Hội nghị cấp cao APEC 21: Châu Á-Thái Bình Dương tự cường
Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 khai mạc tại đảo Bali, Indonesia ngày 7/10.
Các đại biểu tham dự hội nghị thảo luận vấn đề thương mại, kinh tế, an ninh và các vấn đề khác của khu vực. Diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới có nhiều biến động, hội nghị lần này là cơ hội để các nước thành viên tăng cường hợp tác và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21 diễn ra trong 2 ngày 7-8/10 với chủ đề "Châu Á – Thái Bình Dương tự cường: Động lực của tăng trưởng toàn cầu”.
Tổng thống nước chủ nhà tại Hội nghị (Ảnh: Reuters) |
Hội nghị cấp cao APEC 21 tập trung thảo luận ba vấn đề trọng tâm: Tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay và vai trò của APEC trong việc thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương, tầm nhìn APEC về kết nối trong cấu trúc quốc tế và khu vực đang định hình và tăng trưởng bền vững gắn với công bằng: an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự hợp tác đối với 21 nền kinh tế thành viên để đối phó với tình trạng suy thoái của nền kinh tế thế giới.
Ông Yudhoyono tuyên bố: “ Các nước thành viên APEC cần phải tăng cường hợp tác hơn nữa. Hợp tác là chìa khóa giúp chúng ta đối phó với các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế”.
21 nước thành viên APEC chiếm hơn 1 nửa GDP toàn cầu. Tổng thống Indonesia cho rằng, APEC có một vị thế lí tưởng để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính.
Nền kinh tế khu vực APEC được dự báo tăng 6,3% trong năm nay và 6,6% trong năm tới. Mặc dù vậy, sự phục hồi chậm chạp kinh tế trong khu vực với những chính sách tài chính không chắc chắn tại Mỹ đang tác động đến những nước thành viên APEC khác, đặc biệt là những nền kinh tế đang nổi lên .
Các nền kinh tế lớn tại châu Á, đặc biệt như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia đang phải đối mặt với tốc độ phát triển kinh tế chậm trong những tháng gần đây.
Vì vậy, hội nghị APEC là cơ hội để giúp các nền kinh tế tăng cường các hoạt động kinh tế để phát triển bền vững.
Bộ trưởng Thương mại Indonesia Gita Wirjawan nhận định: “ Tôi nghĩ sự cần thiết cũng như phải công nhận rằng những nền kinh tế đang phát triển cần phải có sự phát triển kinh tế vững mạnh. Bởi vì sự phát triển vững mạnh của các nền kinh tế đang phát triển như Indonesiasẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự ổn định của triển vọng kinh tế toàn cầu”.
Theo một số phương tiện truyền thông, một tuyên bố chung của hội nghị cấp cao sẽ được đưa ra vào ngày mai, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải cải cách cấu trúc giúp tăng cường sản xuất, sự tham gia của lực lượng lao động và tạo ra nhiều việc làm trình độ cao trong khu vực.
Bên lề hội nghị hôm nay cũng diễn ra một loạt các cuộc gặp cấp cao song phương, đáng chú ý là cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra nhằm tăng cường mối quan hệ song phương. Thủ tướng New Zealand John Kerry cũng có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Malaysia, Chile, Peru và Canada.
Đặc biệt, cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry được dư luận quan tâm, tập trung chủ yếu vào tình hình Syria và Iran./.
Theo VOV - ĐT