Hướng Nghệ An thành trung tâm đa dạng sinh học và sản phẩm gỗ
(Baonghean) - Nghệ An là tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp lớn, với 1.116.042 ha. Trong đó, rừng đặc dụng 172.362 ha; rừng phòng hộ 365.414 ha; rừng sản xuất 622.46 ha. Thực hiện chiến lược bảo vệ và phát triển rừng, thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các tổ chức quốc tế và các bộ, ngành Trung ương, Nghệ An đã triển khai nhiều dự án lớn có hiệu quả, công tác xã hội hóa quản lý bảo vệ và trồng rừng có bước chuyển tích cực.
Vì thế, tài nguyên rừng cơ bản được bảo vệ và phát triển tốt, hiện độ che phủ đạt 54,6% trên tổng số diện tích tự nhiên. Diện tích rừng trồng của Nghệ An đạt trên 134.000 ha, là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất miền Bắc, còn giữ được khá nhiều rừng nguyên sinh rất phong phú về đa dạng sinh học. Như tại Vườn Quốc gia Pù Mát đã điều tra phát hiện được 2.494 loài thực vật bậc cao, thuộc 931 chi, 202 họ. Trong đó có 69 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và 62 loài trong Sách đỏ quốc tế (IDCN); 662 loài động vật có xương sống thuộc 109 họ, 35 bộ. Trong đó có 85 loài quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam và 421 loài trong sách danh mục IDCN. Đáng chú ý là một số loài thú lớn đã tuyệt chủng ở nhiều nơi trên châu lục nhưng vẫn tồn tại ở đây như: Voi châu Á, hổ Đông Dương, bò tót, cha vả chân nâu, vượn đen má trắng, khỉ đuôi lợn, chó sói lửa. Đặc biệt có 4 loài thú mới của thế giới phát hiện trong thế kỷ XX ở đây cũng có mặt: sao la, mang lớn, mang Trường Sơn, thỏ vằn Trường Sơn.
Các khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt tuy có những khác biệt về mặt tự nhiên, nhưng cũng rất phong phú đa dạng. Tại Pù Huống phát hiện loài GeKKo Nalmatus, trước đây Việt Nam chỉ có 1 mẫu tìm thấy ở Mẫu Sơn đang lưu giữ ở Bảo tàng Vương quốc Anh. Pù Hoạt còn có loài thú đặc hữu: Muntiacus Puhoatensis.
Thu hoạch keo nguyên liệu ở Lâm trường Nghĩa Đàn. Ảnh: V.Đ |
Tại Puxailaileng, tuy mới khảo sát ban đầu nhưng cũng đã ghi nhận được 726 loài thực vật bậc cao thuộc 398 chi, 13 họ, 348 loài động vật có xương sống thuộc 98 họ, 30 bộ. Trong đó có 29 loài động vật và thực vật quý hiếm, nguy cấp có nguy cơ tuyệt chủng. Đáng chú ý là loài sâm Puxailaileng (Pana SN) rất quý hiếm cần được bảo tồn và phát triển (giống như sâm Ngọc Linh).
Về thiên nhiên môi trường, Nghệ An cũng là tỉnh xây dựng được hệ thống rừng đặc dụng khá hoàn chỉnh về mặt tự nhiên, bao gồm các hệ sinh thái rừng từ thấp lên cao: Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Huống có độ cao tuyệt đối từ dưới 100m đến 1.600m nằm ở trung tâm miền Tây của tỉnh; Vườn Quốc gia (VQG) Pù Mát có độ cao tới 1.841m ở biên giới phía Tây Nam; Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cao tới 2.452m, ở biên giới phía Tây Bắc.
Theo tư vấn của các nhà khoa học (Hội thảo quốc tế năm 2003), căn cứ vào định hướng tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp Việt Nam, đưa diện tích rừng đặc dụng toàn quốc từ 2,2 triệu ha lên 2,4 triệu ha và kết quả điều tra nghiên cứu về đa dạng sinh học của Trung tâm Tài nguyên và Phát triển của Hiệp hội KHKT tỉnh (chủ trương của Sở Khoa học và Công nghệ) thì Puxailaileng với độ cao tuyệt đối 2.711m cao nhất dãy Trường Sơn và thứ nhì trong nước (sau Fanxifan 3.143m) xứng đáng được xây dựng thành khu BTTN mới, bổ sung hoàn chỉnh hệ thống rừng đặc dụng và là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới miền Tây Nghệ An (UNESCO công nhận năm 2007).
Tiếp tục phát huy thành quả đó, nhằm thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu của ngành, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã tham mưu giúp tỉnh triển khai chương trình phát triển lâm nghiệp theo hướng tăng nhanh giá trị gia tăng của rừng. Đó là đi đôi với rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách, sắp xếp lại hệ thống quản lý, tăng cường phân cấp để các khu rừng đều có chủ quản lý, phát triển một cách hiệu quả. Trong đó hết sức chú trọng thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp vào mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết, đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, gắn đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu với xây dựng cơ sở chế biến tinh công nghệ cao, quy mô lớn; xây dựng phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn các nguồn gen động, thực vật quý hiếm, cảnh quan thiên nhiên; các dự án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Trên cơ sở đó phát huy tiềm năng, lợi thế, phấn đấu đưa Nghệ An trở thành trung tâm về đa dạng sinh học và sản xuất các sản phẩm từ gỗ phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, thực hiện hiệu quả công cuộc xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho đồng bào miền Tây của tỉnh.
Mặc dù triển khai đề án trong điều kiện “vừa đi vừa xếp hàng”, nhưng đến nay, hoạt động của ngành Lâm nghiệp đã có tín hiệu khởi sắc. Hệ thống 3 loại rừng đã được rà soát; các ban quản lý và doanh nghiệp lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được sắp xếp lại và có bước phát triển mới. Bằng nội lực, Công ty Lâm nghiệp Sông Hiếu có dây chuyền sản xuất gỗ ghép thanh 2.500m3 SP/năm, dăm giấy 45.000 tấn/năm, liên doanh sản xuất ván sợi ép MDF công suất 40.000m3 SP/năm, doanh thu 168 tỷ đồng/năm. Công ty Lâm nghiệp Con Cuông tổ chức sản xuất bột giấy thô 300 - 500 tấn SP/năm, ván bóc trên 500 tấn SP/năm, đang xây dựng dây chuyền sản xuất dăm giấy 5.000 tấn SP/năm. Hệ thống chế biến mộc dân dụng trong nhân dân cũng không ngừng phát triển với hơn 500 cơ sở sản xuất, mỗi năm đã đưa ra thị trường hàng triệu sản phẩm. Công tác phát triển vốn rừng đang được thực hiện theo hướng xã hội hóa, công nghệ nhân giống bằng phương pháp cấy mô đã áp dụng thành công thiết thực đưa công tác trồng rừng có bước phát triển, ngoài trồng các loại cây nguyên liệu mọc nhanh, sản phẩm ăn liền như keo, còn chú trọng phát triển tập đoàn cây gỗ lớn, giá trị cao mà tập trung là cây cao su, xoan đâu, lim, trám... mà mỗi năm trên địa bàn tỉnh trồng mới 12 - 15 ngàn ha.
Đặc biệt, với sự nỗ lực cao, tỉnh đã kêu gọi và thu hút được Công ty Lâm nghiệp Tháng Năm xây dựng 2 dây chuyền sản xuất ván sợi ép MDF và gỗ ghép thanh. Đây là nhà máy sản xuất sản phẩm ván gỗ sợi và ghép thanh lớn nhất Đông Nam Á. Dây chuyền sản xuất ván gỗ MDF và ghép thanh được trang bị bằng công nghệ tiên tiến của Cộng hòa liên bang Đức và Thụy Điển với tổng mức đầu tư 300 triệu USD; giai đoạn 1 đầu tư 100 triệu USD với dây chuyền chế biến gỗ MDF có công suất 130.000m3 SP/năm, dây chuyền chế biến ghép thanh 12.000m3 SP/năm, dự kiến đi vào sản xuất cuối năm 2015; giai đoạn 2 đầu tư 200 triệu USD, công suất gỗ MDF 400.000m3 SP/năm và gỗ ghép thanh 40.000m3 SP/năm, đưa vào hoạt động vào năm 2018, sẽ tạo điều kiện thuận lợi tiêu thụ nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng cho các huyện miền Tây của tỉnh, tiếp sức cho nghề trồng rừng bước sang trang mới...
Tuy vậy, để có những bước đột phá mới trong nghề rừng, cần tiếp tục có những nỗ lực cao trong thu hút các dự án, các tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là khoa học công nghệ về điều chế rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời quan tâm phát huy các cơ sở vật chất, tiềm năng, lợi thế hiện có của ngành Lâm nghiệp.
Nguyễn Đình Võ
(Phó Chủ tịch Hội KHKT Lâm nghiệp tỉnh)