Hướng mở cho du lịch nông thôn

27/04/2015 22:25

(Baonghean) - Trên thế giới, du lịch nông nghiệp được hình thành và phát triển ở nhiều nước từ những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Đây là hình thức xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp tại chỗ rất hiệu quả, đồng thời giới thiệu đến khách tham quan nét đẹp trong lao động, sự giàu có về văn hóa, nhân văn của người nông dân ở mỗi quốc gia, vùng, miền. Tại Việt Nam, du lịch nông nghiệp cũng được nhiều tỉnh, thành khai thác đưa vào phục vụ khách du lịch. Tỉnh ta có tiềm năng phong phú để phát triển loại hình du lịch này nhưng lại đang bỏ phí...

Thi cấy lúa ở Quỳ Châu. Ảnh: Trần Ngọc Lan
Thi cấy lúa ở Quỳ Châu. Ảnh: Trần Ngọc Lan

Nghệ An có vị trí địa lý thuận lợi cả về đường không, đường bộ, đường thủy, đồng thời là một trong những cửa ngõ quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây nối liền Myanmar - Thái Lan - Lào - Việt Nam với Biển Đông qua các Cửa khẩu Nậm Cắn, Thanh Thuỷ. Nghệ An có diện tích 16.648, 9 km2, 2/3 diện tích của tỉnh là đồi núi, trong đó đất nông nghiệp chiếm trên 60% diện tích của toàn tỉnh tập trung ở vùng đồng bằng, trung du, miền núi. Khu vực nông thôn của tỉnh Nghệ An có tài nguyên thiên nhiên đa dạng phong phú, nguyên sơ, tập trung nhiều di tích, danh thắng, phong tục, tập quán đặc sắc, 2/3 số lễ hội tập trung ở khu vực này, đặc biệt các di sản văn hóa phi vật thể có giá trị, nổi bật là Dân ca ví, giặm – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được hình thành trong cuộc sống đời thường của người nông dân xứ Nghệ. Với 70% dân số sống ở nông thôn. Tỷ lệ lao động nông, lâm, ngư nghiệp trong tổng số lao động xã hội chiếm khoảng 60%. Tuy vậy tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp chỉ chiếm khoảng 25% trong cơ cấu các ngành kinh tế trong tỉnh. Lao động trong lĩnh vực nông nghiệp có thu nhập bình quân thấp hơn so với các ngành nghề khác.

Có thể nói Nghệ An có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân, cải thiện an sinh xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Khai thác và phát triển du lịch nông thôn không chỉ mang lại lợi nhuận cho các nhà kinh doanh du lịch mà còn tạo việc làm, tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta lại đang bỏ phí khá nhiều sản phẩm từ nông nghiệp có thể khai thác thành sản phẩm du lịch độc đáo, kéo dài ngày lưu trú của khách.

Mùa hoa hướng dương ở Nghĩa Đàn.  Ảnh: Phan Văn Toàn
Mùa hoa hướng dương ở Nghĩa Đàn. Ảnh: Phan Văn Toàn

Vậy đâu là giải pháp phát triển du lịch nông thôn trên quan điểm phát triển bền vững các vùng sinh thái gắn với văn hóa, xã hội và môi trường ở tỉnh Nghệ An?

Trước hết, cần thay đổi cách nhìn về du lịch nông thôn, xem du lịch nông thôn như là một hướng đi quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thu hút vốn phát triển nông thôn để phát triển cơ sở hạ tầng, cảnh quan, môi trường cho du lịch.

Ngoài ra, cần có sự vào cuộc tích cực của nhiều cấp, nhiều tổ chức và đoàn thể: UBND các cấp có vai trò quan trọng trong việc định hướng phát triển du lịch địa phương thông qua Sở Du lịch, Phòng Du lịch, Ban Hỗ trợ phát triển du lịch và Liên minh hợp tác xã bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể. Chính quyền địa phương hỗ trợ nỗ lực của tư nhân (hợp tác công tư). Vai trò của các tổ chức đoàn thể như : Hội Phụ nữ, Hội Nông dân gương mẫu đi đầu trong việc vận động các thành viên cộng đồng tham gia vào phát triển du lịch.

Trong bối cảnh hiện nay, nông dân cần làm du lịch một cách tự chủ, tự hành động phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương về cảnh quan và sản phẩm văn hóa truyền thống. Mặt khác, các công ty lữ hành phải tích cực tổ chức kết nối các tour, tuyến; tham gia truyên truyền, quảng cáo, thu hút khách du lịch đến tham quan, tổ chức bồi dưỡng cho cộng đồng về kinh nghiệm, phong cách phục vụ và bồi dưỡng ngoại ngữ cho họ.

Nghề dệt thổ cầm truyền thống của bà con dân tộc Thái xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu).  Ảnh:  Trần Tố
Nghề dệt thổ cầm truyền thống của bà con dân tộc Thái xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu). Ảnh: Trần Tố

Bên cạnh đó, ẩm thực là một nội dung quan trọng thu hút du khách trong du lịch nói chung và du lịch nông thôn nói riêng, nên cần phải xây dựng và phát triển hệ thống nhà hàng du lịch gắn liền với các điểm du lịch. Ngoài việc đáp ứng theo nhu cầu thị trường cần phát triển trên cơ sở món ăn truyền thống của tỉnh như: lươn đồng, me Nam Nghĩa, dê cầu Đòn vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; phong cách phục vụ cũng cần phát triển theo hướng trải nghiệm văn hóa ẩm thực. Ngoài chất lượng món ăn, các nhà hàng cũng cần lưu ý thiết kế, bày trí theo không gian văn hóa đặc trưng.

Hoạt động du lịch nông thôn cần gắn liền với các hoạt động sản xuất nông nghiệp nên phải thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi và trồng trọt tại địa phương (cam, chanh leo...), cung cấp hướng dẫn kỹ thuật khuyến khích người dân tự sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là phát triển và bảo tồn các sản phẩm bản địa để tạo nguồn cung cấp lương thực tại chỗ, giảm giá thành và tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của vùng và chế biến thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp cùng với Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật và sản phẩm du lịch ở các làng quê, tạo thuận lợi trong liên kết giữa các làng, các khu vực thu hút khách du lịch. Luôn đổi mới và tạo sự khác biệt; tăng cường mối liên kết theo chiều dọc và chiều ngang để làm phong phú thêm sản phẩm. Du khách tham quan tại các điểm đến có thể tham gia vào quá trình sản xuất các sản phẩm như: thêu, dệt thổ cẩm, làm bánh, nấu ăn hay tham gia các hoạt động nghề nông cùng với người dân bản địa. Sau đó, sẽ có một số hoạt động trao đổi mua bán nhỏ, lẻ, từ đó giúp nâng cao thu nhập của người dân đồng thời đem lại những trải nghiệm đầy màu sắc và bổ ích cho du khách.

Làng nghề làm nồi đất ở xã Trù Sơn  (Đô Lương).Ảnh: Trần Cảnh Yên
Làng nghề làm nồi đất ở xã Trù Sơn (Đô Lương). Ảnh: Trần Cảnh Yên

Các công ty lữ hành cần phải kết hợp với nông dân để làm du lịch và cần có cơ chế phân chia lợi nhuận phù hợp để đảm bảo lợi ích cho người dân; lồng ghép các chương trình (Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới), dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, khai thác nguồn tài nguyên du lịch kết hợp với việc xóa đói, giảm nghèo hướng vào các nguyên tắc và tiêu chí phát triển du lịch dựa vào cộng đồng có ý nghĩa thiết thực.

Đồng thời, phát huy vai trò quản lý nhà nước để có quy hoạch, chỉ đạo thực hiện theo nguyên tắc phát triển du lịch gắn liền với công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và văn hóa truyền thống…

Với tiềm năng sẵn có, Nghệ An hoàn toàn có khả năng trở thành một điểm du lịch nông thôn hấp dẫn. Xây dựng chương trình du lịch nông thôn cụ thể phải dựa trên nội dung cơ bản cần có một chương trình du lịch nông thôn, các đặc điểm địa hình, phong cảnh đặc trưng của điểm đến, các tài nguyên thiên nhiên, con người, tục lệ truyền thống.... và đặc biệt trong đổi mới tư duy, trong quyết tâm thực hiện của các nhà lãnh đạo quản lý các cấp.

Thanh Nam

Mới nhất

x
Hướng mở cho du lịch nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO