Học cách nói “không”!

Giờ đây, thi thoảng khi nhìn lại quãng đời gần 40 năm của mình, tôi thấy tiếc nuối bởi đã nhiều phen đón nhận những cơ hội sai – điều nhẽ ra đã không xảy ra nếu như bản thân biết dũng cảm nói “Không”! “Có” và “Không” là dạng câu trả lời mang tính biểu tượng cho những sự lựa chọn. Trên đời này, nói “Có” thì dễ lắm, hùa theo để đồng ý với đám đông thì dễ lắm; nhưng nói “Không” thì không như vậy. Nói “Không” đòi hỏi trí tuệ và dũng khí lớn lao.

12 năm học THPT thì ngần ấy năm tôi là học sinh trường chuyên lớp chọn. Khỏi phải nói bố mẹ tôi tự hào đến thế nào với học lực và kết quả các kỳ thi của “cô con gái rượu”. Niềm tự hào ấy được xây dựng từ niềm tin rằng bố mẹ đã đi đúng hướng trong việc thúc ép, đặt ra các tiêu chuẩn và vạch sẵn đường đi nước bước trong từng chặng đường trưởng thành của tôi. Suốt những năm tháng ấy, tôi mơ màng tin vào điều mà mình được dạy rằng: “Bố mẹ làm vậy là để tốt cho con!”, “Thầy cô nói đúng, con cần phải tham gia các lớp học thêm”, “Con học khối D không giỏi được đâu, cứ tập trung học khối A”, “Những nghề con thích chỉ là nhất thời thôi, cứ nghe bố mẹ, con phải thi ngành này này”… Cả ở nhà và ở trường đều sống trong vòng “kiểm soát mềm” như vậy, tôi cảm giác như suốt nhiều năm liền, điều duy nhất mà trí não tôi thực hiện ngoài việc học chỉ còn là vô thức đồng ý với mọi điều mà bố mẹ và thầy cô đưa ra. Tôi hiếm khi nói “Không”, hiếm khi từ chối hoặc đưa ra phản biện về vấn đề gì. Cũng có đôi khi khó chịu vì vài điều không như ý, nhưng rồi tôi đều thỏa hiệp bởi e ngại mình khác người, lo sợ sẽ làm mất lòng người khác, hoặc làm bố mẹ thất vọng. Tôi nghĩ, à, điều bố mẹ, thầy cô nói đương nhiên là đúng. Chân lý thuộc về người lớn, thuộc về đám đông.

Khi lên đại học, sau đại học và đặc biệt là tham gia các khóa tập huấn nghiệp vụ với đồng nghiệp là người nước ngoài, tôi mới nhận ra mình bối rối và thua kém đến thế nào bởi suốt cả quãng thời gian dài chỉ an ổn với câu trả lời rằng “Có”. Việc đồng ý một cách dễ dàng trong mọi trường hợp khiến trí não của tôi lãng quên đi kỹ năng phản biện, đặt câu hỏi và cân nhắc, sàng lọc các lựa chọn. Nguy hiểm hơn, với trải nghiệm cá nhân, tôi nhận ra rằng, mình dường như rơi rớt đi sự sáng tạo và dũng khí kiên quyết trong công việc cũng như cuộc sống. Mọi thứ chỉ vỡ òa vào một ngày cách đây 5 năm, khi tôi được công ty cử tham gia một dự án đa quốc gia cùng nhiều cộng sự nước ngoài, chiến lược gia người Đức gọi tôi vào phòng riêng. Ông nói: Tôi rất lấy làm tiếc phải đưa ra quyết định rằng bạn sẽ phải rời khỏi nhóm. Chúng tôi cần sự sáng tạo và đổi mới, cần những người liên tục đặt ra những câu hỏi để tìm ra lỗ hổng trong các phương án. Và ông ấy dành thêm cho tôi 30 phút để nói về quyền từ chối, quyền phản biện, quyền nghi vấn, quyền đặt câu hỏi – những điều mà ông cho rằng là quyền và kỹ năng cần thiết của một người trưởng thành tự chủ.

Buổi trò chuyện ngắn ngủi năm ấy đã lái quỹ đạo cuộc đời tôi rẽ một hướng khác. Tôi tự hỏi bản thân rất nhiều điều: Mình có thực sự muốn làm công việc này không? Mình có thực sự yêu thích công việc này không? Nếu rời xa công việc này mình sẽ sống tệ hơn sao? Và tôi nghe theo tiếng nói từ trái tim mình. Nó bảo “Không”. Từ bỏ 8 năm gắn bó với một công việc nhàn tẻ, lặp đi lặp lại, không mang lại nhiều giá trị hữu ích cho sự phát triển bản thân ngoài đồng lương ổn định, tôi bước vào công việc mới mà bố mẹ tôi không ngừng phàn nàn rằng vớ vẩn và chẳng có ai ngược đời như vậy cả, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn như vậy.

Gần đây, càng ngày càng có nhiều người bạn tìm đến tôi nhờ tư vấn. Những người bạn cùng trang lứa, thụ hưởng chung một nền giáo dục gia đình và học đường, do vậy cùng gặp những vấn đề khúc mắc tương tự nhau, không chỉ trong công việc mà cả cuộc sống hôn nhân, gia đình. Một số người chọn nhầm chồng, bởi kết hôn nương theo định hướng của bố mẹ và cảm xúc nhất thời. Một vài người khác thì chọn nhầm nghề, cũng bởi lơ mơ chọn học ngành “hot” theo lời đồn của xã hội chứ chưa bao giờ tự hỏi mình thật sự thích gì, muốn gì. Lại có người chọn nhầm lẽ sống, cả đời mơ mơ hồ hồ mà bước. Dĩ nhiên, với bất cứ ai, cuộc đời này là cả bài học lớn, chúng ta đều trưởng thành bằng vô vàn sai lầm và thử nghiệm; song tôi ước rằng, mình và mọi người đã có thể học được cách nói “Không” sớm hơn, ngay từ trong gia đình, trên ghế nhà trường. Vì nói cho cùng, khi chúng ta đón nhận bài học từ cuộc đời xô bồ, ắt phải trả cái giá quá lớn!