Hơn 10.000 ha đất lâm nghiệp ở Nghệ An bị chuyển nhượng trái phép và sử dụng sai mục đích

Thu Huyền 24/07/2018 16:18

(Baonghean.vn) - Đó là thông tin được đưa ra tại phiên họp thường kỳ tháng 7 do đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chủ trì.

Một khu vực đất lâm nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng ở xã Châu Tiến. Ảnh tư liệu
Một khu vực đất lâm nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng ở xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. Ảnh tư liệu
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe và cho ý kiến về đề án giao rừng, cho thuê rừng tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2022.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính đến thời điểm hiện nay, UBND các cấp đã tổ chức giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư sử dụng vào mục đích lâm nghiệp được 139.579,57 ha. Trong đó, đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ 122.894,88 ha.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh còn có 203.521,24 ha rừng và đất lâm nghiệp chưa giao. Trong đó, rừng tự nhiên 194.583,08 ha và rừng trồng 8.938,16 ha.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 12 Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) nông, lâm nghiệp, gồm 05 công ty lâm nghiệp và 07 công ty nông nghiệp, với tổng đất lâm nghiệp được giao quản lý, sử dụng 59.385,4 ha; chiếm tỷ lệ 4,80% tổng diện tích đất lâm nghiệp trong toàn tỉnh.

Đại tá, giám đốc công an tỉnh Nguyễn Hữu Cầu. Ảnh Thu Huyền
Đại tá, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Hữu Cầu phát biểu, nhấn mạnh tình trạng mua bán, chuyển nhượng trái phép và sử dụng sai mục đích đất lâm nghiệp xảy ra ở nhiều địa phương và cho rằng, ngành Nông nghiệp cần có giải pháp căn cơ trong vấn đề giao đất giao rừng để người dân có đất sản xuất. Ảnh Thu Huyền

Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An, UBND tỉnh đã cho 06 doanh nghiệp thuê đất lâm nghiệp để thực hiện dự án với tổng diện tích là 6.144,9 ha; chiếm tỷ lệ 0,5% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong toàn tỉnh. Đến nay, về cơ bản các công ty đang triển khai trồng rừng và các hạng mục khác của dự án trên diện tích được thuê. Riêng Công ty Cổ phần InnovGreen Nghệ An từ năm 2011 đến nay không thực hiện và 2 Công ty TNHH Nam Mỹ, Kiều Phương có một phần đất bị người dân lấn chiếm trồng rừng.

Tình trạng mua bán, chuyển nhượng trái phép và sử dụng sai mục đích đất lâm nghiệp xảy ra ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, với nhiều hình thức khác nhau như (vay mượn, cầm cố, thế chấp, bán trao tay, thất lạc,...). Theo số liệu tổng hợp, tổng diện tích đất lâm nghiệp bị mua bán, chuyển nhượng trái phép khoảng 10.038 ha. Tập trung nhiều tại các huyện Quỳ Hợp, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông và Anh Sơn.

Ngoài ra, các Ban quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ là đơn vị sự nghiệp được Nhà nước giao quản lý các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và một số diện tích đất rừng sản xuất đan xen trong các khu rừng. Diện tích rừng sản xuất này đến nay vẫn chưa tiến hành công tác giao rừng, cho thuê rừng.

Hiện nay, việc giao đất, cho thuê đất cấp giấy chứng nhận QSDĐ lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh, nhưng chưa thực hiện công tác giao rừng, cho thuê rừng. Toàn tỉnh mới tiến hành giao rừng được 2.060 ha cho Công ty Đầu tư tài chính BĐS Việt, Công ty Cổ phần dược liệu TH; Công an Trại giam số 6 và giao cho cộng đồng bản, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong quản lý sử dụng.

Một số diện tích đã giao đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ nhưng người dân được giao đất không xác định được ranh giới ngoài thực địa, dẫn đến tình trạng tranh chấp, không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân, như huyện Kỳ Sơn.

Ảnh: Thu Huyền
Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết tình trạng chuyển nhượng trái phép đất lâm nghiệp là có thực. Hiện ngành đang trăn trở xây dựng đề án để tăng cường công tác quản lý nhưng đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề kinh phí. Ảnh: Thu Huyền

Việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ, nhưng chưa gắn với giao rừng, cho thuê rừng nên rừng vẫn chưa có chủ quản lý, dẫn đến tình trạng chặt phá, khai thác, chuyển đổi làm suy thoái rừng xảy ra tại một số địa phương.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Nghĩa Hiếu, khó khăn hiện nay là nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách cho hoạt động giao rừng, cho thuê rừng chưa được bố trí từ ngân sách để các địa phương chủ động thực hiện. Quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, thiếu sự đồng bộ, ranh giới địa chính không rõ ràng, vẫn còn tranh chấp đất rừng, nhiều quy hoạch chồng chéo khó giải quyết. Người dân được giao đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ lâm nghiệp, nơi có rừng, họ tự nhận thấy được toàn quyền sử dụng đất và sử dụng rừng nên không nhất thiết hoàn thiện hồ sơ giao rừng...

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, đòi hỏi cần thiết phải xây dựng đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ lâm nghiệp đểáp dụng trên phạm vi toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch là rừng sản xuất, bao gồm đất có rừng tự nhiên và đất có rừng trồng bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An.

Theo tính toán, nguồn kinh phí thực hiện Đề án là hơn 292 tỷ đồng, phấn đấu đến năm 2021 hoàn thành giao rừng, cho thuê rừng 101.678/343.100 ha.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường nhấn mạnh, đến nay Nghệ An chưa ban hành đề án là chậm. Để đảm bảo rừng có chủ, việc ban hành đề án là rất cần thiết, cần sớm được thông qua. Tuy nhiên, việc bàn giao rừng còn nhiều vấn đề: đơn giá, diện tích, nguồn kinh phí… cần phải làm chính xác, đảm bảo tính khả thi. Phải thực hiện đúng nguyên tắc, trình tự thủ tục do pháp luật quy định về giao rừng, cho thuê rừng và phải có sự tham gia của người dân; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, đảm bảo công bằng, minh bạch và công khai dân chủ.

Đề nghị Sở NN&PTNT tiếp thu các ý kiến; tham khảo từ Bộ NN&PTNT, kinh nghiệm từ các tỉnh xác định phương pháp giao phù hợp để xây dựng, hoàn thiện đề án, trình lại trong phiên họp tới.

Mới nhất
x
Hơn 10.000 ha đất lâm nghiệp ở Nghệ An bị chuyển nhượng trái phép và sử dụng sai mục đích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO