Hội thi văn ở làng Quỳnh Đôi

21/01/2013 19:14

Làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu từ xưa nổi tiếng là đất học. Người dân thường truyền tụng câu ca “Bắc Hà – Hàn Thiện; Hoan Diễn – Quỳnh Đôi”. Hàng năm, nhân dân làng Quỳnh tổ chức các lễ hội dân gian, nhưng trong những cuộc vui, hội thi văn ở đây có nét riêng khá đặc sắc.

(Baonghean) Làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu từ xưa nổi tiếng là đất học. Người dân thường truyền tụng câu ca “Bắc Hà – Hàn Thiện; Hoan Diễn – Quỳnh Đôi”. Hàng năm, nhân dân làng Quỳnh tổ chức các lễ hội dân gian, nhưng trong những cuộc vui, hội thi văn ở đây có nét riêng khá đặc sắc.

Quỳnh Đôi trở thành đơn vị hành chính kể từ năm Mậu Ngọ (1378) với tên Thổ Đôi Trang, đến năm 1528 mới gọi là làng Quỳnh Đôi. Vùng này có nghề rèn, nghề mộc, nghề làm bún, đặc biệt có nghề dệt lụa gốc ở Hà Đông.

Làng Quỳnh Đôi có rất nhiều người đỗ đạt trong các khoa thi. Tính từ năm 1449, người đậu đạt của 21 dòng họ là 557 người, trong đó 539 tú tài, 203 cử nhân, 6 phó bảng, 10 tiến sỹ. Trong số này, Hồ Sỹ Dương đỗ đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân, làm đến chức Thượng thư bộ binh kiêm Đông các đại học sỹ; Hồ Phi Tích đỗ Đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân làm đến chức Hình bộ thượng thư; Hồ Sỹ Đống đỗ Hoàng giáp giữ chức Tham sự đốc phủ sứ tham tụng; Hồ Xuân Hương, nhà thơ nữ tiêu biểu đỉnh cao của thơ nôm Việt Nam. Lý giải cho truyền thống hiếu học và khoa bảng, người đời cho rằng vùng này là đất quý: “Đông có Quy Lĩnh, Tây có Tượng Sơn, Nam có Mục Lĩnh, Bắc có núi Bát Nhã chầu về”. Đó là thế núi bao quanh làng Quỳnh. Đầu làng mình, nhân dân Quỳnh Đôi xây đền thờ Đức Khổng Tử; nhà thánh được xây cất trên mảnh đất địa linh, rất thịnh cho việc học hành thi cử. Làng Quỳnh còn đắp con đường từ bàu Hậu về làng mình, quanh co để tăng thêm sự long trọng uy nghiêm của đám rước những người đỗ đạt vinh quy bái tổ.

Trong điều kiện khó khăn vất vả, người làng Quỳnh nói riêng, người Nghệ An nói chung phải tìm cho mình một hướng đi, một nghề riêng. Nghề đi dạy học để “Tiến vi quan, thoái vi sư”. Người ở đây có thể thiếu cái ăn cái mặc, nhưng không thể thiếu cái chữ. Gia đình nghèo cũng chắt chiu cho con học hành. Vất vả cực nhọc đến đâu thì người vợ, người mẹ cũng tần tảo nuôi con đi học. Do đó, việc học hành đã trở thành phong trào đua tranh của mọi nhà, tạo thành làn sóng trong làng xã, một truyền thống riêng của làng. Bên cạnh giá trị tâm linh của địa lý tự nhiên, thì chủ trương khuyến học của làng xã trở thành một động lực mạnh mẽ, thúc giục nhân dân làng Quỳnh học tập. Điều đó thể hiện trong Hương ước của làng: “Năm Cảnh Hưng thứ 29 (1768) ngày 7/1, quan tri phủ Đức Quang là Hồ Phi Quỳnh hợp đồng với làng bàn rằng: Làng ta là làng văn nhã, học trò học rất nhiều, xưa nay nhà nào cũng tập tành học hành riêng ở nhà, chắc mình đã là hay là giỏi, chưa lấy đâu làm bằng cứ. Từ nay, hàng năm đến đầu Xuân độ chừng trung tuần chọn ngày tốt. Sáng mai đánh ba hồi trống cho các thầy nho sinh, hiệu sinh, học sinh đều mang lều chõng đến đình Trung làng ra bài cho làm”.

Đình làng Quỳnh Đôi là ngôi đình bề thế, xây dựng từ lâu. Đến năm Bính Tý (1756) bỗng bị cháy làng phải làm lại. Năm 1860, làng lại nâng cấp, cụ cử nhân Phạm Đình Toái làm quan ở triều đình Huế bỏ ra 400 quan tiền xây dựng. Đình xây cất cao hơn điện Thái Hòa ở Kinh đô, sự việc bị phát giác, triều đình bắt hạ xuống 5 tấc. Điêu khắc trong đình đạt đến độ tinh xảo với rồng chầu phượng múa.

Hàng năm, đến ngày 16 tháng Giêng, làng làm lễ khảo làng tị đình, ai bỏ thiếu phạt 6 tiền. Ngày “khảo làng” ở Quỳnh Đôi tuy không có lễ tế thần với đầy đủ nghi thức, nhưng nơi sân đình có cắm cờ ngũ hành, có biện trầu rượu cáo thần trước khi quan viên và thí sinh vào đình, có đông đảo bà con dân làng đến xem con em mình trổ tài nghiên bút. Trước thi 3 ngày, người dự thi phải đến nhà ông Câu Đương đăng ký dự thi. Khi thi, mang theo cơi trầu 10 miếng. Sáng sớm làng tổ chức thi, các vị khoa bảng, các lão nho trong làng họp trước để cử người làm giám khảo. Một hồi trống nổi lên, các nho sinh mang chiếu tráp, bút giấy vào đình nhận chỗ và trình quyển thi. Ban giám khảo đồng thời là giám thị đánh giáp lai vào quyển thi rồi trả lại cho nho sinh. Chín tiếng trống gióng giả, thí sinh mở quyển. Bài thi trường là bài văn tế thánh. Có khi là một bài văn sách, hay một bài nói về việc gì đó trong làng. Giữa buổi thi, thí sinh cũng phải lấy “dấu” nhật trung. Đến trưa, một hồi trống dài, thí sinh nộp quyển. Giám khảo chấm ngay tại Đình Trung. Bài thi nào đạt yêu cầu thì được vào văn hội. Giải thưởng ngoài giấy bút, bài ai được xếp loại ưu thì không phải đóng tiền, xếp loại bình chỉ đóng 1/3, xếp loại bình thứ đóng theo lệ phí vào văn hội. Đây là cuộc thi văn không chỉ tuyển người vào văn hội mà còn là một cách cổ vũ việc học, tôn vinh người có chữ.

Đến năm Minh Mệnh thứ 7 (1826), ngày 18/5, làng lại bàn: Ai thi đậu đại khoa khi vinh quy, làng sắm sửa nghi trượng đón rước. Còn thi hương, đậu tứ trường khi về đến chợ làng sẽ đón rước về tận nhà để tỏ lòng trọng đạo. Khi mất, ai có bằng tiến sỹ được quan viên mặc áo, đội mũ trắng đến làm lễ. Hàng năm, được làng đến cúng vào dịp Tết. Làng Quỳnh Đôi lập hội tư văn sớm (1600), hội đã tham gia tích cực vào các hoạt động của làng, giữ vai trò chủ chốt trong việc đặt ra khoán ước, bổ sung những điều quy định nhất là việc khuyến học.

Hội thi văn đầu Xuân là nét đẹp văn hóa của làng Quỳnh xưa cần được giữ gìn trân trọng cho con cháu mai sau.


TS. Phan Xuân Thành

Hội thi văn ở làng Quỳnh Đôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO