… Bà còn sáng tạo tranh cát đựng trong ly rượu vang, cốc thủy tinh… Bà nói, bà thu thập được mấy chục loại cát và màu cát khác nhau để làm tranh. Và còn sống, thì bà còn làm tranh cát. 73 tuổi, vậy mà nói đến tranh, đến cát, tôi có cảm giác như bà quên đi tuổi mình. Và tôi chợt nhớ đến bài thơ rất mới của nhà thơ Trần Thu Hà viết tặng người chị tài năng của mình với tất cả những yêu thương, ngưỡng mộ:
CHỊ
Chị say ngắm vườn xuân/ Những hạt cát nguyên sinh thành những đài hoa, thành những kiến trúc người như những vành môi đang thầm lặng cháy/ Ngoài kia cánh tay gió dang rộng dắt chị tuổi sang mùa/73 mùa xuân/ Chị thực thi cùng giai điệu xuân thổi hồn vào cát
Những hạt cát li ti nối đuôi nhau rung tai ngơ ngác trước vẻ đẹp Quê hương, Tháp Bà, Hòn Chồng, Hòn Tre, Trường Sa, Hoàng Sa, cầu Tràng Tiền, Thê Húc.../ Một thế giới huyền ảo trong veo tươi mới hiện lên như những tinh cầu./ Những sắc màu - những giai điệu xuân như ngàn ngàn chồi non bật mở/ Tiếng chào mào ríu rít gọi bạn như tiếng sáo kéo căng mặt trời lên/ Những giò phong lan nở nụ cười rạng rỡ dưới bàn tay chị/ Chị - như con ong chúa khoét ngày ngậm hương thỏa thê vần vũ/ Chị cười như nắng - sưởi ấm cho em...
73 mùa xuân trời cho/ Chị vẫn say sưa thổi hồn vào cát/ Những hạt cát li ti như lát cắt hiện đại văng ra khám phá trên đường băng cao tốc/ Chị - thế giới nghiêng, bung nở, ảo huyền.
Thùy Vinh