Học nghề giỏi, không ít cơ hội việc làm

14/03/2013 18:12

Nghề nghiệp luôn được coi là một trong nhiều yếu tố quan trọng quyết định tương lai của mỗi con người. Việc lựa chọn ngành nghề để theo học sau khi tốt nghiệp THPT đang là vấn đề được nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm, đặc biệt là trước kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng sắp tới.  Học theo trào lưu

(Baonghean.vn) - Nghề nghiệp luôn được coi là một trong nhiều yếu tố quan trọng quyết định tương lai của mỗi con người. Việc lựa chọn ngành nghề để theo học sau khi tốt nghiệp THPT đang là vấn đề được nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm, đặc biệt là trước kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng sắp tới.

Học theo trào lưu


Trong bộ đồ lấm lem dầu mỡ, tay cầm khoan thoăn thoắt vặn mấy con ốc-vít gắn các thanh nhôm vào với nhau. Nhìn anh Nguyễn Trung Quân – khối Trung Định, phường Hưng Dũng làm việc, không ai nghĩ anh là cử nhân khoa Kinh tế của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 2007, tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại khá, anh trở về quê lập nghiệp để gần người cha già. Hơn 2 năm nộp hồ sơ xin việc ở các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhưng không có nơi nào tiếp nhận, không có thu nhập trang trải trong sinh hoạt hàng ngày, phải dựa vào đồng lương hưu của người cha già, cuối cùng anh quyết định gác tấm bằng đại học, từ bỏ ước mơ trở thành một nhân viên tài chính ngân hàng để theo đám bạn mở xưởng sản xuất các mặt hàng nhôm kính, i-nốc. Mới đầu vừa học vừa làm còn nhiều bỡ ngỡ nhưng sau một thời gian anh đã quen việc và trở thành một tay thợ lành nghề, được rất nhiều khách hàng tín nhiệm.

Anh chia sẻ: “Trước đây, khi đăng ký dự thi đại học, thấy các bạn trong lớp làm hồ sơ thi ngành kinh tế, tôi cũng làm hồ sơ thi ngành này theo các bạn chứ không nghĩ đến việc học xong ra trường có xin được việc làm hay không”.

Không riêng gì anh Nguyễn Trung Quân, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường chưa có việc làm hoặc làm việc không đúng chuyên ngành mình đã học. Theo thống kê của Sở GD&ĐT, năm 2012, Nghệ An có gần 20.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng (chưa kể số học sinh học trung cấp chuyên nghiệp), trong số này có hơn 7.000 người đến nay vẫn chưa tìm được việc làm. Những người này đa số là sinh viên tốt nghiệp các khối ngành kinh tế, tài chính ngân hàng, sư phạm, y dược…

Tình trạng “thừa thấy thiếu thợ” trên địa bàn tỉnh Nghệ An là vấn đề “nóng” từ lâu đã được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm. Tỉnh Nghệ An đã có đề án về phân luồng, định hướng nghề cho học sinh và Sở GD&ĐT cũng đã có Công văn số 670/SGD&ĐT-GDCN ngày 8/4/2010 về việc triển khai hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS không dự thi vào THPT mà đăng ký đi học nghề và trung cấp chuyên nghiệp. Sau 3 năm rưỡi học tập sẽ được cấp đồng thời cả bằng tốt nghiệp THPT và bằng học nghề, vừa tiết kiệm về kinh tế và thời gian cho học sinh. Tuy nhiên, công tác hướng nghiệp và tuyên truyền của các trường chuyên nghiệp chưa hiệu quả nên chưa thực sự tác động đến nhận thức và nhu cầu của người dân. Trong khi học sinh ồ ạt đi học các ngành đang dư thừa một lượng lớn lao động như: kinh tế, tài chính ngân hàng, y dược, sư phạm… thì các ngành hiện nay đang thiếu lao động lại không thu hút được học sinh theo học như ngành kỹ thuật, nông lâm, cơ khí, chế tạo máy, điện, điện tử, công nghệ ô tô…

“Để thay đổi quan điểm của phụ huynh trong việc lựa chọn ngành nghề cho con em mình là rất khó. Phụ huynh nào cũng muốn con em mình thi vào những trường đại học, cao đẳng danh tiếng mà không quan tâm đến năng lực thực sự của con em mình, hay là học xong ra trường sẽ vào làm việc ở đâu”. Anh Nguyễn Mạnh Hà nói.

Học nghề giỏi, không ít cơ hội việc làm

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có gần 70 cơ sở dạy nghề như: trường Đại học SPKT Vinh, Trường CĐN kỹ thuật Việt - Đức, Trường cao đẳng GTVT miền trung, Trường CNKT xây dựng thuộc Tổng công ty xây dựng Hà nội, Trường CĐN Du lịch - Thương mại Nghệ An…

Theo số liệu của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, tỷ lệ học sinh học nghề tốt nghiệp năm học 2010 - 2011 là 96%, trong đó có trên 75% học sinh tốt nghiệp các trường dạy nghề được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, trên 39% được lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá có tay nghề tốt. Một số trường dạy nghề có uy tín trên địa bàn tỉnh sau khi kết thúc khóa học đã có nhiều doanh nghiệp đến đặt vấn đề xin nhận học sinh của trường về làm việc như trường Đại học SPKT Vinh, năm học 2011 – 2012 vừa kết thúc đã có gần 500 sinh viên của trường được Tập đoàn Thép Fomosa ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) nhận vào làm việc.

Anh Lưu Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển thanh niên cho biết: Trung tâm hỗ trợ phát triển thanh niên vừa phối hợp với Sở GD&ĐT cùng các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh tổ chức tư vấn, định hướng nghề cho các học sinh tại 7 huyện: Thanh Chương, Anh Sơn, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp, Đô Lương, Tân Kỳ, Diễn Châu. Tại cơ sở, chúng tôi đã tư vấn, định hướng cho các em trong việc lựa chọn ngành nghề. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là làm thế nào để giúp các em lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực và đảm bảo các em có việc làm ổn định sau khi ra trường.



Cán bộ Trung tâm hỗ trợ phát triển thanh niên đang tư vấn, định hướng nghề cho học sinh trước kỳ thi đại học, cao đẳng 2013

Để công tác định hướng nghề cho học sinh thực hiện một cách có hiệu quả, đúng ngành, đúng nghề, đúng năng lực, sở trường, rất cần sự quan tâm vào cuộc một cách đồng bộ của các cơ quan chức năng. Đặc biệt là công tác thông tin tuyên truyền phải được triển khai xuống tận từng khối xóm, từng gia đình để nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, vị trí của đào tạo nghề và học nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Anh Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Trước mỗi kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, vấn đề phân luồng, định hướng nghề cho học sinh sau khi tốt nghiệp THPT được Sở GD&ĐT và các ban ngành rất quan tâm. Sở đã chỉ đạo và phối hợp với các trường THPT trên địa bàn tỉnh tư vấn, định hướng cho các em lựa chọn ngành nghề tùy vào lực học của các em. Tuy nhiên, hiện nay một số em vẫn chưa ý thức được việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của mình mà chủ yếu còn dựa vào quyết định của bố mẹ, hoặc theo trào lưu và sở thích cá nhân. Có rất nhiều trường hợp các em học lực trung bình nhưng vẫn chọn thi vào những trường đại học có uy tín, kết quả thi không đỗ lại đăng ký thi vào các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế, y dược, sư phạm… mà không tính đến chuyện ra trường sẽ xin vào làm việc ở đâu. Vì vậy mới có thực trạng hơn 3.000 sinh viên sư phạm ra trường hiện nay chưa có việc làm.


Võ Huyền

Mới nhất
x
Học nghề giỏi, không ít cơ hội việc làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO