Hợp tác kinh tế là then chốt trong quan hệ Việt - Nhật
Sáng sớm 20/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã về đến thủ đô Hà Nội, kết thúc chuyến thăm cấp Nhà nước Nhật Bản theo lời mời của Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu.
Chuyến thăm đã đạt nhiều thành công quan trọng, đặt dấu mốc lịch sử mới nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa 2 nước, đồng thời thúc đẩy hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực vì lợi ích của 2 nước, vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe |
Chuyến thăm cấp Nhà nước Nhật Bản lần này là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trên cương vị đứng đầu Nhà nước và là chuyến thăm Nhật Bản cấp Nhà nước lần thứ 2 của Chủ tịch nước ta trong hơn 40 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973.
Đặc biệt hơn, Chủ tịch nước là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên là khách mời của Nhà vua đến thăm Nhật Bản trong năm 2014. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam-Nhật Bản đang có những bước phát triển mạnh mẽ và sâu rộng, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2009. Hai nước cũng vừa tổ chức rất thành công Năm Hữu nghị Việt-Nhật 2013 nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Với lịch trình dày đặc, Chủ tịch nước đã có hàng loạt các cuộc gặp gỡ và tiếp xúc từ Nhà vua, Hoàng gia, Quốc hội, Chính phủ đến đông đảo lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn, các hiệp hội doanh nghiệp, lãnh đạo địa phương, các hội giao lưu nhân dân, những người bạn Nhật thân thiết với Việt Nam và cả với những nông dân Nhật Bản.
Nổi bật nhất tại Quốc hội Nhật Bản, cơ quan lập pháp có lịch sử lâu đời nhất châu Á, trước sự có mặt đông đảo của nghị sỹ hai viện và nội các Nhật Bản, Chủ tịch Nước đã có bài phát biểu với chủ đề “Đổi mới và sáng tạo để thích ứng trong một thế giới đang thay đổi”. Sự hiện diện và bài phát biểu của Chủ tịch Nước đã chiếm được cảm tình đặc biệt của tất cả các giới, các thành phần xã hội.
Cùng với bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội Nhật Bản được hoan nghênh nhiệt liệt, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc hội đàm rất thành công. Hai nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản. Tuyên bố chung đã xác lập những phương hướng lớn của quan hệ giữa hai nước trong giai đoạn phát triển mới.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhấn mạnh việc xác lập khuôn khổ hợp tác mới sẽ mở ra cơ hội hợp tác trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, khoa học, văn hóa giáo dục, an ninh quốc phòng và hợp tác quốc tế, trong đó đặc biệt là Việt Nam đang đổi mới, tái cơ cấu nền kinh tế, môi trường đầu tư. Đây sẽ là điểm tới hấp dẫn cho Nhật Bản.
Có thể thấy kể từ khi Việt Nam-Nhật Bản thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2009, hợp tác kinh tế là then chốt trong quan hệ 2 nước. Nhật Bản đã đứng ở vị trí hàng đầu trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký gần 35 tỷ USD và là bạn hàng lớn thứ ba của Việt Nam với trao đổi kim ngạch đạt hơn 25 tỷ USD. Nhật Bản cũng là quốc gia hỗ trợ ODA cho Việt Nam ở mức cao nhất và đều đặn hàng năm, kể cả trong những giai đoạn gặp khó khăn với tổng giá trị 23 tỷ USD.
Rõ ràng, mối quan hệ hợp tác cả về chiều sâu và chiều rộng giữa hai bên đang đòi hỏi một khuôn khổ hay một tầm mức hợp tác mới phù hợp với thực tiễn. Chính vì thế, qua hầu hết các cuộc hội đàm với thủ tướng Shinzo Abe và gặp gỡ chính giới Nhật Bản, Chủ tịch nước đã có các cuộc đối thoại cởi mở, hữu ích với hàng trăm lãnh đạo các tổ chức kinh tế và các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản nhằm thúc đẩy giới kinh tế Nhật Bản tích cực tham gia hỗ trợ Việt Nam triển khai Chiến lược Công nghiệp hóa, phát triển cơ sở hạ tầng và đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam... trong đó hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ là một điểm nhấn quan trọng.
Tại các cuộc tiếp xúc cũng như tại các diễn đàn doanh nghiệp có sự hiện diện của các lãnh đạo tập đoàn hàng đầu Nhật Bản cũng như cam kết của Nhật Bản triển khai kế hoạch hành động cho 6 ngành công nghiệp ưu tiên trong Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt-Nhật, hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp chuyên sâu, đồng thời tiếp tục cung cấp khoản vay 120 tỷ yên ưu đãi đợt 2 tài khóa 2012 cho 5 dự án lớn của Việt Nam.
Bên cạnh đó, 2 nước cũng đã đạt được rất nhiều những thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa giáo dục, trong đó hợp tác nông nghiệp là khâu đột phá khi Nhật Bản sẽ xem xét hỗ trợ Việt Nam tăng năng suất, nâng cao hiệu quả chế biến, tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm trong các sản phẩm nông-lâm sản và thủy sản, công nghiệp hóa nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong trồng trọt và chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập, thu hẹp chênh lệch và cải thiện đời sống nông dân. Đây là bước chuyển mới trong hợp tác giữa 2 nước.
Cùng với thành công trong hợp tác kinh tế, không thể không nói tới thành công trong việc thúc đẩy hợp tác giao lưu nhân dân giữa 2 nước. Tại Nhật Bản, Chủ tịch Nước đã có hàng loạt các cuộc tiếp xúc với hàng trăm bạn bè, các chính trị gia, các nhà doanh nghiệp và đại diện các tổ chức hữu nghị với Việt Nam.
Những người bạn Nhật, trong đó có cựu thủ tướng Tomiichi Murayama, nguyên là thủ tướng Nhật Bản đầu tiên thăm chính thức Việt Nam năm 1994 mở ra giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước cho rằng, sự quan tâm của Chủ tịch nước tới các bạn bè Nhật và các tổ chức hữu nghị sẽ thúc đẩy mạnh mẽ giao lưu nhân dân củng cố tình cảm hữu nghị và sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước .
Đánh giá về kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản chỉ trong 3 ngày nhưng có tới 50 hoạt động trải rộng từ Tokyo đến Ibaraki và Osaka, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định những kết quả đạt được, đặc biệt là nâng tầm quan hệ giữa 2 nước thành đối tác chiến lược sâu rộng đã tạo ra một khuôn khổ hợp tác mới và là nguồn xung lực mới gắn kết bền chặt hai dân tộc.
Theo VOV