Kinh tế

Hối hả làng trống Hoàng Hà dịp cuối năm

Phú Hương 18/01/2025 13:49

Những ngày cuối năm, không khí ở làng trống Hoàng Hà sôi động, bận rộn hơn, nhiều hộ làm ngày, làm đêm để đáp ứng nhu cầu tăng cao dịp tết Nguyên đán và phục vụ mùa lễ hội đầu năm mới.

Có lịch sử hàng trăm năm, làng trống Hoàng Hà ở xã Diễn Hoàng (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) độc đáo khi bí quyết làm nghề chỉ được truyền bá trong dòng họ Nguyễn.

 trống đẹp. Ảnh- Phú Hương
Trống Hoàng Hà có lịch sử hàng trăm năm. Ảnh: Phú Hương

Nghề lắm công phu

Năm nay 54 tuổi, nhưng ông Nguyễn Đình Cát đã có “thâm niên” làm trống hơn 40 năm. Ông tâm sự: “Từ khi còn nhỏ, tôi đã loanh quanh phụ giúp bố mẹ đủ thứ việc vặt và học nghề”. Theo nghề đã hơn nửa đời người, nên mỗi khi được hỏi, ông lại say sưa kể về từng công đoạn, thậm chí chia sẻ cách làm và một vài bí quyết.

 1. Ảnh- Phú Hương
Những ngày cuối năm, ông Nguyễn Đình Cát bận rộn hơn để đáp ứng nhu cầu tăng cao của khách hàng. Ảnh: Phú Hương

Để làm ra cái trống đẹp và âm vang, rền, gỗ làm trống phải là gỗ mít già từ 40 năm tuổi trở đi và chỉ sử dụng gỗ lõi để trống làm ra không bị rút gỗ, cong vênh và giữ được tiếng; cũng có nhà tận dụng gỗ giác để làm nhưng bán rất rẻ.

“Ngày xưa gỗ mít nhiều dễ mua, còn bây giờ phải đặt gom rồi lấy từng đợt vì rất hiếm kể cả lên tận các huyện miền núi. Để tạo được âm thanh vang rền khi đánh, da làm mặt trống bắt buộc phải dùng da trâu, bò già, ít ra cũng đã được nuôi 3- 4 năm trở lên, chủ yếu dùng da bò Lào, bò của các vùng miền núi cao”, ông Nguyễn Đình Cát kể.

 3. Ảnh- Phú Hương
Da bò được xử lý, phơi khô để làm mặt trống. Ảnh: Phú Hương

Da bò mua về được rửa sạch, hoàn toàn không dùng hoá chất mà được xử lý thủ công, bào mỏng căng ra trên khung tre phơi nắng từ 2- 3 ngày rồi đưa vào bóng mát để 2- 3 tiếng đồng hồ cho nhuần lại rồi mới căng, bào da, đo cắt theo kích thước và hình mặt trống.

Những công đoạn này được thợ trống làm rất cẩn thận để không ảnh hưởng đến độ rền của tiếng trống, việc căng, chỉnh, lấy tiếng, miệng tang đều phải đúng kỹ thuật, nếu không trống sẽ bị cắt âm, không kêu.

Trong đó, công đoạn bào da mặt trống là khó nhất, quyết định âm thanh tốt và phù hợp cho từng loại trống, đòi hỏi người thợ phải kinh nghiệm để cảm nhận được độ mỏng, dày của da trống.

 da. Ảnh- Phú Hương
Da được cắt theo kích thước từng loại trống. Ảnh: Phú Hương

Sản phẩm trống ở làng Hoàng Hà phong phú, đa dạng với trên 10 loại trống, từ trống đại, trống trung đến trống tiểu, và trong đó cũng chia ra nhiều loại, phục vụ đa dạng nhu cầu từ các trường học, đền chùa, trống họ, trống dùng trong các sự kiện văn hoá, với các loại trống chèo, trống múa, trống âm nhạc…

Theo thợ làm nghề, tang trống bền, có thể để hàng trăm năm không hỏng, nhưng mặt trống thường chỉ chịu được 6- 7 năm sử dụng là thủng, nên ngoài mua mới, khách hàng thường gửi trống để sửa lại.

 2. Ảnh- Phú Hương
Tang trống được làm bằng lõi gỗ mít lâu năm. Ảnh: Phú Hương

Hiện trống trung có giá 3 triệu đồng/cái, trống đại được chạm trổ cầu kỳ với rồng, phượng và hoa văn sơn son thếp vàng 7 triệu đồng/cái, trống nhỏ chỉ mấy trăm nghìn đồng/cái. Nhưng thợ làng trống Hoàng Hà cũng từng làm những cái trống to có giá hàng trăm triệu đồng.

Ông Cát kể: Có lần một doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm đồ gỗ ở Yên Lý đặt 1 cái trống to để đặt trong khuôn viên công ty, với mức giá lên đến 150 triệu đồng. Ông phải thuê thêm mấy người làm mà cũng 4 tháng trời mới xong.

 Trong nhà ông Nguyễn Đình Cát luôn có sẵn trống đáp ứng nhu cầu khách mua. Ảnh- Phú Hương
Trong nhà ông Nguyễn Đình Cát luôn có sẵn trống đáp ứng nhu cầu khách mua. Ảnh: Phú Hương

Trăn trở giữ nghề

Nghề làm trống ở Diễn Hoàng đã có từ hàng trăm năm nay. Thời trước, mọi công đoạn đều làm thủ công, thợ ròng rã nửa tháng trời mới làm xong một cái trống to, trống nhỏ hơn cũng phải 5-7 ngày. Từ những năm 2005- 2006, bắt đầu có máy cưa vanh và máy bào, thời gian làm giảm xuống 4- 5 ngày mà nhẹ nhàng hơn hẳn. Hiện các hộ cơ bản đều trang bị đầy đủ máy cưa, máy ghép, tuy nhiên, một số công đoạn vẫn phải làm thủ công để có thể cho ra những chiếc trống có âm thanh tốt.

 đo chi tiết. Ảnh- Phú Hương
Thợ làm trống cẩn thận, cầu kỳ từng chi tiết. Ảnh: Phú Hương

Những ngày cuối năm, làng trống chộn rộn, tất bật hơn. “Từ nay đến ra Giêng là mùa làm ăn chính trong năm, nhu cầu tăng cao phục Tết và đầu năm”, ông Nguyễn Xuân Kỷ, năm nay 75 tuổi cho biết. Con cái không ai theo nghề, đều đã đi làm xa, nên bình thường mỗi tháng 2 ông bà chỉ làm bán 7- 8 cái. Nhưng từ tháng 11 âm lịch, ông đã phải “tăng tốc” để làm đủ vài chục cái trống đáp ứng nhu cầu của khách, tuổi đã cao nên những cái trống to, ông phải nhờ các cháu sang hỗ trợ.

Không chỉ gia đình ông, mà những hộ làm nghề khác cũng vậy. Ông Nguyễn Đình Cát cho hay, nếu bình thường ông bán 7- 8 cái trống/tháng, thì dịp cuối năm này mỗi tháng ông tiêu thụ 14- 15 cái, từ tháng 12 âm lịch đến Rằm tháng Giêng bán được 20- 30 cái.

 4. Ảnh- Phú Hương
Nhiều công đoạn, người thợ vẫn làm thủ công. Ảnh: Phú Hương

Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Hoàng - ông Hồ Hoàng cho biết: Không chỉ được bán nội tỉnh, trống Hoàng Hà còn được tiêu thụ ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa, các tỉnh miền Nam, bán sang Lào. Thời kỳ thịnh vượng, làng có trên 30 hộ làm nghề nhưng hiện chỉ còn 14 hộ. Ngoài một số chỉ làm theo “mùa vụ”, một ít hộ không phát triển được nên bỏ, thì những hộ đã làm nghề lâu đời vẫn giữ nghề, quyết tâm duy trì, phát triển nghề truyền thống.

 phơi trống. Ảnh- Phú Hương
Trống làng Hoàng Hà được khách hàng ưa chuộng và đã tạo được "thương hiệu". Ảnh: Phú Hương

Tuy nhiên, do “quy định” bất thành văn từ xa xưa là không truyền nghề cho người ngoài dòng họ, nên nghề trống cũng thu hẹp, mai một dần, nhất là khi lớp trẻ hiện nay rất hiếm người theo nghề truyền thống của cha ông mà đi nước ngoài, làm những ngành nghề khác có thu nhập cao hơn.

“Không phải ai cũng làm được, không chỉ chịu khó mà còn phải khéo tay, thực sự đam mê. Các cụ kể lại, cách đây mấy đời có 2 người truyền nghề lại cho dân nơi khác, từ đó con cháu trong họ không ai theo nghề được nữa. Không biết thực hư thế nào nhưng không giống như các nghề khác, trong làng không ai truyền nghề cho người ngoài dòng họ cả”, ông Nguyễn Xuân Kỷ chia sẻ.

Mới nhất

x
Hối hả làng trống Hoàng Hà dịp cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO