Hưng Nguyên: Đắng mùa ớt?
(Baonghean) - Dù ở trong đồng hay ngoài bãi, thì đối với nhà nông huyện Hưng Nguyên, mô hình trồng ớt hàng hóa cũng từng xanh lên niềm hy vọng lớn. Nhưng, ở thời điểm này, niềm hy vọng ấy đang rất mong manh...
Với nhà nông, trong vườn bao giờ cũng có một vài cây ớt. Ớt cay hay ớt ngọt đối với nông dân Hưng Nguyên nay cũng chẳng còn lạ, nhưng việc liên kết với nhà doanh nghiệp để trồng ớt hàng hóa trên những diện tích tập trung là cuộc chuyển đổi cây trồng mới mẻ mà thành công hay rủi ro đang là chuyện khó lường. Năm 2013, Công ty CP Á Châu phối hợp với huyện xây dựng các mô hình trồng ớt hàng hóa ở 4 xã (Hưng Thông 10 ha, Hưng Xá 2,5 ha, Hưng Long 2 ha và Hưng Tây 1,5 ha); theo đó, Công ty CP Á Châu cung ứng giống (được 50%, còn lại huyện 30%, xã 20%), kỹ thuật, cho vay thuốc BVTV và phân bón, đồng thời cam kết bao tiêu sản phẩm.
Theo dự kiến, nếu trồng, chăm sóc đúng quy trình và thời tiết thuận lợi, phòng, chống tốt sâu bệnh hại thì mỗi sào ớt sau một vụ chừng năm, sáu tháng sẽ cho tổng sản lượng 8 tạ - 1 tấn quả tươi/sào/vụ; với giá thu mua của công ty là 6.000 đồng/kg như hiện nay, sẽ cho nông dân nguồn thu 4,8 - 6 triệu đồng/sào/vụ ớt, hơn đứt trồng bí, ngô, lạc… Chúng tôi có mặt ở mô hình trồng ớt trên vùng bãi Bến Sỏi, xã Hưng Long. Trên diện tích 2 ha tập trung, cây ớt đang đua xanh cùng với ngô, bí… Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hưng Long - ông Phạm Minh Tùng là người khá tâm huyết với cây ớt hàng hóa. Năm 2012, ông cho trồng thử nghiệm trên vùng bãi chùa Long Hoa, đã nếm mùi thất bại do thời tiết hạn và chất đất không phù hợp. Không nản, năm 2013, khi huyện chỉ đạo tiếp tục phát triển cây ớt, ông đã cùng cán bộ kỹ thuật của Công ty CP Á Châu khảo sát, chọn vùng đất bãi Bến Sỏi này để trồng giống ớt ngọt quả to, giống “chỉ địa” (quả buông xuống đất). Cây ớt háo nước, rút kinh nghiệm từ thất bại lần trước, ông Tùng vận động xã viên đầu tư 43 triệu đồng kéo điện ra bãi, khoan 12 giếng tưới và trồng cọc bê tông vây dây thép gai bảo vệ. Trồng từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 4 vừa rồi, ớt xanh ngút, cho lúc lỉu quả, mừng không hết. Nhưng rồi, sâu bệnh đã phát sinh và việc phòng, chống là hết sức khó khăn…
![]() |
Thu hoạch ớt ở xã Hưng Long. |
12 hộ nông tham gia mô hình trồng ớt hàng hóa ở Hưng Long vừa thu hoạch xong lứa thứ tư, với sản lượng ước 1,4 tạ/sào/4 lứa. Nhưng thực tế trên những luống ớt vừa được giãy cỏ, quả xanh lẫn quả chín bị sâu đục quả tấn công rơi lớp lớp ngổn ngang, trông mà xót ruột! Chủ nhiệm Phạm Minh Tùng bần thần vạch từng gốc ớt, nói: “Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp phòng trừ theo khuyến cáo của công ty, nhưng đến nay vẫn chưa chắc chắn sẽ chống lại được sâu bệnh hại. Chỉ có một điều chắc chắn là… sản lượng cao nhất thì cũng chỉ đạt khoảng 70 - 80% dự kiến”.
Phải nói là vì kỳ vọng lớn nên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hưng Long đã kỳ công trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư trồng ớt hàng hóa; như việc đây cũng là mô hình đầu tiên của Hưng Nguyên bà con xã viên tự đầu tư kéo điện ra bãi và tổ chức xây dựng mô hình trồng cây hàng hóa một cách nghiêm túc theo chỉ đạo của hợp tác xã. Xã viên Phạm Văn Thắng, 51 tuổi ở xóm 7b, người gầy quắt, quần ngang quần dọc trên ruộng ớt để tưới, nói: “Rảnh là tui lại ra bãi. Cái giống ớt này mà lơ là tưới tắm, chăm sóc một chút là “biết tay” với nó. Chậm tưới là cả thân lá, cuống quả héo lại rồi. Cỏ thì cứ nhãng giãy đi mấy bữa là ngút lên. Còn sâu bệnh thì phun trừ mãi nhưng sáng ra, lại thấy quả ớt lớp thì cuống đang thối dần, lớp thì đã rụng dày dưới gốc. Nhà tui hai vợ chồng tích cực trồng 3 sào. Lúc đầu thì chưa quen, cây ớt còi hơn của người ta, sau nhà tui mạnh dạn bón thêm phân, chăm sóc kỹ, ớt tốt vượt.
Đầu mùa thấy ớt xanh tốt, sai quả, rồi thu hoạch vài lứa đầu sào được dăm yến bán nhận tiền tươi mà sướng. Nhưng cơ chừng ni, chưa biết hợp tác xã và công ty tính ra răng; chứ tui thấy lo lắm… Nói thật nha, mất công nhưng mà thu thế thì thà dành sức tui đi xây, ngày kiếm hai trăm (nghìn) bạc là thường đấy!”. Theo chủ nhiệm Tùng thì xã viên Thắng là người yêu đồng, yêu ruộng lắm. Nhà hai vợ chồng gầy quắt mà ngoài chăn nuôi, làm thợ nề còn nhận 8 sào ruộng, 3 sào ớt và 1 sào bí và 1,5 sào lạc. Trồng cây nào cũng tốt và cho hiệu quả cao, nay tỏ ý nản với cây ớt là “tâm lý nặng” rồi. Cũng chính vì thế, nên khi chúng tôi hỏi dự định sắp tới của hợp tác xã có mở rộng diện tích ớt nữa không? Chủ nhiệm Tùng cho hay, là còn trông vào diễn biến thời tiết, sâu bệnh và các giải pháp tiếp theo của công ty liên kết.
Gặp xã viên Hoàng Thị Dung một mình làm 1 sào vì còn kiêm thêm công việc vệ sinh môi trường chợ của xã, quày quả buông xe đạp đầu bờ là xông xuống ngay kiểm tra ruộng ớt. Vừa tặc lưỡi tiếc rẻ, chị Dung vừa nhặt những trái ớt chín rụng cho vào chiếc nón, nói: “Tui hái 4 lứa được chừng 2,5 tạ rồi. Hái lên bán cho công ty tại chỗ, nhận tiền ngay, nhà báo mà về gặp dịp sẽ thấy không khí thu hoạch, thu mua rộn ràng, khí thế lắm. Nhưng dừ sâu bệnh như anh thấy đó!... Làm ớt việc không nặng nhưng phải siêng năng, mất thời gian. Mà như anh biết đấy, nhà nông bọn tui cứ bỏ công vào cây, con mô, thấy bấp bênh là lo và tiếc đứt ruột. Nói răng, chứ làm bài bản ri, mà dừ cũng cứ phải trông vô trời?”...
Vừa lúc có cán bộ Trạm BVTV huyện Võ Công Nam vào ruộng bãi Hưng Long kiểm tra tình hình sâu bệnh, tôi hỏi: “Ớt sâu bệnh thế này, đồng chí thấy thế nào?”. Ông lắc đầu quầy quậy, bảo là không nói được, chỉ là kiểm tra trên bí, ngô, lạc… thôi (?). Sao thế nhỉ? Cán bộ hợp tác xã lo lắng là phải rồi, nhưng chưa cả quyết được điều gì về sâu bệnh hại ớt; cán bộ huyện vào cũng không có ý kiến chi thì bà con biết trông vào đâu và làm sao để tuyên truyền vụ sau bà con tiếp tục trồng tiến tới mở rộng diện tích?
Chủ nhiệm Tùng đã rất cẩn thận, ngay cạnh mô hình trồng ớt, ông cho trồng bí, cũng là vụ đầu bà con ở đây đưa cây bí vào trồng trên đất bãi, nhà ít làm mấy thước, nhà nhiều làm 1 sào. Cây bí cho quả sai, nay chờ lên phấn là hái bán. Mới rồi tư thương về đặt vấn đề thu mua, nhưng nêu giá 2.500 đồng/kg, ông Tùng chưa chịu. Ông cho biết là sẽ đi tìm mối, thu mua đạt 4-5 nghìn đồng/kg mới bán. Xã viên Thắng đứng cạnh trợn mắt nói: “Tui thì cứ đợi đạt giá 6.000 đồng/kg như chợ bán năm ngoái năm tê mới chịu! Tui trù sào bí nhà tui thu hoạch bán được giá thu khoảng 20 triệu đồng”. Mong cho xã viên Thắng được vậy, nhưng cây bí là cây tự xã viên trồng, việc bao tiêu còn trông chờ vào thị trường và cạnh tranh mệt với các vùng rau, quả khác…
Rời Hưng Long, chúng tôi về vùng ớt hàng hóa Hưng Thông. Vồn vã dẫn chúng tôi ra cánh đồng ớt, Trưởng Ban Nông nghiệp xã Cao Văn Tứ cho biết: “Hưng Thông được huyện chỉ đạo trồng 10 ha, nhưng chỉ vận động nhân dân trồng được 7 ha chuyển đổi từ cây lạc, do 165 hộ thực hiện. Xã đã cho nạo vét kênh mương bơm nước về phục vụ tưới. Ngày nắng cao điểm công ty cho máy bơm về chạy bơm nối từ mương vào ruộng ớt, vừa tưới cho cây vừa để góp phần diệt trứng sâu hại, nhưng cũng không ăn thua”.
Thực thế, cánh đồng Bệnh Viện ngút ngát giống ớt cay chỉ thiên (giống quả nhỡ). Ớt xanh mươn mướt cây cao lút ngực người, nhưng bị sâu hại ảnh hưởng nghiêm trọng. Ớt xanh ớt chín rụng đầy gốc, kiểm tra trên cây thì thấy phần lớn quả đều đã bị sâu đục thối cuống, nhiều luống cỏ tốt lút ống chân. Cả cánh đồng rộng hàng mấy ha chỉ có mỗi chị Phan Thị Hòa, xóm 11, lui thủi ra hái ớt. Chị phàn nàn: “Bà con nản cả rồi! Hái dăm, sáu yến chỉ chọn ra được bảy, tám cân đạt chuẩn Công ty mới thu mua, tiền thu chưa được bao nhiêu thì công ty đã trừ ngay vào tiền vay vật tư rồi (phân bón, thuốc BVTV). Tôi xót quá, nên hôm nay tranh thủ ra hái, cả rổ ớt mà chỉ chọn được mấy quả lành về ăn đây này! Nhà làm sào rưỡi, cơ chừng mất trắng. Mới rồi có hỏi cán bộ kỹ thuật Công ty Á Châu, họ bảo là đang bất lực với sâu bệnh. Về tưới thì cánh đồng dốc ra phía mương, bươm mãi vào cũng chỉ đủ cho phía ngoài thôi”.
![]() |
Chị Phan Thị Hòa - xóm 11, Hưng Thông cho biết, hái một rổ ớt chín chỉ chọn được khoảng 30 quả lành. |
Liếc sang Trưởng ban Tứ, thấy ông gật gật xác nhận, tôi hỏi thêm: Vậy công ty không có giải pháp nào để ổn định tâm lý bà con lúc này à?. Chị Hòa góp chuyện ngay: “Cán bộ công ty có nói là dừ hái chọn ra sẽ mua với giá 10.000 đồng/kg, đem về phơi khô sẽ mua với giá 15.000 đồng/kg. Nhưng chọn thì chẳng còn ăn thua; mà phơi thì thời tiết này chỉ vài bữa là ớt úng thối, không khô được!”. Chừng như để tôi thấy rõ được thực tế khó khăn, Trưởng ban Tứ mới khẳng định, vụ ớt này ở Hưng Thông năng suất sẽ giảm từ 70 - 80%, và việc vận động nhân dân trồng vụ sau sẽ là rất khó!
Như thế, ít nhất ở thời điểm này cây ớt hàng hóa vụ đầu được đưa vào ở Hưng Nguyên đang gặp khó cả về phía Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Ngoài Hưng Tây trồng ít, thì ở Hưng Xá có mô hình 2,5 ha cả ớt chỉ thiên và chỉ địa, nhưng mô hình được thực hiện ở trang trại ông Nguyễn Văn Hồng vốn là người có kinh nghiệm trồng trọt chuyên canh hàng hóa và từng liên kết nhiều với doanh nghiệp nên tình hình có đỡ hơn (ông Hồng từng liên kết với Công ty CP Á Châu trồng cây cỏ ngọt, và trang trại của ông luôn chủ động nước tưới).
Đem phân vân từ Hưng Thông và Hưng Long hỏi cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên, được biết, sâu bệnh hại ớt là loài sâu xám và sâu xanh đục quả, nhưng chỉ khoảng một tuần nữa là hết chu kỳ sinh trưởng của chúng, bà con nên bám sát đồng ruộng chờ để ớt ra hoa lứa tiếp, chăm sóc để tiếp tục thu hoạch. Nếu thế sao không kịp thời xuống tuyên truyền cho bà con? Trả lời: Đã tuyên truyền, khuyến cáo nhưng một số bà con chưa an tâm. –Vậy, nếu huyện và doanh nghiệp chắc được hết chu kỳ sâu bệnh tình hình sẽ khá lên, thì sao không có một cam kết mới phù hợp nào đó để lấy lại niềm tin cho bà con nông dân? Nhưng đó đang là câu hỏi khó trả lời.
Dù sao, chia sẻ với cây ớt Hưng Nguyên, tất cả đang đặt hy vọng vào lứa hoa đang trổ mới và sự mặn mà trở lại của bà con nông dân tham gia mô hình trồng ớt hàng hóa ở thế “vạn sự khởi đầu nan”...
Đình Vũ