Giáo dục

Học sinh Nghệ An lúng túng đổi môn thi, khối thi

Mỹ Hà 17/10/2024 06:35

Chương trình mới với nhiều kỳ thi khác nhau đang khiến nhiều học sinh lúng túng khi chọn lựa môn học. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc chọn ngành, chọn nghề của các em nếu như không sớm được tư vấn và định hướng kịp thời.

Khó khăn khi đổi khối, đổi lớp

Chỉ còn vài tháng nữa, Hoàng Thị Tú Anh - Học sinh lớp 12D6 – Trường THPT Đô Lương 1 sẽ bắt đầu các kỳ thi để xét tuyển vào đại học. Để rộng đường vào ngôi trường mơ ước, hiện Tú Anh đang dự định thực hiện 3 hình thức xét tuyển, gồm xét tuyển thẳng theo hình thức học bạ, tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPTkỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Với 2 hình thức đầu tiên, nữ sinh này không quá lo lắng vì em học khá tốt và điểm học bạ khá cao. Tuy nhiên, với Kỳ thi đánh giá năng lực, Tú Anh khá băn khoăn vì kỳ thi năm nay có sự điều chỉnh so với các năm trước và có những môn em không còn được học ở trường.

Đây là năm đầu tiên chúng em sẽ thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới nên có khá nhiều điều chỉnh. Riêng với Kỳ thi đánh giá năng lực, ngoài 2 phần thi thuộc các môn Toán học, Ngữ văn em sẽ thi tổ hợp môn Lịch sử - Địa lý và Sinh học. Khó khăn nhất với em hiện nay đó là môn Sinh học không phải là môn tự chọn của em nên em chưa từng học môn này trong 3 năm THPT. Vì thế, nếu dự thi, em buộc phải học lại toàn bộ kiến thức và tự ôn tập.

Học sinh Hoàng Thị Tú Anh, học sinh lớp 12D6 – Trường THPT Đô Lương 1

anh-my-ha-1-(1).jpg
Giờ học của học sinh Trường THPT Đô Lương 1. Ảnh: Mỹ Hà

Tú Anh không phải là trường hợp duy nhất ở Trường THPT Đô Lương 1 phải lựa chọn giải pháp “tự học” vì một số môn tự chọn các em đăng ký từ năm lớp 10 nay đã không còn phù hợp với các kỳ thi đánh giá năng lực.

Ngoài học sinh lớp 12, một số học sinh lớp 10, lớp 11 cũng đã xin được đổi lớp vì sau một thời gian theo học nhận thấy có một số môn tự chọn không phù hợp với năng lực bản thân hoặc không phù hợp với các kỳ thi riêng như kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực của các trường đại học.

Thường những em xin chuyển lớp là những em đang học khối Khoa học tự nhiên sang khối Khoa học xã hội. Trong trường hợp các em mới vào học lớp 10 chúng tôi có thể xem xét. Tuy nhiên, khi các em đã học lớp 11 và 12 thì rất khó để chuyển vì các môn học giữa các lớp lệch nhau và các em sẽ khó theo kịp chương trình. Nếu các em vẫn quyết tâm dự thi các môn không có trong chương trình, các em sẽ phải tự học hoặc tham gia các khóa học thêm ở ngoài. Nhà trường cũng sẽ sắp xếp cho các em sang học thêm ở các lớp khác nếu các em có nguyện vọng.

Thầy giáo Lê Đức Hưng – Hiệu trưởng Trường THPT Đô Lương 1

Tại Trường THPT Lê Lợi (Tân Kỳ), chỉ 2 tháng của năm học 2024 – 2025 nhà trường đã nhận được khá nhiều lá đơn của các học sinh lớp 10 xin chuyển lớp với nhiều lý do khác nhau.

Như trường hợp em Hải Đăng (học sinh lớp 10A7), xin được chuyển sang lớp 10A3 vì cá nhân em cho rằng, “bản thân không phù hợp với tổ hợp môn học và không phù hợp với năng lực”.

Trong khi đó, học sinh Huyền Trang cũng ở lớp 10A7 xin nhà trường chuyển sang lớp 10A9, dù rằng lớp của em đang học vốn là lớp chọn của trường. Nữ sinh này cũng cho biết, sở dĩ em xin chuyển lớp vì sau một thời gian học em cảm thấy năng lực không đủ để theo kịp các bạn và các môn học cũng không phù hợp với định hướng tương lai.

Ngoài học sinh lớp 10, một số học sinh cuối cấp cũng xin chuyển lớp. Tuy nhiên, vì giữa các lớp, các môn tự chọn không đồng nhất nên các học sinh này đều phải viết đơn “cam kết tự học để bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới đảm bảo yêu cầu cần đạt để đủ năng lực học tiếp môn học mới”.

anh-my-ha-3-(1).jpg
Tiết học của học sinh Trường THPT Lê Lợi (Tân Kỳ). Ảnh: Mỹ Hà

Chương trình mới có nhiều thay đổi, đặc biệt trong việc bố trí môn tự chọn nên các học sinh rất khó lựa chọn. Những học sinh thay đổi khối thường là những em năng lực vừa phải nên các em thường chọn sang các môn xã hội để dễ học hơn, thuận lợi cho thi và xét tốt nghiệp. Dù chương trình mới đã được triển khai từ năm học 2022 – 2023, nhưng thời điểm đó Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học chưa công bố phương án thi nên việc định hướng của nhà trường và việc lựa chọn của học sinh gặp nhiều khó khăn.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thịnh – Hiệu trưởng trường THPT Lê Lợi (Tân Kỳ)

Đáp ứng tối đa nguyện vọng của học sinh

Năm học 2024 - 2025 sẽ khép lại chu kỳ của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời, cũng là năm học có nhiều đổi mới từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các trường đại học. Theo đó, trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh sẽ thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Về các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy tại thời điểm này hầu hết các trường đại học hiện cũng đã công bố cấu trúc đề thi theo chương trình mới nên học sinh đã chủ động hơn trong việc lựa chọn môn thi, khối thi. Cụ thể, ở kỳ thi này, ngoài 2 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn hoặc Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn 3 trong 6 môn thi gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử hoặc Kinh tế pháp luật (tùy theo từng trường).

 Ảnh - Mỹ Hà (2)
Tiết học của học sinh Trường THPT Nghi Lộc 2. Ảnh: Mỹ Hà

Trước sự thay đổi này, ngay trong tháng đầu tiên của học kỳ I, nhiều trường hiện đã tiến hành khảo sát và cho học sinh đăng ký các môn thi.

Chúng tôi đã cho toàn bộ học sinh lớp 11 và lớp 12 đăng ký các môn tự chọn và khảo sát những học sinh dự kiến thi các môn đánh giá năng lực. Trên cơ sở đó, trường sẽ sắp xếp và tổ chức các lớp học thêm phù hợp với nguyện vọng của học sinh.

Thầy giáo Nguyễn Văn Phương – Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 2

Qua khảo sát cho thấy, với những học sinh chỉ thi tốt nghiệp, việc đăng ký các môn tự chọn khá thuận lợi, vì trước đó các nhà trường đã tư vấn cho học sinh lựa chọn các môn học phù hợp với năng lực, sở thích và theo định hướng nghề nghiệp tương lai.

Nhưng với học sinh thi đánh giá năng lực, các em sẽ phải cẩn trọng hơn, vì kỳ thi theo chương trình mới có nhiều môn thi cho các em lựa chọn. Học sinh sẽ đăng ký dự thi những môn các em có thể phát huy được thế mạnh của mình và có khả năng lấy điểm cao.

Để không bị động với các kỳ thi và tránh tình trạng học sinh chuyển trường, chuyển lớp, chuyển khối, công tác định hướng cho học sinh được các nhà trường thực hiện ngay từ đầu năm lớp 10. Thậm chí, nhiều trường còn mời phụ huynh cùng tham gia để có thể đưa ra những tư vấn chính xác.

Trước khi tư vấn cho phụ huynh, học sinh, nhà trường đã thành lập ban tư vấn để sắp xếp các tổ hợp môn sao cho phù hợp. Hiện trường chúng tôi có 4 tổ hợp môn để học sinh có thể bao quát được 3 kỳ thi chính, đó là kỳ thi tốt nghiệp, kỳ thi đánh giá tư duy và các kỳ thi đánh giá năng lực. Việc tư vấn dựa trên năng lực và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Thầy giáo Hoàng Minh Lương – Hiệu trưởng Trường THPT Lê Viết Thuật - TP Vinh

Trường THPT Lê Viết Thuật tư vấn về các kỳ thi mới tại Kỳ họp phụ huynh đầu năm
Trường THPT Lê Viết Thuật tư vấn về các kỳ thi mới tại Kỳ họp phụ huynh đầu năm. Ảnh: Mỹ Hà

Liên quan đến việc lựa chọn các môn thi, xu hướng gần đây ngày càng có nhiều học sinh lựa chọn tổ hợp môn Khoa học xã hội, dẫn đến sự mất cân đối trong việc lựa chọn môn thi, lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Việc lựa chọn theo số đông hoặc chưa có định hướng rõ ràng dẫn đến việc nhiều học sinh sau một thời gian học lại lo lắng đổi lớp, đổi trường. Về phía các nhà trường lại rơi vào tình trạng có lớp quá tải về sĩ số, nhưng cũng có lớp không đủ học sinh đăng ký. Do đó, việc xếp lớp, xếp giáo viên gặp rất nhiều khó khăn.

Ngay từ đầu năm học chúng tôi yêu cầu các nhà trường đẩy mạnh tổ chức tư vấn và cho học sinh đăng ký, lựa chọn môn học phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh đảm bảo công khai, minh bạch. Trong trường hợp có những học sinh đăng ký các môn dự thi khác với các môn tự chọn các em đã đăng ký trước đó, khuyến khích các nhà trường tổ chức riêng các lớp học theo từng môn học lựa chọn, chuyên đề học tập lựa chọn. Đồng thời, linh hoạt bố trí số học sinh theo từng lớp học và xây dựng thời khóa biểu phù hợp để đáp ứng tối đa nguyện vọng của học sinh.

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo

Mới nhất

x
Học sinh Nghệ An lúng túng đổi môn thi, khối thi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO