Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2023
(Baonghean.vn) - Chiều 19/12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2023 bằng hình thức trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại đầu cầu Trung ương, chủ trì hội nghị gồm các đồng chí: Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Lê Thành Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; cùng các Thứ trưởng Bộ Tư pháp.
Tại điểm cầu Nghệ An, tham dự có đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Quang cảnh điểm cầu tại Nghệ An. Ảnh: Mỹ Nga |
Năm 2022, toàn ngành Tư pháp đã triển khai thực hiện các mục tiêu với tinh thần vào cuộc “từ sớm, từ xa”. Toàn ngành tập trung giải quyết, xử lý kịp thời những vấn đề mới phát sinh.
Một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật như: Công tác phổ biến giáo dục pháp luật tiếp tục đổi mới, bám sát yêu cầu đời sống thực tiễn, lấy người dân là trung tâm thụ hưởng; cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử vận hành hiệu quả, duy trì kết nối thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao so với năm 2021.
Năm 2023, ngành Tư pháp định hướng 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện và thể chế hoá kịp thời, đầy đủ các nghị quyết, kết luận, chỉ thị; tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng của ngành tư pháp; cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức tư pháp theo vị trí việc làm; tăng cường năng lực tham mưu cho Chính phủ; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp; tập trung nâng cao hiệu quả thực hiện đầu tư công; giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp…
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Nga |
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết, năm 2022 đóng góp vào kết quả chung của tỉnh, ngành Tư pháp Nghệ An đã tập trung cao nhất các nguồn lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao. Một số kết quả tích cực nổi bật như: công tác hành chính tư pháp được thực hiện kịp thời, chính xác, đúng quy định của pháp luật, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Các tổ chức đấu giá tài sản đã thực hiện 477 cuộc đấu giá, trong đó có 438 cuộc đấu giá thành. Số tổ chức hành nghề công chứng là 35 tổ chức với 67 công chứng viên. Tổ chức 238 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với nhiều hình thức đa dạng; 7.232 cuộc phổ biến giáo dục pháp luật trực tiếp...
Đồng chí Lê Hồng Vinh cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế của ngành Tư pháp như: số lượng biên chế ít, song số hồ sơ đăng ký tăng đột biến hơn 200% so với năm 2021, nên việc đạt tỷ lệ số lượng phiếu cấp đúng hạn 92% là một nỗ lực rất lớn của toàn ngành. Công tác kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động công chứng, đấu giá tư nhân vẫn còn nhiều khó khăn do một số quy định pháp luật chưa chặt chẽ, rõ ràng, gây lúng túng trong quá trình thực hiện; tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức đấu giá; tình trạng “sân sau" còn tồn tại…
Tại hội nghị, Bộ Tư pháp đã trao tặng Cờ thi đua của ngành Tư pháp cho 21 đơn vị trực thuộc, trong đó có Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An.
Đồng chí Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ kết luận tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Nga |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao về những đóng góp lớn của ngành Tư pháp trong năm 2022.
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trong năm 2023, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị, ngành Tư pháp tiếp tục quán triệt, thể chế hoá kịp thời đầy đủ, đồng bộ, chính xác các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế pháp luật, xác định rõ cơ chế phân công phối hợp; Các bộ, ngành địa phương nâng cao xử lý phản ánh của người dân, doanh nghiệp, kiên quyết tránh tình trạng nợ đọng văn bản.
Tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp; rà soát, đơn giản hoá các thủ tục nhằm phục vụ tốt cho người dân; Hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 04 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Hoàn thiện cơ chế để thực hiện hội nhập sâu rộng của đất nước; Kiện toàn bộ máy theo tinh thần tinh gọn, hiệu quả.