Hội nghị Thượng đỉnh G8: “Nóng” nhiều vấn đề
Những chủ đề "nhức đầu”
Không cần phải bàn thì cuộc khủng hoảng nợ công EU cũng đã đủ làm "nhức đầu” các nhà lãnh đạo G8. Bởi, cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực eurozone đã có dấu hiệu bước sang một giai đoạn mới, khi Tây Ban Nha và Italia đều bên bờ vực khủng hoảng. Lần đầu tiên kể từ đầu tháng 12-2011, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha đã vọt lên trên 6,1%, gần đến mức gây ra tình trạng hoảng loạn trên thị trường. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu cùng kỳ hạn của Italia ở mức gần 5,6%, Giới phân tích cho rằng đó là những dấu hiệu cho thấy khủng hoảng nợ đã quay lại sau vài tháng tạm lắng. Mặt khác, những bế tắc trên chính trường Hy Lạp buộc quốc gia này phải bầu cử lại càng khiến tình hình EU thêm căng thẳng.
Nội dung trọng tâm thứ 2 tại Hội nghị lần này là vấn đề an ninh lương thực. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Trái đất (WWI) cảnh báo an ninh lương thực đang trở thành vấn đề cấp thiết khi ngày càng nhiều nước giàu hơn ở Trung Đông và châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đổ tiền vào châu Phi đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2006 đến 2009, có từ 15-20 triệu hécta đất nông nghiệp ở các nước thuộc vùng Tiểu sa mạc Sahara châu Phi đã được bán và nay thuộc quyền sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài, khiến nạn đói gia tăng ở châu Phi, đặc biệt là vùng Sừng châu Phi. Đây sẽ là những vấn đề trọng tâm tại Hội nghị và theo dự kiến, Tổng thống Obama sẽ công bố những kế hoạch mới nhằm cải thiện quá trình phát triển nông nghiệp ở châu Phi. "An ninh lương thực đã trở thành một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama” - bà Kristin Wedding, chuyên gia Dự án An ninh Lương thực toàn cầu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói.
Trong mắt giới phân tích, Hội nghị G8 lần này mang nhiều khác biệt đối với các nhà lãnh đạo thế giới. Đối với cá nhân Tổng thống Obama, Hội nghị lần này một phần nhằm khuếch trương uy tín chính trị của ông trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang tới gần. Một lý do khác là, ông Obama muốn tranh thủ sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo thế giới để thực hiện các tham vọng đề ra, đặc biệt là khi vấn đề đảm bảo an ninh lương thực là một trong những nội dung chính trong chính sách đối ngoại của ông trước kỳ bầu cử. Đối với tân Tổng thống Pháp Francois Hollande, đây không chỉ là lần đầu tiên ra mắt, mà còn là cơ hội để ông thực hiện những cam kết trước cử tri, đồng thời chứng tỏ mình không phải là một "người Bình thường” như cách nói chế giễu của cựu Tổng thống Sarkozy. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Merkel vừa nếm trải thất bại trong cuộc bầu cử cấp bang và Tổng thống Nga Putin đã từ chối tham dự Hội nghị với những lý do tế nhị. Rõ ràng, các nhà lãnh đạo dự Hội nghị với những tâm thế khác nhau, và vì thế Hội nghị G8 lần này nhiều khả năng không đưa ra được những quyết sách lớn như kỳ vọng.
Điềm xấu cho quan hệ Nga-Mỹ?
Có lẽ, điểm nóng đáng chú ý tại Hội nghị G8 hôm nay chính là sự vắng mặt của Tổng thống Nga Putin. Một tuần trước khi Hội nghị diễn ra, ông Putin đã lấy lý do cần phải hoàn tất việc thành lập Nội các mới để từ chối việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G8. Động thái này có thể ví như một điềm xấu đối với mối quan hệ Nga-Mỹ thời gian tới, khi Mỹ kỳ vọng mối quan hệ này trở nên ấm nồng hơn khi ông Putin trở lại Điện Kremli. Mổ xẻ nguyên nhân dẫn tới thái độ lạnh nhạt này, giới phân tích cho rằng Moscow bây giờ đã có những lối suy nghĩ thực dụng hơn. Những hội nghị kiểu "đến hẹn lại lên” như G8 không còn sức hấp dẫn với Nga, đặc biệt khi nó chưa từng đưa ra được một cam kết cụ thể hoặc mang lại lợi ích cho nước Nga như Moscow trông đợi. Hơn nữa, nước Nga hiện tại có những mối quan tâm sâu sắc hơn, thiết thực hơn, chẳng hạn như với Trung Quốc. Ít nhất đối với Bắc Kinh, Moscow còn có nhiều điểm chung như hai bên cùng ở trong nhóm BRICS, cùng trong Tổ chức Hợp tác Thương Hải, đặc biệt là cả hai đều không quá kình địch nhau về lợi ích. Chính vì thế, chuyến công du đầu tiên, ông Putin sẽ tới thăm Trung Quốc, một ưu tiên trong chính sách đối ngoại mới của Điện Kremli.
Những động thái này cho thấy, mối quan hệ Nga-Mỹ thời gian tới được dự báo sẽ có những diễn biến phức tạp và khó được cải thiện.
Theo Daidoanket-T