Hương sắc miền Tây

(Baonghean) - Được ví như một Việt Nam thu nhỏ,  xứ Nghệ "non xanh nước biếc như tranh họa đồ" đã trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn bè bạn gần xa với biết bao điều kỳ thú. Chùm ảnh "Miền Tây Nghệ An mùa hoa nở" của tác giả Hồ Phương, Báo Nghệ An điện tử ngày 19/3 đã điểm thêm đôi nét chấm phá lung linh trong bức tranh toàn cảnh kỳ vỹ nơi đây.
Tháng Ba, gợi nên biết bao xúc cảm mới mẻ. Bởi đó là mùa của sinh sôi, của vạn vật nảy nở, đâm chồi cho sức sống mới, "Tháng Ba, mùa con ong đi lấy mật...tháng Ba, mùa hoa vông đang nở cho con công múa...". Đi trong cảnh sắc miền Tây mùa chan chứa đất trời, tác giả đã viết những dòng đề từ cho chùm ảnh của mình: "Những ngày của tháng 3 là dịp tốt nhất cho những du khách các nơi lên với miền Tây Nghệ An để hòa mình với các lễ hội...Và đặc biệt, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những loài hoa ban, hoa gạo… và những loài hoa lạ mà những già làng ở miền Tây cũng không thể biết tên về nó".
Những bông hoa gạo đỏ sặc sỡ khoe sắc bên lòng hồ thủy điện Khe Bố
Những bông hoa gạo đỏ sặc sỡ khoe sắc bên lòng hồ thủy điện Khe Bố
Chùm ảnh bao gồm 15 bức, theo quy chuẩn thì có vẻ hơi nhiều, nhưng với một miền đất còn biết bao tiềm ẩn như miền Tây xứ Nghệ thì vậy còn là...quá khiêm tốn. Mặc dù chỉ chuyên chú ghi lại hình ảnh những loài hoa có tên lẫn không tên trên khắp nẻo đường miền Tây, nơi đầu nguồn Nậm Mộ hay lưng chừng một phía Nậm Nơn, nơi tác giả đã in dấu chân, nhưng nhờ đó, người đọc cũng đã cảm nhận được phần nào cái hồn thẫm xanh trầm mặc của đại ngàn nơi đây.
Có lẽ, nhờ những vùng sinh quyển còn đậm chất hoang dã đã khiến miền Tây trở nên kỳ bí, hấp dẫn đến vậy. Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận từ cách đây 8 năm. Để được ghi dấu vào bản đồ sinh quyển thế giới, hẳn những miền rừng núi, đại ngàn nơi đây cũng phải có những điều kỳ thú khó quên. Được biết đến là khu dự trữ sinh quyển có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á, miền Tây Nghệ An cũng là một "hành lang xanh" kết nối 3 vùng lõm gồm Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt.
Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An có tính đa dạng sinh học rất cao đại diện cho hầu hết các kiểu rừng của rừng mưa nhiệt đới, các sinh cảnh sống rất đa dạng bao gồm: núi, đất ngập nước, suối và sinh cảnh khác. Đây là khu vực duy nhất của miền Bắc còn lại một diện tích lớn rừng nguyên sinh đang được bảo vệ tốt, đặc biệt là khu vực dọc biên giới Việt Lào. 
Những bông hoa gạo đỏ sặc sỡ khoe sắc bên lòng hồ thủy điện Khe Bố
Những bông hoa gạo đỏ sặc sỡ khoe sắc bên lòng hồ thủy điện Khe Bố
Nằm tựa vào dãy Trường Sơn Bắc trầm hùng, địa bàn miền Tây Nghệ An trải dài với vô vàn bí ẩn xanh. Nơi đây có những địa danh như dãy Puxailaileng, đỉnh Pù Hon cao 1.447m, các khối núi cao trên 1.600m như Pù Hoạt, Pù Pha Lông, Pù Pha Nhà, Pù Cao Mạ. Khu dự trữ sinh quyển miền Tây có những loài cây, danh mộc đã đi vào danh sách bảo tồn như chò chỉ, vàng tâm, gội nếp, trám hồng, sa mộc dầu, nhội, sến mật, dẻ, lát hoa, kim giao 
Để dẫn bạn đọc vào thế giới muôn loài hoa nơi miền Tây xứ Nghệ, tác giả đã buông vài nét chấm phá đầy gợi mở: "Mỗi bản làng, tên núi, tên khe có những loài hoa đặc trưng của vùng miền đó. Những ngày này, du khách không thể không “say” với vẻ đẹp của hoa ban ở hai xã xa xôi Keng Đu, Đọoc Mạy của huyện miền núi Kỳ Sơn, hay những nhành hoa gạo đỏ sặc sỡ, rũ xuống lòng hồ thủy điện Khe Bố (Tương Dương)…".
Ở hai bên quốc lộ 7 hay trên các đỉnh núi, triền đồi, hoa ban nở trắng xóa
Ở hai bên quốc lộ 7 hay trên các đỉnh núi, triền đồi, hoa ban nở trắng xóa
Từ những lời dẫn dắt ấy, chúng ta bắt đầu lạc bước vào chốn muôn hoa của đất trời một phía miền sơn cước. Thật ngạc nhiên khi nơi đây có khá nhiều mai rừng, là loài hoa vốn chỉ có mặt ở các khu rừng phía Nam Trung bộ. Cũng có thể, bởi Nghệ An có dãy Trường Sơn Bắc hùng vỹ chạy suốt chiều dài biên giới Việt Lào, có đỉnh Puxailaileng sừng sững với một quần thể rừng nguyên sinh và những khu bảo tồn thiên nhiên kỳ bí đã khiến cho các loại hoa rừng, trong đó có mai, nở thắm, đua sắc trên điệp trùng xanh miền Tây huyền ảo. Bởi theo từ điển Wikipedia, thì "Hoa mai núi phân bố nhiều nhất tại những khu rừng thuộc dãy Trường Sơn Bắc và các tỉnh từ Quảng Nam, Đà Nẵng cho tới Khánh Hòa". 
Loài hoa “lạ” có màu sắc đẹp cũng khoe sắc vào tháng 3
Loài hoa “lạ” có màu sắc đẹp cũng khoe sắc vào tháng 3
Lạc bước cùng chùm ảnh hoa miền Tây, người xem còn bắt gặp những loài hoa rất lạ và đẹp ngỡ ngàng. Đó là một chùm hoa Công chúa (Princess-tree flower bunch) như những chùm chuông tím phớt, là hoa lan Nishigandha Bouquet, loài hoa vương giả tưởng chỉ có ở phía Tây bán cầu. Rồi còn đó, những cây cổ thụ vững chãi vút thẳng trời cao cũng góp mặt bằng muôn hoa kỳ diệu của mình. Đó là  hoa sưa, hoa trám hồng, hay những bông hoa vàng tâm như nụ ngọc lan cỡ lớn, xòe trắng muốt. Mùa hoa vàng tâm nở thường rơi vào khoảng thời gian từ tháng 3 - tháng 5, mùa quả là khoảng tháng 9, tháng 10. Đây đó, đã thấy hoa gội nếp từng chùm vàng lưa thưa với những túm quả thuôn thuôn xanh, hình như củ lạc.
Là vùng dân cư bản địa của các dân tộc Thái, Khơ Mú, Hơ Mông, Ơ Đu, Đan Lai với một nền văn hóa rực rỡ các tuyến sông Nậm Nơn - Nậm Mộ - sông Cả, miền Tây Nghệ An là điểm hội tụ những giá trị hiếm có của một tổ hợp các di sản thiên nhiên, văn hóa đồ sộ và hoành tráng với những giá trị của hàng nghìn loài động thực vật, với nhiều loài động thực vật hoang dã, quý hiếm cùng với di sản văn hóa các cộng đồng. Nếu như, tác giả dày công hơn trong những bức ảnh của mình, để bên những bông hoa, khóm hoa rừng đó, bóng dáng con người sơn cước hiện diện nhiều hơn như là khúc hòa tấu quyện gắn thiên nhiên với con người, thì chùm ảnh sẽ đưa đến nhiều xúc cảm thẩm mỹ hơn nữa.
Người xây dựng

tin mới

Tiếp tục tuyên truyền nhân rộng hiệu quả phong trào, công tác Hội Nông dân trên địa bàn Nghệ An

Tiếp tục tuyên truyền nhân rộng hiệu quả phong trào, công tác Hội Nông dân trên địa bàn Nghệ An

(Baonghean.vn) - Chiều 28/3, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Báo Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết kết quả 3 năm thực hiện Chương trình phối hợp tuyên truyền công tác Hội và phong trào nông dân trên Báo Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2023; phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2024-2028.