Hưởng ứng ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3): San sẻ yêu thương

20/03/2015 14:26

(Baonghean) - Hạnh phúc luôn là đích đến trong cuộc đời của mỗi con người. Trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, mỗi gia đình và cộng đồng sẽ hạnh phúc hơn khi mỗi người biết “sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn” bằng những việc làm nhỏ bé và ý nghĩa với những người xung quanh mình…

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Thái Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Như Hoa (xóm 8 - Hưng Chính, Hưng Nguyên) vào một chiều muộn. Trước sân nhà, ông bà đang vui vầy bên các cháu. Hai người con dâu vừa đi làm về, cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng. Tiếng cười nói, vui đùa rộn khắp nhà. Khi các thành viên về nhà đông đủ, mọi người cùng quây quần bên mâm cơm đầm ấm, vui vẻ.

Trong gia đình đó, 3 thế hệ (2 ông bà, vợ chồng 2 người con trai và 3 cháu nhỏ) chung sống rất đầm ấm. Có được tổ ấm hạnh phúc ấy, trước hết là vai trò của người “giữ lửa” gia đình. Bà Hoa chia sẻ, trong suốt hơn 40 năm qua, bà vừa là cháu dâu, con dâu, là mẹ chồng, bà luôn tâm niệm phải làm tròn bổn phận, chăm sóc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ và luôn yêu thương các con; mẫu mực từ lời ăn tiếng nói đến cách hành xử với mọi người xung quanh, giáo dục con cháu giữ gìn nề nếp gia phong.

Gia đình ông Đinh Văn Khánh (Xuân Lâm, Nam Đàn) quây quần bên nhau.
Gia đình ông Đinh Văn Khánh (Xuân Lâm, Nam Đàn) quây quần bên nhau.

Ngày trước, để lo cho cuộc sống gia đình, ông bà làm hơn 2 mẫu ruộng. Đến nay 2 ông bà đã xấp xỉ tuổi bảy mươi, hai con trai là lái xe; con dâu cả là giáo viên Trường mầm non, con dâu thứ làm nghề buôn bán. Để bố mẹ an dưỡng tuổi già, các con tự nguyện đóng góp mỗi người một ít để thuê người cày, cấy, cáng đáng việc đồng áng khi có thời gian rảnh và tự san sẻ công việc chung trong gia đình như chợ búa, cơm nước, chăm sóc trẻ… Ngược lại, thường ngày ông bà phụ giúp chăm sóc các cháu nhỏ để các con chuyên tâm công tác. Đoàn kết, yêu thương và cùng chung tay vun vén nên cuộc sống gia đình luôn đầy ắp tiếng cười, đầm ấm, hoà thuận.

Cuộc sống có nhiều thay đổi, mô hình gia đình nhỏ đang dần thay thế những gia đình truyền thống “tứ đại đồng đường”. Dù không cùng chung sống với ông bà, cha mẹ dưới một mái nhà, song gia đình vẫn luôn là cái nôi đong đầy yêu thương của mỗi người.

Gia đình cụ Đinh Văn Khánh - Nguyễn Thị Xuân (xóm 16 - Xuân Lâm - Nam Đàn) là một điển hình. Ngày ngày các cụ sống vui vẻ bên nhau, vui miếng trầu, bát nước với hàng xóm láng giềng. Vuốt mái tóc bạc phơ, cụ rổn rảng nói cười khi kể về đại gia đình mình với 7 người con và 17 cháu nội, ngoại. Các con cụ hầu hết đều làm việc và sinh sống ở xa, không có điều kiện chung sống dưới một mái nhà nhưng con, cháu thường xuyên gọi điện thăm hỏi sức khoẻ, động viên ông bà. Tình cảm gia đình đã nối gần những khoảng cách. Đều đặn mỗi tháng một lần, các con, các cháu lại sắp xếp thời gian để sum vầy bên nhau; ăn chung bữa cơm đầm ấm; các cháu còn dành những món quà nhỏ khi là hộp sữa, chiếc áo, chiếc khăn… động viên tinh thần ông bà. Nhờ đó các cụ luôn sống vui, khoẻ. Qua những cuộc hội ngộ ấy, mọi tâm tư, tình cảm được sẻ chia và cảm thông; niềm vui được nhân lên, nỗi niềm được trút bỏ và có cả những khó khăn, vấp váp được anh, chị em trong gia đình hỗ trợ, giúp đỡ…

Chị Đinh Thị Hương (con gái cụ Khánh) tâm sự, dù có bận bịu đến mấy cũng luôn nhắc nhớ các thành viên trong gia đình nhỏ sắp xếp thời gian để hàng tháng về đoàn tụ, thăm hỏi, động viên ông bà sống vui, sống khoẻ, sống thọ cùng con cháu; thể hiện lòng hiếu nghĩa với bậc sinh thành. Và dù mỗi thành viên đều đã có gia đình riêng, mỗi người một công việc, nhưng vẫn luôn hướng về gia đình lớn của mình để được trao và nhận yêu thương; đó chính là điểm tựa tinh thần, tiếp thêm động lực cho mỗi thành viên trong cuộc sống.

Ngôi nhà nhỏ, những đứa con ngoan và một cuộc sống bình dị, giản đơn là tài sản lớn nhất mà vợ chồng ông bà Trần Tử Tiến, Nguyễn Thị Minh (Thôn 1, xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương) có được sau 40 năm chung sống. Đó cũng chính là động lực để hai ông bà sống vui, khỏe, có ích và tiếp tục hăng say với công tác xã hội… Có nhiều định nghĩa về hạnh phúc, nhưng với vợ chồng ông Tiến, hạnh phúc có lẽ là may mắn trở về đoàn tụ bên nhau.

Nói ra điều này, bà Minh là người thấm thía nhất bởi hai ông bà dù là cùng tuổi, cùng làng và cùng lớp thật đấy, nhưng gần một nửa thời gian làm vợ, bà một mình vò võ nuôi con, chăm bố mẹ già. Còn ông thì lăn lộn từ chiến trường Thành cổ Quảng Trị đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, sau đó tham gia quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở nước bạn Lào. Trong những ngày tháng chiến đấu ác liệt đó, dù bao giờ cũng lo thắt lòng, nhưng chưa một lần bà dám nói ra, nếu khóc cũng chỉ khóc một mình. Kỷ niệm nhớ mãi là tháng 3, mùa Xuân năm 1974 ở Cầu Ròn, Quảng Bình. Khi đó, cả hai ông bà mới cưới nhau, chưa được một tuần thì ông phải trở lại đơn vị để chuẩn bị đi B. Bà từ Nghệ An vào Quảng Bình để chăm chị gái mới sinh. Run rủi thế nào, trên đường hành quân, dừng lại ở Cầu Ròn ăn cơm thì ông gặp bà ở đó. Vợ chồng mới cưới gặp nhau, biết bao mừng tủi, biết bao điều muốn nói nhưng chỉ được nhìn nhau chừng 5 phút, bao xót xa, lo lắng ai cũng giấu trong lòng...

Ngôi nhà nhỏ, những đứa con ngoan và một cuộc sống bình gị, giản đơn   là tài sản lớn nhất mà vợ chồng ông bà Trần Tử Tiến, Nguyễn Thị Minh (   thôn 1, xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương)
Ngôi nhà nhỏ, những đứa con ngoan và một cuộc sống bình gị, giản đơn là tài sản lớn nhất mà vợ chồng ông bà Trần Tử Tiến, Nguyễn Thị Minh ( thôn 1, xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương)

Cuộc sống sau ngày hòa bình cũng không đơn giản, vì ông bà có đến 5 đứa con. Lương trợ cấp khi đó cũng chỉ “ba cọc, ba đồng”, mọi chi tiêu đều trông vào mấy sào ruộng. Vất vả là thế, nhưng ông bà luôn thương yêu đùm bọc nhau, cùng động viên nhau cố gắng nuôi dạy con cái. Phục viên trở về địa phương, ông được bà con, chính quyền tin tưởng bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của xã; Chủ tịch Hội Người cao tuổi, làm cán bộ xóm… Trách nhiệm “vác tù và hàng tổng” với trăm việc, nhưng ở vị trí nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao bởi ông luôn có bà là “hậu phương” vững chắc. Hai năm nay, khi hết tuổi công tác, ông lại nhận nhiệm vụ làm Chủ tịch câu lạc bộ Liên thế hệ của Hội người cao tuổi. Dù thành viên câu lạc bộ tuổi đã cao, có những người gần 70 tuổi nhưng các bác vẫn làm được rất nhiều việc có ích.

Đó là thành lập các tổ nhóm để thường xuyên giúp đỡ người neo đơn trong xã, trong đó có những trường hợp hoàn cảnh rất éo le như mẹ con bà Trần Thị Bảy, neo đơn, bà nằm một chỗ vì mắc bệnh hiểm nghèo, trường hợp của bà Thái Thị Thư (103 tuổi), không có ai chăm sóc… Hội cũng đã phát huy được nguồn vốn hỗ trợ 100 triệu, qua đó giúp các hội viên xây dựng mô hình phát triển kinh tế, trong đó có 6 hộ đã vươn lên thoát nghèo như hộ chị Trần Thị Thân, hộ anh Trần Võ Hậu… Các thành viên của hội cũng là chủ lực của Câu lạc bộ Văn hóa văn nghệ xã Thanh Đồng. Với vai trò là chủ nhiệm câu lạc bộ, từ khi thành lập ông Tiến đã chủ động đứng ra tổ chức, xây dựng chương trình, sáng tác các bài hát và là nhạc công “đa năng” có thể chơi cùng một lúc nhiều nhạc cụ. Số nhạc cụ cũng là do ông tự bỏ tiền nhà ra để mua và phục vụ cho đội. Hoạt động của câu lạc bộ cũng là một điểm sáng cho phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở huyện Thanh Chương, là một sân chơi, một mô hình được nhiều địa phương khác trong toàn huyện học tập.

Ngày nay, cuộc sống ngày một đủ đầy hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Bởi vậy, nhiều người có thêm điều kiện thể hiện tình yêu thương không chỉ dành cho gia đình, mà còn được sẻ chia với những số phận bất hạnh, khó khăn… Khởi nguồn từ tình yêu thương những học sinh nghèo ở chính ngôi trường nơi mình đang công tác giảng dạy, cô giáo Lê Thị Viết (khối 9, phường Trường Thi, Thành phố Vinh) đã tự nguyện đóng góp sách vở, quần áo ấm, hay những khoản tiền nhỏ mà cô dành dụm được để tặng các em. Từ việc làm ý nghĩa đó, cô đã nhận được sự đồng cảm của bạn bè, đồng nghiệp, người quen. Sau hơn 10 năm duy trì hoạt động, hội từ thiện của cô Viết đã có gần 30 thành viên tham gia. Họ là những giáo viên, những bà nội trợ, người bán hàng ở chợ….

Ngày ngày họ bớt đi những chi tiêu gia đình, bớt đi mớ rau, con cá… để san sẻ với những học sinh nghèo, người có công và người có hoàn cảnh khó khăn. Làm nghề buôn bán rau, tạp hoá ở chợ Cửa Đông, cuộc sống gia đình không mấy khá giả, nhưng mỗi khi hội từ thiện vận quyên góp ủng hộ, chị Trần Thị Loan luôn nhiệt tình tham gia. Bởi với chị, còn nhiều số phận nghèo khổ, vất vả hơn mình nên chị san sẻ yêu thương mong sẽ làm vơi bớt khó khăn, góp thêm niềm vui cho họ. Những người cùng chung tâm nguyện làm từ thiện giúp đỡ người nghèo ấy đã và đang mang lại niềm vui cho mọi người bằng tấm lòng nhân ái và chính họ cũng cảm thấy hạnh phúc bởi “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Những việc làm thiết thực, nhỏ bé, bình dị ấy đang góp phần làm cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình no ấm, đủ đầy hơn, vui vẻ, hạnh phúc hơn. Khi chúng ta cùng yêu thương và sẻ chia yêu thương, hạnh phúc sẽ không còn xa vời mà luôn hiện hữu trong cuộc sống mỗi gia đình và cộng đồng xã hội.

Đinh Nguyệt - Mỹ Hà

Năm 2015 là năm thứ 2 Việt Nam tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”. Ngày Quốc tế hạnh phúc mang ý nghĩa mong muốn mọi người dân Việt Nam hãy yêu thương, chia sẻ cùng nhau từ trong mỗi gia đình, dòng tộc. Mỗi cộng đồng dù lớn hay nhỏ, những người bạn, đồng chí trong mỗi đơn vị, cơ quan, trường học... bằng những hành động thiết thực nhất cùng góp phần đem lại hạnh phúc cho chính bản thân, gia đình, cộng đồng. Đồng thời chung tay phát triển an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Hưởng ứng ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3): San sẻ yêu thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO