Hướng đi mới ở Tân Kỳ

22/10/2013 18:53

(Baonghean) - Khuyến khích, thu hút, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê đất nông nghiệp để sản xuất các nông sản hàng hóa là giải pháp “3 nhà” cùng có lợi mà huyện Tân Kỳ đang tiến hành phối hợp với các địa phương thực hiện. Đây là mục đích nhằm tạo điều kiện cho người dân và chính quyền địa phương tiếp cận với hình thức sản xuất mới, hiện đại.

Theo chân ông Nguyễn Bá Thức – Trưởng phòng Nông nghiệp Tân Kỳ, chúng tôi đi thăm cánh đồng đất màu tại xã Nghĩa Bình vừa bàn giao cho Công ty Cổ phần đầu tư Vintechco Đức Việt (là đối tác của một công ty ở Hàn Quốc) để trồng khoai lang Nhật Bản xuất khẩu. Cánh đồng màu liền bờ liền thửa này nằm sát sông Con nên đất đai khá màu mỡ. Những chiếc máy làm đất nông nghiệp hiện đại của Công ty Vintechco Đức Việt đang chạy băng băng trên cánh đồng. Thời điểm này, công ty đang được phía đối tác cử chuyên gia từ Hàn Quốc sang để tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cách thức chuẩn bị cho vụ sản xuất khoai lang Nhật Bản đầu tiên. Nhiều loại máy sản xuất nông nghiệp hiện đại đã được chuyển đến phục vụ cho việc làm đất.

Ông Nguyễn Bá Thức phấn khởi cho biết: Đây là cánh đồng Bãi Chay thuộc chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong xây dựng NTM, do vậy ngoài tiền thuê đất của doanh nghiệp là Công ty Cổ phần đầu tư Vintechco Đức Việt 11 triệu đồng/ha/năm, xã Nghĩa Bình còn vận dụng chính sách hỗ trợ xây dựng NTM cho bà con nông dân 3 triệu đồng/ha/năm. Như vậy, sau khi cho doanh nghiệp thuê đất, bà con nông dân có đất trong 31 ha đó được nhận 14 triệu đồng/ha/năm. Giá cho thuê này nhận được sự thống nhất giữa bà con và doanh nghiệp qua các cuộc họp xóm.

Trước khi đưa máy vào làm đất, phía doanh nghiệp đã thanh toán tiền đầy đủ cho bà con. Bà Nguyễn Thị Lan, xóm 5 xã Nghĩa Phúc, bộc bạch: Gia đình có 3 sào đất trên cánh đồng Bãi Chay này, sau khi đồng ý cho doanh nghiệp thuê đất, gia đình được nhận 2,1 triệu đồng. Với số tiền cho thuê như vậy là tương đối sát với mức thu nhập của bà con lâu nay trồng ngô. Ngoài ra, bà con còn được nhận làm công cho doanh nghiệp với mức lương tính theo ngày.

Sau khi được thuê đất, phía công ty sử dụng máy nông nghiệp hiện đại để làm đất.
Sau khi được thuê đất, phía công ty sử dụng máy nông nghiệp hiện đại để làm đất.

Tại xã Nghĩa Dũng, hiện Công ty Cổ phần đầu tư Vintechco Đức Việt cũng đang tiến hành làm các thủ tục thuê 100 ha đất nông nghiệp để trồng ớt xuất khẩu. Ông Phạm Hồng Linh – Chủ tịch UBND xã cho biết: Bãi đất màu thuộc khu vực Dương Hạp của địa phương rộng xấp xỉ 100 ha, ý định của doanh nghiệp thuê toàn bộ diện tích đó, nhưng để xem công ty làm ăn như thế nào, nên bà con nông dân thống nhất, vụ đầu cho công ty thuê 50 ha. Nếu sau 1 vụ sản xuất thấy công ty làm ăn hiệu quả và thực sự có lợi cho người dân thì năm sau bà con cho công ty thuê toàn bộ diện tích gần 100 ha này.

Địa phương, người dân và công ty đã thống nhất, phía công ty thuê đất với giá 18 triệu đồng/ha/năm (hợp đồng thuê 3 năm liên tục, nhưng năm nào trả tiền năm đó). Mỗi năm công ty sản xuất 3 tháng rưỡi (từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau), trong thời gian sản xuất sử dụng 250 lao động tại chỗ để làm công, với mức lương 120 nghìn đồng/ngày. Theo tính toán của ông Linh, vùng đất này từ trước đến nay mỗi năm trồng 1 vụ ngô, năng suất đạt cao nhất 6 tấn/ha, thì với mức thuê của công ty như đã thỏa thuận là chấp nhận được. Sau khi cho công ty thuê đất, bà con không còn lo tình trạng “được mùa rớt giá” như trước. Thời gian nhàn rỗi, bà con nông dân có điều kiện đầu tư chăn nuôi trâu bò, hoặc làm các nghề khác, tăng thu nhập.

Ông Nguyễn Thanh Khiêm – Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Vintechco Đức Việt, cho biết: Cánh đồng 30 ha tại xã Nghĩa bình, công ty sẽ trồng khoai lang Nhật Bản xuất khẩu. Năm đầu công ty trực tiếp thực hiện, thuê bà con trồng, chăm sóc để chuyển giao KHKT trồng khoai xuất khẩu. Nếu bà con áp dụng được, từ vụ thứ 2 trở đi, công ty chuyển giao toàn bộ cho nông dân trồng, sản phẩm làm ra, công ty bao tiêu cho bà con. Đối với 50 ha đất trồng ớt tại xã Nghĩa Dũng, công ty thuê lao động tại chỗ trồng, chăm sóc và thu hái theo sự chỉ đạo của cán bộ kỹ thuật từ công ty đối tác phía Hàn Quốc sang trực tiếp chỉ đạo. Toàn bộ khâu làm đất, công ty sử dụng các loại máy nông nghiệp tiên tiến, hiện đại được chuyển từ Hàn Quốc sang. Vì sử dụng máy làm đất hiện đại cho nên những diện tích đất mà công ty thuê là phải liền bờ, liền thửa, không manh mún.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Hóa – Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho rằng: Tân Kỳ có hơn 2 nghìn ha đất bãi màu, lâu nay bà con nông dân sản xuất theo hướng độc canh, lạc hậu, sản phẩm làm ra phụ thuộc vào thị trường nên thu nhập không ổn định. Khi có doanh nghiệp vào thuê đất sản xuất, với phương châm “3 nhà” cùng có lợi, huyện đã xem xét kỹ, thấy rằng sự đầu tư của doanh nghiệp vào địa bàn trên lĩnh vực nông nghiệp là cần thiết. Do vậy, khi có doanh nghiệp vào khảo sát địa bàn, địa phương phối hợp tích cực với người dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thuê đất, đầu tư sản xuất lâu dài. Đây là điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận, làm quen với hình thức sản xuất mới, góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân bấy lâu nay, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Bài, ảnh: Xuân Hoàng

Mới nhất
x
Hướng đi mới ở Tân Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO