Hoàng Ngọc Hiến, nhà nghiên cứu văn hóa - văn học

01/10/2010 10:31

Sinh năm 1930; quê ở Đức Phong, Đức Thọ, Hà TĩnhTác phẩm chính:

Sinh năm 1930; quê ở Đức Phong, Đức Thọ, Hà Tĩnh
Tác phẩm chính:
- BIÊN KHẢO, TIỂU LUẬN: Maiacôpxki, con người, cuộc đời và thơ (Khảo cứu, 1976); Văn học Xô viết đương đại (1987); Văn học - học văn (1990); Văn học gần và xa (2003); Triết lý văn học và triết luận văn chương (2006); Văn hóa & Văn minh, Văn hóa "chân lý" & Văn hóa "dịch lý" (2007)...
- TÁC PHẨM DỊCH: Các phạm trù văn hoá cổ (dịch của Gurevich, 1997); Minh triết phương Đông và triết lý phương Tây (dịch của Francois Jullien, 2000); Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1985 (dịch phẩm Maiacôpxk, hài kịch)...

Nhà văn - Tiến sĩ Hoàng Ngọc Hiến là con dân xứ Nghệ, nhưng sống và hoạt động ở xứ Bắc từ hồi niên thiếu. Ông từng là giảng viên Trường Đại học sư phạm Vinh, Đại học Văn hóa Hà Nội. Ông là một trong những giảng viên đầu tiên, có công xây dựng chương trình đào tạo ở Trường Viết văn Nguyễn Du.

Đi dạy, ông nổi tiếng là người hay đả phá cái cũ mòn, luôn hướng học viên và bạn nghề vào những đề tài mới lạ với những cách tiếp cận đa chiều. Trong nghiên cứu khoa học, ông lại được tiếng là người có khả năng nắm bắt thực tiễn, khái quát thực tiễn bằng những cụm từ có tính chất định danh cao. Người ta nể phục ông ở đấy, và đôi khi, cũng muốn tranh cãi thêm với ông "cho ra nhẽ" cũng ở đấy?!

Chẳng hạn, vào cuối những năm 1970, ngay khi hào khí thắng đế quốc to là Mỹ đang dâng trào, văn chương đương đại đã bắt đầu bước vào một cuộc nhận đường mới, để vừa phản ánh cho chân thực, đầy đủ và hào hùng cuộc chống Mỹ cứu nước, vừa phản ánh sao cho hay thực trạng đất nước những ngày mới hòa bình thống nhất - có tự hào và vui sướng, cũng có cả bi ai và lắm nỗi lo toan... thì Hoàng Ngọc Hiến tung ra một nhận xét rằng văn học ta lâu nay là một nền văn học "phải đạo", chúng ta đã sáng tác theo "chủ nghĩa hiện thực phải đạo". Cái bài viết có nhan về "Về một đặc điểm của văn học của ta trong giai đoạn vừa qua" (Báo Văn nghệ số 23, năm 1979) ấy đã làm xôn xao dư luận sáng tác và nghiên cứu. Người ta - lúc bấy giờ đã không chịu được sự khái quát thẳng thừng có ý "hạ thấp" giá trị văn học một thời như thế, và người ta cũng chưa thể đồng ý với lập luận của ông. Tất nhiên! Nhưng thời gian qua đi, gần đây, các nhà sáng tác và nghiên cứu đã đồng tình đồng ý với ông hơn.

Đi trước là một phẩm chất cần có của tư duy lí luận, ở mức độ nào đó, Hoàng Ngọc Hiến là một trong số ít người ở ta có phẩm chất này. Theo chiều hướng "đi trước", Hoàng Ngọc Hiến đã hết lòng cổ vũ cho sự mạnh dạn đổi mới trong tư duy nghệ thuật và cả trong việc sử dụng các thủ pháp nghệ thuật văn xuôi thật khác lạ, mạnh mẽ của Nguyễn Huy Thiệp và Tạ Duy Anh. Trong các trường hợp này, ông vừa là "bà đỡ" tận tình, lại cũng là một người thầy, người dẫn đường nghiêm cẩn.

Ông không chúc Nguyễn Huy Thiệp thuận buồm xuôi gió trên đường sáng tạo, mà lưu ý Thiệp những chông gai để cố mà vượt lên. Ông chỉ ra cái khả thủ, cái đặc sắc của Thiệp: "Nói về sự đốn mạt, hèn kém của con người, câu văn của Nguyễn Huy Thiệp thường man mác cảm giác tê tái. Đằng sau cảm giác này là nỗi đau nhân tình. Một nỗi đau âm thầm, lặng lẽ nhưng sâu sắc. Đau thương là quyền lớn nhất của nhà văn để viết về những sự việc tiêu cực"... ở chỗ khác ông lại lưu ý Thiệp: "Muốn cải tổ xã hội phải cải tổ tâm lý con người... Chỉ tình nghĩa không chưa đủ, con người ngày hôm nay đòi hỏi sự sòng phẳng, sự tính toán phân minh".

Có người nhận xét rằng Hoàng Ngọc Hiến là một nhà lý luận có màu sắc tư biện. Điều đó có thể có cơ sở từ chính những trang viết, những tập sách với hệ thống luận giải của ông.

Tuy nhiên, lại phải nhận là nếu không chịu khó đọc và suy ngẫm, nếu không biết cách tổng hợp và khái quát... thì cũng lấy đâu ra kiến thức mà tư biện?. Ham tìm tòi và mạnh dạn thể nghiệm, khi tuổi đã ngoài bảy mươi, Hoàng Ngọc Hiến còn quả quyết đi sâu vào nghiên cứu văn hóa phương Đông, về kho tàng và đặc sắc của triết học phương Tây.

Quá trình mới này ở ông đã kịp cho ra một số kết quả mới, là tác phẩm dịch Các phạm trù văn hóa cổ (của Gurevic, 1997), Minh triết phương Đông và triết lý phương Tây/ Xác lập cơ sở cho đạo đức (dịch của F.Jullien, 2000). Từ hai công trình có tính chất cơ sở này, cùng với sự nâng cấp các phác thảo đã có, Hoàng Ngọc Hiến đã viết tiếp được công trình Văn hóa & Văn minh/ Văn hóa chân lý & Văn hóa dịch lý. Một lần nữa, trong công trình khảo luận này, Hoàng Ngọc Hiến đã trở thành người gợi mở nhiệt thành và có kinh nghiệm.

Hoàng Ngọc Hiến không phải là nhà lý luận chay. Ông là một nhà lí luận - phê bình đích thực thường có mặt đúng lúc. Ông từng tâm sự: "Những bài phê bình hay làm người đọc yêu văn học. Yêu văn học là yêu những giá trị tinh thần, sự khô cạn của tình yêu này đương là một trong những sự khốn cùng của thế giới hiện tại. Cũng như các thể loại văn học khác, viết phê bình không thể thiếu cảm hứng. Người viết phê bình là người có những chủ kiến mạnh mẽ...". Đó là những lời tâm sự có giá trị tổng kết từ chính trải nghiệm của ông và sự quan sát các thành/bại của bạn nghề.

Có chủ kiến, nên gần đây, Hoàng Ngọc Hiến lại nêu một ý kiến thật mạnh dạn, đáng tìm hiểu thêm. Ông viết: "Thiên Thai của Văn Cao là tác phẩm (duy nhất trong văn nghệ thế giới) thể hiện đầy đủ và sâu sắc sự đi về của nỗi nhớ vĩnh cửu của con người, ở cõi tiên nhớ cõi tục, ở cõi tục nhớ cõi tiên".

Đã sang tuổi tám mươi, Hoàng Ngọc Hiến vẫn cần cù đọc và viết (trên máy), hơi ngại đi đến chỗ đông vì sợ mất thì giờ. Tuồng như từ vài ba chục năm nay Hoàng Ngọc Hiến đã là một tác giả được tin cậy đến mức ông đã gửi bài là được đón đọc rồi đăng ngay.

Ông xuất thân là giáo viên, là dịch giả, giờ người ta gọi ông là nhà nghiên cứu, nhà lý luận, nhà phê bình... và giáo sư dù ông không làm thủ tục để dự phong học hàm này. Hoàng Ngọc Hiến đã tự mình cặm cụi, chấp nhận tranh luận và có đóng góp, ông là nhà giáo- giáo sư nhân dân đấy chăng?

Nguyên An

Mới nhất
x
Hoàng Ngọc Hiến, nhà nghiên cứu văn hóa - văn học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO