Học chữ nơi "sơn cùng thủy tận"
(Baonghean) - Con thuyền chòng chành chở đầy ắp học sinh trên dòng nước dữ, người lái đò cũng là một cậu học trò nhỏ cầm chiếc sào ra sức chống chọi. Khi thuyền sang sông, các em lại phải đi bộ gần chục cây số, rồi lội qua khe Tắm chảy xiết mới tới trường… Đó là hình ảnh bắt gặp thường ngày nơi đầu nguồn sông Nậm Nơn, đoạn qua xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn).
(Baonghean) - Con thuyền chòng chành chở đầy ắp học sinh trên dòng nước dữ, người lái đò cũng là một cậu học trò nhỏ cầm chiếc sào ra sức chống chọi. Khi thuyền sang sông, các em lại phải đi bộ gần chục cây số, rồi lội qua khe Tắm chảy xiết mới tới trường… Đó là hình ảnh bắt gặp thường ngày nơi đầu nguồn sông Nậm Nơn, đoạn qua xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn).
Vượt sông, lội khe đến lớp
Thấy tôi chăm chú nhìn cảnh học sinh lội qua khe Tắm để sang bản Xiềng Tắm (trung tâm của xã Mỹ Lý - huyện Kỳ Sơn) học chữ, một chiến sỹ bộ đội biên phòng Đồn 527 nói: “Xưa nay ở đây là thế đấy! Để tới lớp, các cháu ở vùng thượng nguồn sông Nậm Nơn vừa đi đò qua sông vừa phải lội suối. Hôm nào nước to, bộ đội biên phòng lại phải dùng thuyền hỗ trợ”. Học sinh nam nhanh chóng cởi quần dài vắt lên cổ vọt qua khe, học sinh nữ thì đành để luôn cả quần dài. Em Vờ Bá Thăng, trú ở bản An Hòa, tâm sự: Hằng ngày em phải đi về như thế này hai lần. Từ bản An Hòa muốn đi học phải xuống bến thuyền qua sông Nậm Nơn, sau đó đi bộ theo đường mòn dọc bờ Nam của con sông này cho tới Đồn Biên phòng 527, rồi lội qua khe Tắm, tiếp tục đi bộ một quãng nữa mới tới lớp. Tuy nhà ở không cách xa trường lắm nhưng đi lại thật gian nan! Nhiều hôm gặp nước lũ về, Thăng và một số bạn trong bản không về được, phải ở lại nhờ chốn trọ của các bạn hoặc nhà bà con dân bản Xiềng Tắm. Mùa này nước nhỏ nên các em có thể qua trường được, nếu gặp trời mưa to, nước trên ngàn đổ về khe Tắm thì phải nghỉ học.
Rời bến khe Tắm, men theo đường mòn của bản Xiềng Tắm, chúng tôi đã tới thăm các thầy cô giáo ở Trường THCS Mỹ Lý. Khu nội trú nằm giữa ngã ba dòng Nậm Nơn và dòng khe Tắm vắng tanh. Đâu đó vang lên tiếng đọc bài Tiếng Việt trọ trẹ của học sinh đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ mú. Thầy Hạp Văn Long, Hiệu trưởng nhà trường, tâm sự: Học sinh ở đây toàn là con em các dân tộc Thái, Mông và Khơ mú. Có những em học sinh ở bản xa giáp biên giới như: bản Nhọt Lợt, bản Phà Chống, bản Huổi Pún, bản Cha Nga … Mỗi lần đi xuôi về ngược, phải thuê thuyền máy đi mất nửa ngày trời mới tới nơi. Em Vừ Y Thò, trú bản Nhọt Lợt cho biết, vì xa nhà, điều kiện đi lại khó khăn, giá cả thuyền bè đắt đỏ nên mỗi kỳ học Thò chỉ về nhà một lần. Để có điều kiện ở lại học chữ, hàng tháng bố mẹ em gửi lương thực từ bản xuống. Em Thò cho biết thêm, hầu hết các bạn của Thò ở bản xa cũng chung hoàn cảnh như vậy.
Đứng trên bờ sông Nậm Nơn nhìn các em học trò đi học phải lội qua sông, thầy Hạp Văn Long bùi ngùi: “Vùng rừng núi nên mưa lũ thất thường lắm. Nhiều em học sinh phải vượt qua sông Nậm Nơn, rồi lội qua khe Bén và khe Tắm, rồi khi đó mới tới trường, tới lớp”.
Dựng lều trọ học
Ngoài cái đói cái nghèo đeo bám, nhận thức của đồng bào vẫn còn hạn chế nên phụ huynh chưa thực sự quan tâm tới việc học hành của con cái. Để đến trường, các em học sinh chỉ có một ít gạo, mì tôm và muối xúp. Muốn cải thiện thêm thức ăn, các em phải vào rừng bẻ măng, hay xuống suối câu cá, mò cua bắt ốc. Nhiều hôm thiếu gạo, thức ăn, các em phải lên rừng tìm rau củ để chống đói.
Để có nước sinh hoạt hàng ngày, các em học sinh phải ra
suối Nậm Nơn lấy nước
Chúng tôi tìm đến dãy lều trọ của các em vào lúc tan học, đó là những túp lều tranh xiêu vẹo nằm chênh vênh bên sườn núi dọc theo dòng Nậm Nơn và khe Tắm. Các em bắt đầu nhóm lửa chuẩn bị bữa trưa, khắp nơi khói bốc lên nghi ngút. Mở các nồi thức ăn không thấy gì khác ngoài măng và canh lá rừng. Tới một lều tranh, nhìn bữa ăn của 3 em nữ Vờ Y Zếnh, Và Y Dú, Lò Y Thu, mọi người không kìm được xúc động. Chỉ có nồi cơm nguội và ít bầu rợ nấu từ tối qua chưa kịp ăn. Vào lán của 2 em Và Bá Tống và Và Chá Gang, cả hai đều là con em đồng bào dân tộc Mông, ở bản Cha Nga xuống bản Xiềng Tắm để học chữ, em Tống cho biết: Bố mẹ làm nương rẫy, nhà có tới 8 anh chị em, hầu hết đều thất học, cả nhà chỉ có em được đi học”. Nhóm của Tống và Gang còn có 10 bạn khác đều là dân tộc Mông ở chung một dãy lều trọ. Hằng ngày, các em nấu ăn chung, ngủ chung. Các em ăn uống kham khổ, bữa mì tôm, bữa khoai sắn, chẳng mấy khi có được bữa cơm canh no, chứ đừng nói đến thịt, cá.
Sang lều cạnh bên, em Mùa Bá Vai (ở cùng 4 em khác người dân tộc Mông) cho biết, do ở xa gia đình, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên các em phải chắt bóp từng bữa ăn. Ngoài nồi cơm bữa sống bữa khê, các em phải chia nhau từng thỏi mì tôm ra cho từng giờ để nấu thay canh chan vào cơm làm thức ăn. Mỗi tuần được nghỉ học một ngày, bạn nào ở gần thì mới quay về bản để kiếm lương thực, thực phẩm mang ra chốn trọ, bạn nào xa nhà thì đành ngồi ngóng "viện trợ" từ bố mẹ gửi ra. Nhiều bữa, các em chung nhau pha chỉ 1 gói mì tôm, đổ thật nhiều nước để ăn. Vì muốn biết chữ và mong ngày mai trưởng thành trở về giúp bà con bản làng, các em luôn động viên nhau vượt khó. Nơi lều tranh bộn bề gian khó, các em ai cũng có những ước mơ giản dị. Em Huỳnh nói, ước mơ lớn nhất là sau này làm chủ tịch xã, em Vai thì làm công an, em Vừ Y Zếnh thì mơ được làm cô giáo dạy học cho các em thôn bản nghèo...
Nỗi niềm người gieo chữ
Toàn Trường THCS Mỹ Lý có 28 giáo viên thì có tới 19 giáo viên ở trong dãy ký túc xá được dựng lên bằng ván gỗ dài khoảng 30m, được chia thành 6 phòng, mỗi phòng rộng chừng 45m2. Trong 6 phòng này có những phòng phải ngăn đôi để các cặp vợ chồng ở, còn lại là mỗi phòng có khoảng 4 đến 5 thầy, hoặc 3 đến 4 cô chen chúc nhau vừa sinh hoạt vừa làm việc.
Các thầy cô giáo ở đây đều đều đến từ các huyện miền xuôi trong và ngoài tỉnh. Người thì vợ, chồng, con cái ở với ông bà nội, ngoại. Có những thầy cô lên công tác, gặp nhau và thành vợ chồng, rồi sinh con đẻ cái ngay trong khu ký túc xá của trường. Mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi niềm tâm sự khác nhau. cô Hờ Y Trữ là người dân tộc Mông, dạy học ở đây đã được 4 năm. Cô Trữ cũng là một điển hình khó khăn, chồng là giáo viên, giảng dạy ở xã Bảo Nam cạnh bên. Những lúc lên bục giảng, không có ai chăm nom đứa con lên hai, nên buộc lòng phải đưa mẹ già xuống ở chung để trông em bé. Cuối tuần anh chồng về thăm nhà, 4 người lại quây quần lại trong căn phòng chật chội.
Thầy Nguyễn Văn Hải cho hay: “Lên đây dạy học giáo viên phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Hoàn cảnh giáo viên nhiều khi còn khó khăn hơn cả học trò, hàng tháng thầy cô ở lại nội trú đều phải gửi mua lương thực, thực phẩm từ Thị trấn Mường Xén gửi vào. Ngoài điều kiện ăn uống kham khổ, giáo viên nơi đây còn phải sống trong điều kiện hết sức khó khăn”. Nói rồi, thầy Hải chỉ tay ra dòng sông Nậm Nơn nói, điện không có phải dùng tuapin, do phụ thuộc vào dòng khe dòng suối nên bữa có bữa không. Nước uống hay tắm rửa đều phải lấy từ sông Nậm Nơn. Nhà vệ sinh không có, giáo viên phải tự làm tạm, không có hệ thống xử lý nên ô nhiễm vô cùng.
Cô giáo Lê Kim Oanh (quê ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá) tâm sự: “Mặc dù bây giờ đi lại đã bớt khó hơn trước, nhưng từ trung tâm Thị trấn Mường Xén phải đi cả ngày mới tới trường, mỗi khi nghỉ hè hoặc nghỉ Tết về quê chẳng muốn lên nữa. Nhưng vì các em học sinh nơi núi rừng, tụi em lại quay lên để dạy học”.
Phan Sáng