Hướng đi mới từ luân canh cây ớt với cỏ ngọt

24/06/2013 16:41

(Baonghean) - Cây cỏ ngọt xuất hiện trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây đã và đang được người nông dân ở các địa phương như Yên Thành, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nam Đàn,... đưa vào sản xuất trở thành loại nông sản có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, công thức luân canh đưa cây ớt vào trồng giữa 2 vụ cỏ ngọt không chỉ về việc cải tạo đất mà đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Trồng ớt cay theo hướng hàng hoá không mới, những năm gần đây, người dân ở nhiều địa phương đã tiến hành trồng cây ớt thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Tuy nhiên, không phải mô hình nào cũng đạt hiệu quả, bởi trước đây các doanh nghiệp chỉ lo đầu vào, chứ chưa bao tiêu đầu ra sản phẩm, khiến cho không ít người dân lao đao vì trồng ớt, làm giảm lòng tin của nông dân. Vụ đông xuân 2013 việc đưa cây ớt vào trồng luân canh trong vùng sản xuất nguyên liệu cây cỏ ngọt của công ty Á Châu đã bước đầu mang lại hiệu quả cao.

Cây cỏ ngọt còn được gọi là Stevia hay sweet herb, được phát hiện đầu tiên ở Paragoay, vốn dĩ được gọi là cỏ ngọt vì chất ngọt tập trung trong lá. Chất ngọt Stevioside có vị ngọt gấp 300 lần hơn đường thường (Saccharose, Sucrose), đặc biệt là không tạo calorie, có khả năng thay thế đường hoá học trong sản xuất thực phẩm.

Cỏ ngọt có thể sinh trưởng và phát triển ở trên hầu hết các loại đất, nhưng cho năng suất cao hơn trên nền đất có tầng canh tác dày, tơi xốp, nhiều mầu mỡ, có mực nước ngầm thấp, thành phần cơ giới nhẹ. Thích hợp là đất thịt nhẹ hoặc đất thịt pha cát có tỷ lệ cát nhẹ, độ mùn cao, độ pH 6-7. Cỏ ngọt là cây cho thu hoạch nhiều lứa và phần sử dụng chủ yếu là lá nên yêu cầu về dinh dưỡng khoáng lớn. Vì thế, việc bón phân là biện pháp tích cực làm tăng năng suất của cây. Đạm, lân, kali là 3 nguyên tố cơ bản để xây dựng nên chất hữu cơ và tăng năng suất cây, đặc biệt là phân đạm.

Lợi thế của cây cỏ ngọt là rất lớn và bao hàm ở nhiều góc độ khác nhau. Đây là cây trồng có chu kỳ thu hoạch ngắn, vốn đầu tư ban đầu thấp, nhu cầu thị trường rộng lớn, điều kiện canh tác đơn giản, hiệu quả kinh tế cao. Với xấp xỉ hơn 10 lần thu hoạch trong 2 năm với chỉ một lần xuống giống duy nhất, người trồng sẽ tiết giảm được chi phí đáng kể so với các loại cây trồng thông thường khác.

Tuy nhiên, để đảm bảo cho đất trồng cây cỏ ngọt không bị thoái hoá, ngoài việc thường xuyên cung cấp dinh dưỡng thì việc luân canh cây trồng khác họ cũng là điều cần thiết. Các loại cây trồng được đưa ra trong đề án sản xuất có thể kể đến như ớt cay, gừng, tỏi Đông Sơn, các loại đậu,... Nhưng hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, mới chỉ bước đầu áp dụng công thức luân canh theo hướng 2 năm trồng cỏ ngọt, một năm trồng ớt cay.

Để tạo lòng tin cho người nông dân, Công ty Stevia Á Châu đã tiến hành trồng thí điểm ở các địa phương có đất trồng màu như Hưng Xá (Hưng Nguyên), Thanh Khê (Thanh Chương), Hùng Tiến (Nam Đàn),... tuy là mùa đầu tiên trồng thử nghiệm, nhưng đã mang lại hiệu quả và khiến cho người dân ở các địa phương khá tin tưởng.



Chăm sóc ớt ở Nghi Lộc. Ảnh: Q. Lan

Khi chúng tôi đến cánh đồng trồng ớt cay Chỉ Thiên ở xã Hùng Tiến (Nam Đàn), anh Tạ Quang Long, người dân xóm Đông Sơn đang thu hoạch ớt, anh cho biết: “Nhà tôi có 2 sào đất màu, trước đây trồng lạc, đậu, nhưng năm nay chuyển sang trồng ớt Chỉ Thiên, thu nhập cao hơn các năm trước 5- 10 lần. Một ngày có thể thu hoạch được 40kg quả, công ty thu mua tận ruộng với giá 16.500 đồng/kg. Trồng sau 3 tháng có thể thu hoạch trong 2 tháng, vụ sau chúng tôi sẽ tham gia trồng cỏ ngọt”.

Được biết, toàn xã Hùng Tiến sản xuất 6,5ha ớt Chỉ Thiên trên 5 cánh đồng, mang lại cho người dân nguồn thu nhập không nhỏ, tạo lòng tin của người dân đối với việc đổi mới loại cây trồng cũng như có thêm lòng tin hợp tác với các doanh nghiệp. Không chỉ vùng đồng bằng như Hưng Nguyên, Nam Đàn ngay trên vùng đất đồi vệ xã Thanh Khê (Thanh Chương) cũng được đưa cây ớt Chỉ Địa vào trồng thử nghiệm.

Với diện tích đất nông nghiệp là 350 ha, trong đó diện tích đất màu chiếm 145ha, năm nay, xã đã đưa vào trồng thử nghiệm 1ha ớt Chỉ Địa. Ông Nguyễn Khắc Tân - Phó chủ tịch UBND xã Thanh Khê cho hay: “Toàn xã có 80% dân số làm nông nghiệp, toàn xã có tới 6/10 xóm nghèo đang hưởng theo chế độ 135, diện tích đất trồng màu lớn, nhiều năm qua đã đưa vào nhiều loại cây trồng nhưng chưa mang lại hiệu quả, bà con vẫn chủ yếu trồng cây sắn. Năm nay đang thử nghiệm trồng ớt cay, sau đợt này nếu có hiệu quả tốt sẽ nhân rộng cho bà con tham gia để giảm nghèo. Tuy nhiên giá thu mua chưa được cao”.

Hiệu quả từ cây ớt trên đất Thanh Khê là điều rất rõ ràng, không chỉ giúp cải tạo đất bạc màu do nhiều năm trồng sắn mà còn giúp giải quyết được nguồn thu nhập trong thời kỳ khó khăn, trong khi thời gian từ gieo trồng tới thu hoạch cũng ngắn, chỉ tầm 3 tháng sau trồng đã bắt đầu có thu hoạch.

Như vậy, cây ớt cay trong công thức luân canh với cây cỏ ngọt trên địa bàn Nghệ An đã và đang trở thành một hướng đi mới, hứa hẹn mang lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân.


Thanh Tâm (Đài Hưng Nguyên)

Mới nhất

x
Hướng đi mới từ luân canh cây ớt với cỏ ngọt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO