Hướng thoát nghèo ở một giáo họ

18/07/2012 18:27

Từ khi nghề mây tre đan du nhập vào xã, người dân xã Quỳnh Thanh - một xã giáo toàn tòng của huyện Quỳnh Lưu có điều kiện nâng cao thu nhập, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đây là hướng đi đúng và đang cần được sự quan tâm của các cấp chính quyền.

(Baonghean) Từ khi nghề mây tre đan du nhập vào xã, người dân xã Quỳnh Thanh - một xã giáo toàn tòng của huyện Quỳnh Lưu có điều kiện nâng cao thu nhập, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đây là hướng đi đúng và đang cần được sự quan tâm của các cấp chính quyền.

Gia đình chị Bùi Thị Lý, xóm 7, xã Quỳnh Thanh là một trong nhiều hộ của xã Quỳnh Thanh thoát nghèo nhờ nghề mây tre đan. Bắt đầu tham gia làm nghề từ năm 2002, chị Lý và nhiều hộ dân khác không khỏi vui mừng trước hiệu quả kinh tế mà nghề này mang lại.

Trung bình, mỗi ngày gia đình chị Lý đan được từ 8-10 chiếc đèn. Những ngày nông nhàn, công việc đồng áng kết thúc, cả gia đình chị Lý tranh thủ làm ngày đêm để kiếm thêm thu nhập. Các đứa con của chị cũng giúp chị trong việc chẻ nan, vuốt nan. Trừ tiền nguyên liệu, gia đình chị thu về hơn khoảng 200 ngàn đồng/ ngày. Cứ như thế, chị Lý và các con mỗi tháng cũng kiếm được từ 5-6 triệu đồng từ nghề mây tre đan. Từ chỗ là gia đình thuộc diện hộ nghèo triền miên, chị Lý đã thoát khỏi diện nghèo và có thu nhập ổn định.



Sản phẩm của làng nghề mây tre đan Trúc Vọng.

Không riêng gia đình chị Lý mà nhiều gia đình đang “phất” lên nhờ nghề này. Gia đình bà Hồ Thị Tri, xóm 13 là một trong những gia đình sản xuất sản phẩm nhiều nhất xã. Mỗi tháng, gia đình bà từ nghề mây tre đan thu nhập hơn 7 triệu đồng. Bà Tri cho biết rằng, không phải ai cũng có thể đan để đạt yêu cầu mà phía Công ty đề ra. “Nhìn thì đơn giản nhưng để sống được với nghề này thì người dân chúng tôi cũng phải học hỏi, đúc rút kinh nghiệm nhiều. Nếu không kiên trì thì chúng tôi sẽ không bám trụ được với nghề”, bà Tri cho biết.

Ông Hoàng Văn Tin, Phó chủ tịch UBND xã cho biết rằng, nghề mây tre đan chính là một trong những hướng thoát nghèo của xã. Quỳnh Thanh là một xã giáo toàn tòng, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (33%). “Phải khẳng định rằng, nếu không có nghề mây tre đan thì tỷ lệ hộ nghèo của xã giờ sẽ không dưới 40%. Không những thế, nghề này còn giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm người dân không có sức khỏe, bằng cấp trong xã”, ông Tin hồ hởi khoe.

Nghề mây tre đan bắt đầu du nhập về xã từ năm 2002, nhưng nghề này phát triển và được người dân hồ hởi tham gia là từ năm 2005. Lúc đó, Công ty TNHH Đức Phong đã về trực tiếp tại xã, gặp gỡ và mở các đợt tập huấn về kỹ thuật đan lát cho người dân. Ban đầu, người dân chưa quen nên sản phẩm làm ra chưa đạt yêu cầu, phải bỏ đi. Nhưng rồi, nhờ sự chuyên cần, kiên trì, nhiều hộ dân đã sống gắn bó với nghề, xác định là một trong những nghề chính để vươn lên thoát nghèo, mở hướng làm giàu. Năm 2007, các hộ dân tham gia được UBND tỉnh chính thức công nhận là làng nghề mây tre đan Trúc Vọng. Xã có 14 xóm thì có tới 6 xóm có hộ tham gia làng nghề, trong đó có 2 xóm là xóm 5 và 6 có tỷ lệ hộ tham gia hầu như 100%. Mỗi tháng, trung bình thu nhập của các hộ là từ 3-4 triệu đồng/ tháng.

Thu nhập ổn định nhưng không phải hộ dân nào cũng gắn bó với nghề. Số hộ tham gia năm 2012 sụt giảm so với năm 2011 tới hơn 50 hộ. Nguyên nhân chính là hiện nay, có nhiều nghề đang có thu nhập cao hơn nghề mây tre đan. Ông Trần Chu, xóm 7, người đứng ra thu gom sản phẩm cho công ty lo lắng: Mặc dù, sản phẩm mà người dân xã Quỳnh Thanh làm ra được đánh giá có chất lượng cao nhất so với các nơi khác nhưng người dân vẫn tỏ ra chưa mặn mà với nghề. Để người dân yên tâm sống bằng nghề và tạo ra những sản phẩm có chất lượng, phía Công ty nên có những điều chỉnh về giá thích hợp hơn”.


Phạm Bằng

Mới nhất
x
Hướng thoát nghèo ở một giáo họ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO