Hưng Nguyên: Mở hướng phát triển mới

17/08/2014 08:20

(Baonghean) - Về Hưng Nguyên vào những ngày thu tháng Tám, chúng tôi mang trong mình niềm tự hào với truyền thống 545 năm danh xưng Hưng Nguyên, phấn khởi với những bứt phá trong thời gian qua của huyện nhà. Truyền thống và hiện tại đang bồi đắp ý chí, sự quyết tâm cho Đảng bộ và nhân dân Hưng Nguyên mở ra một hướng đi mới, khai thác thế mạnh của một huyện ven đô để phát triển vững chắc…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường tham quan mô hình trồng cà rốt ở xã Hưng Khánh (Hưng Nguyên).
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường tham quan mô hình trồng cà rốt ở xã Hưng Khánh.

Sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Tên gọi Hưng Nguyên ra đời vào năm 1469, khi vua Lê Thánh Tông - một vị vua anh minh của các triều đại phong kiến Việt Nam, cho định lại bản đồ hành chính của cả nước. Khi đó, Đại Việt được chia thành 12 thừa tuyên, Nghệ An là một trong 12 thừa tuyên đó; huyện Hưng Nguyên thuộc phủ Anh Đô của thừa tuyên Nghệ An. Tên gọi ấy giàu ý nghĩa triết học và nhân văn, đó là: “Ngọn nguồn, chảy mãi, hưng thịnh và phát triển”. Đúng như ý nghĩa của tên gọi, 545 năm qua, các triều đại, các bậc tiền nhân và các thế hệ con em Hưng Nguyên đã trân trọng, nâng niu, gìn giữ và phát huy đến tận hôm nay.

Là một huyện thuần nông, độc canh cây lúa, nhưng do ở hạ lưu sông Lam, dưới chân các dãy núi lớn nên địa hình thấp trũng, nhiều cánh đồng ở Hưng Nguyên liên tục rơi vào thế “chưa nắng đã khô, chưa mưa đã ngập”. Một thời kỳ dài, Đảng bộ và nhân dân Hưng Nguyên luẩn quẩn với câu hỏi: Trồng cây gì, nuôi con gì cho thu nhập cao, cải thiện đời sống của nhân dân? Trăn trở đó lớn dần… Từ cách làm hay ở các địa phương, những định hướng, gợi mở từ lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và con em Hưng Nguyên xa quê thành đạt được tiếp thu chọn lọc để huyện triển khai một cách sáng tạo. Ông Trần Xuân Trung - Chủ tịch UBND huyện, chia sẻ: “Trên cơ sở lợi thế huyện phụ cận Thành phố Vinh, những năm gần đây, cấp ủy và chính quyền ở Hưng Nguyên đã tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước hình thành các vùng sản suất theo hướng chuyên canh, thâm canh”. Bây giờ, trên đồng đất Hưng Nguyên, đã hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, khối lượng sản phẩm lớn ở các xã vùng giữa. Điển hình như xã Hưng Tây, hiện tại giống lúa AC5, Bắc Thơm được cơ cấu chính trên đồng ruộng với tổng diện tích 600 ha/804 ha. Với chất lượng tốt, nên gạo Hưng Tây đã tạo được thương hiệu tại thị trường Thành phố Vinh. Anh Nguyễn Văn Tuệ ở xóm Kẻ Gai, tâm sự: “Gia đình tôi có 2 mẫu ruộng, trước đây, lúa được trồng chủ yếu phục vụ gia đình và chăn nuôi, thị trường không ưa chuộng nên giá bán rất thấp. Vài năm trở lại đây, khi đưa giống lúa hàng hóa vào sản xuất, năng suất vừa cao, chất lượng gạo ngon, dễ bán và được giá nên gia đình chú trọng thâm canh hơn. 2 sào ruộng, nếu thâm canh tốt cũng có đồng vào đồng ra để trang trải sinh hoạt hàng ngày”. Ngoài Hưng Tây, các xã Hưng Đạo, Hưng Tân, Hưng Thắng, Hưng Tiến, Hưng Xá, Hưng Xuân, thị trấn... cũng là các địa phương trọng điểm về gạo hàng hóa với các giống Nàng hương, Hương thơm, Thiên hương, CT30, AC5,...

Ông Hoàng Đức Ân - Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện, cho biết: Những năm gần đây, Hưng Nguyên đã đưa rất nhiều giống lúa vào sản xuất, tuy nhiên, để chọn được giống lúa phù hợp chất đất, khí hậu và có năng suất, chất lượng cao là điều không dễ. Chúng tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm để chọn ra những giống phù hợp đưa vào sản xuất trên quy mô lớn. Hiện toàn huyện đã hình thành sản xuất lúa hàng hóa tập trung với tổng diện tích là 1.700 - 2.000 ha/vụ và 500 ha/vụ được trồng rải rác ở các xã ngoài quy hoạch vùng lúa trọng điểm. Từ những thành công bước đầu này, huyện đang tiếp tục chỉ đạo nhân rộng mô hình trồng lúa đã có hiệu quả và giá trị kinh tế cao trên đồng đất Hưng Nguyên, đồng thời tiếp tục thử nghiệm và đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất gắn với liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để khép kín quy trình từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo Hưng Nguyên, nhằm đưa nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, gắn với chuyển đổi cơ cấu mùa vụ để tránh lũ lụt, đưa cà rốt, các loại rau xanh cao cấp vào trồng nhằm khai thác thế mạnh đất đai vùng bãi thuộc 9 xã ven sông Lam. Từ việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, chỉ 1 vụ xuân rồi bỏ hoang trước đây, nay hơn 1.000 ha đất bãi các xã ven sông làm được cơ cấu 2 vụ chính, đó là vụ đông xuân và vụ xuân hè; một số diện tích được cơ cấu 3 vụ. Nhờ đó tăng hệ số quay vòng sử dụng đất trong một năm, nâng cao giá trị thu nhập của người dân, có những diện tích cho thu nhập từ 70 - 120 triệu đồng/ha/vụ.

Tư duy đưa kinh tế nông nghiệp trở thành nền sản xuất hàng hóa ở Hưng Nguyên còn thể hiện bằng chủ trương đẩy mạnh sind hóa đàn bò. Nhờ đó, bò Hưng Nguyên chỉ cần nuôi 3 - 4 tháng đã xuất chuồng, góp phần nâng cao chất lượng và sản lượng chăn nuôi. Cùng với bò, thì lợn, gà cũng được chú trọng phát triển theo hướng hàng hóa với việc phát triển số lượng và quy mô trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp, kết hợp nuôi trồng thủy sản; phát triển kinh tế vườn đồi, đem lại nguồn thu đáng kể. Hiện tại trên địa bàn huyện có 330 gia trại và 74 trang trại các loại, bình quân mỗi năm góp vào nguồn thu nhập trên địa bàn hơn 123 tỷ đồng. Trong số đó có nhiều trang trại, gia trại đem lại giá trị thu nhập lớn như trang trại chăn nuôi gà bằng công nghệ sinh học của ông Nguyễn Huy Tiến ở xóm 5, xã Hưng Tiến với quy mô gà đẻ hơn 1,3 vạn con/lứa, cho thu nhập bình quân hàng năm lên đến trên 3 tỷ đồng. Hay như trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Phan Trọng Dương ở xóm 2A, xã Hưng Đạo nuôi 4,5 ha cá thịt, cá giống; nuôi 10.000 con vịt đẻ; 2.000 gà thả vườn, cho thu nhập cả tỷ đồng. Có thể nói, kinh tế nông nghiệp ở Hưng Nguyên đang khởi sắc, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người đạt gần 20 triệu đồng/năm. Điển hình như xã Hưng Tây thông qua đưa giống lúa hàng hóa chất lượng cao vào sản xuất mấy năm gần đây đã tạo điều kiện tăng thu nhập cho người dân, đạt bình quân 18 - 23 triệu đồng/năm, là xã đầu tiên về đích tiêu chí thu nhập trong NTM của huyện Hưng Nguyên.

Nhân dân xã Hưng Phúc làm đường nông thôn mới.
Nhân dân xã Hưng Phúc làm đường nông thôn mới.

Diện mạo nông thôn mới

Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới với việc khơi dậy nội lực trong dân đang góp phần tạo cho Hưng Nguyên đẹp và hiện đại. Tìm hiểu công tác xây dựng NTM tại xã Hưng Tân, chúng tôi thực sự vui mừng trước sự quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân địa phương trong xây dựng NTM. Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Văn Lai, cho biết: “Mặc dù, Hưng Tân không phải là xã điểm của huyện nhưng nhờ xác định rõ được lợi ích của xây dựng NTM nên từ trong Đảng ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân đều hưởng ứng khẩu hiệu: “Toàn dân, toàn diện, chung tay xây dựng Nông thôn mới”. Bằng sự đồng thuận đó, 4 năm thực hiện NTM, Hưng Tân đã huy động nhân dân góp tiền, ngày công và hiến đất với tổng trị giá 196,1 tỷ đồng để hoàn thành hàng chục kilômét đường xã, đường xóm bằng nhựa và bê tông; mở rộng, cấp phối hệ thống giao thông nội đồng; bê tông 17 km kênh mương cấp 1,2,3... Các công trình, trường học, đài tưởng niệm liệt sỹ, nhà làm việc, nhà văn hóa đa chức năng xã, nhà văn hóa 9/9 xóm, quỹ tín dụng nhân dân, trạm y tế, nhà máy nước sạch, hệ thống cầu cống qua sông, trung tâm thương mại, hệ thống điện cũng được tập trung đầu tư xây dựng đạt chuẩn, góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng quê Hưng Tân. UBND tỉnh vừa có Quyết định công nhận xã Hưng Tân đạt chuẩn NTM năm 2014 - đơn vị đầu tiên hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở Hưng Nguyên.

Cùng với Hưng Tân, phong trào xây dựng NTM diễn ra đều khắp ở các xã trên địa bàn huyện Hưng Nguyên. Đến nay, qua 4 năm, toàn huyện đã huy động hơn 503.199 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 192.750 triệu đồng để xây dựng NTM. Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp 59.876 ngày công; hiến 43.031 m2 đất để mở rộng đường giao thông, làm kênh mương thủy lợi, hệ thống tiêu thoát nước thải vệ sinh môi trường. Tính tổng trong 4 năm, toàn huyện đã hoàn thành trên 100 km đường giao thông đạt chuẩn NTM; làm 3 nhà văn hóa xã, 18 nhà văn hóa xóm, 4 trường học, 3 trạm y tế, 1 chợ nông thôn... Đến nay, ngoài xã Hưng Tân đã đạt chuẩn NTM thì xã Hưng Tiến cũng đang phấn đấu để về đích NTM vào cuối năm 2014; 7 xã tiếp theo đạt 10 - 15 tiêu chí; 11 xã đạt 5 - 9 tiêu chí, chỉ còn 2 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Hướng đi của Hưng Nguyên là phát huy lợi thế của huyện phụ cận Thành phố Vinh, quan tâm phát triển nông nghiệp chất lượng cao theo hướng hàng hóa, phát triển các mô hình kinh tế, cánh đồng mẫu lớn để cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân đang khẳng định tính hiệu quả. Chương trình xây dựng NTM được xác định bắt đầu từ cái thiết yếu nhất, đó là cải tạo môi trường sống, đảm bảo các điều kiện phục vụ dân sinh, nếp sống văn hóa ở khu dân cư..., đã, đang thực sự tạo bộ mặt nông thôn đẹp và văn minh. Trên cơ sở đó, tiếp tục thu hút các dự án mới, tạo thêm điểm nhấn cho Hưng Nguyên, tạo vành đai công nghiệp quanh Thành phố Vinh, từ đó giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân đang được xem là một hướng mở. Phát huy thế mạnh của huyện ven đô, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh là mục tiêu của Đảng bộ và nhân dân quê hương Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.

Mai Hoa

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Hưng Nguyên: Mở hướng phát triển mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO