Hướng về hạnh phúc đích thực
(Baonghean) - Nhiều năm trở lại đây, người ta hay nói nhiều đến văn chương mang tính nữ, đó là những tác phẩm người viết đứng về phía nữ giới, ca ngợi, bảo vệ và thể hiện những khát khao hạnh phúc của nữ giới. Điều đó rất dễ nhìn thấy qua các truyện ngắn của các cây viết nữ tỉnh nhà.
Thế giới nhân vật nữ trong cuốn sách Văn nữ Nghệ An (2000 – 2013) (NXB Nghệ An 2013) đa dạng về độ tuổi, xuất thân, hoàn cảnh, số phận và tính cách… Họ là những học sinh, sinh viên, phóng viên, họa sĩ, cô giáo… và cả những nhân vật chân lấm tay bùn, không danh phận. Nếu như trong sáng tác của cây bút nam thường thiên về lột tả sắc đẹp của người phụ nữ, thì trong sáng tác của các nhà văn nữ rất ít tô vẽ vẻ bề ngoài cho nhân vật của mình. Dường như họ muốn dùng ngòi bút của mình đi sâu vào thế giới nội tâm bộn bề với những đam mê, khát vọng và cả ưu tư, phiền muộn… của các nhân vật, và cũng chính là chiều sâu nội tâm của chính bản thân.
Bìa cuốn sách |
Đọc hết Văn nữ Nghệ An (2000 -2012) độc giả bị ám ảnh bởi những số phận người, những khát khao, những nỗi niềm.
Điều dễ nhận thấy và cũng chính là yếu tố thành công khi xây dựng hình tượng nhân vật nữ trong cuốn sách chính là quan điểm về nữ quyền và những sắc thái nữ. Trong Văn nữ Nghệ An (2000 – 2012), quan điểm về nữ quyền đã được các tác giả nữ bày tỏ một cách tự tin và mạnh mẽ, đặc biệt là trong tác phẩm của các tác giả trẻ.
Đó là nhân vật “tôi” trong “Thung Lam” của Hồ Thị Ngọc Hoài (Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ (2006 – 2007). “Tôi” trong “Thung Lam” là một nhân vật nữ mang nhiều dáng dấp của một cô gái hiện đại, không chịu chấp nhận một cuộc sống đơn điệu, muốn dấn thân và khẳng định mình trong cuộc sống thị thành ồn ào náo nhiệt. “Tôi tan nát, khổ đau, tôi lặng lẽ ra đi trong lời xin lỗi âm thầm, và nóng bỏng nguyện ước đền đáp mai sau…” (Thung Lam).
Nhân vật “tôi” nữa trong truyện ngắn “Cỏ” của tác giả Nguyễn Hồng chỉ là một cô bé 17 tuổi, chẳng có gì ngoài sức trẻ: “Ừ, đi thì đi. Phải đi thôi. Tôi giục tôi, dữ dội lắm, quyết liệt lắm…” (Cỏ).
“Tôi” trong truyện ngắn “Ba người đàn bà” của Bùi Ngọc với rất nhiều cú trượt do sự xốc nổi của tuổi trẻ, nhưng cũng bắt đầu tự bứt phá khỏi những cái cũ kỹ trong quan điểm vô lý về đàn bà: “Mẹ hèn lắm! Sẽ không bao giờ con sống như mẹ đâu! Không bao giờ!” (Ba người đàn bà). Và “tôi” của Tô Hương Sen trong truyện ngắn “Sơn của tôi” là một cô bé chủ động dâng hiến và sống trọn vẹn cho tình yêu vĩnh cửu của mình: “…Tôi nói Sơn đừng nói gì cả, đừng nghĩ đến ai hay đạo đức lúc này. Tôi không muốn mình phải nghĩ suy, phải chờ đợi hay phải quên đi…” (Sơn của tôi).
Không phải ngẫu nhiên các tác giả lại chọn ngôi thứ nhất (xưng tôi) trong tác phẩm của mình để kể chuyện. Đấy là lúc người ấy đã đủ tự tin, đồng thời muốn người khác tin vào câu chuyện của mình kể. Chọn ngôi kể thứ nhất cũng là cách các tác giả nữ muốn thể hiện rõ sắc thái nữ quyền trong tác phẩm của mình.
Nhiều nhân vật nữ trong Văn nữ Nghệ An (2000 – 2012) đã thể hiện rõ sắc thái nữ quyền của mình không chỉ là sự bứt phá, táo bạo trong cách tự tìm đường đi, tự tìm hạnh phúc cho chính bản thân mình trong cuộc sống, họ còn khẳng định sự khôn ngoan (thậm chí ranh mãnh) của mình trước đàn ông. Đó là nhân vật Thâm trong truyện ngắn “Người đàn bà thời a còng” của nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc.
Ở ngôi kể thứ ba (người trần thuật ẩn tàng) một số tác giả lại xây dựng thành công nhân vật nữ sống bản lĩnh và sự tinh tế trong nội tâm.
Đó là Hạo trong truyện ngắn “Chị Hạo” của Phạm Thái Lê. Chị Hạo được vẽ nên là một người phụ nữ hiền lành, chịu thương, chịu khó, sống vì người khác, là con chiên ngoan đạo… Nhưng ẩn sâu trong người phụ nữ chân chất ấy là khát khao hạnh phúc, là sự hối thúc mãnh liệt bản năng sống của đàn bà.
Thoàn trong truyện ngắn “Chiếc mũ cối” của Nguyên Vũ, cũng đeo đẳng trong mình một tình yêu trong sáng của thời đạn bom. Cốt truyện không có gì mới, nhưng tác giả đã dẫn dắt người đọc chạm được vào những ngõ ngách sâu kín trong tâm hồn nhân vật, mang lại những ấn tượng sâu sắc.
Đặc biệt, ba nhân vật nữ trong truyện ngắn “Cát mặn” của nhà văn Nguyễn Thị Phước nhìn nhận một sự việc ở ba góc độ khác nhau. Người đàn bà thứ nhất với mối tình vụng trộm, người đàn bà thứ hai mang nỗi hận bởi bị chồng phản bội, và người đàn bà thứ ba – là nhân vật tôi ở giữa. Câu chuyện tưởng sẽ đến một kết cục đầy nước mắt của mối tình tay ba, nhưng lại hết nhân hậu và nhẹ nhàng: “Chị nghĩ lại rồi. Chị phải để các con chị được sống và lớn lên bình thường cho đến khi chúng nó có thể chia sẻ với mẹ câu chuyện đầy đau khổ này. Không biết chị có chịu nổi đến lúc đó không. Sức mình cũng có hạn mà! Nhưng chịu được ngày nào thì cố ngày đó. Chị nghĩ là anh ta và cả cái cô gái rất đẹp và trẻ ấy, cũng chẳng sung sướng gì đâu!” (Cát mặn). Phải chăng, đây cách giải quyết tình huống rất nữ tính của các cây bút nữ. Họ biết thuần hóa nỗi đau của mình, biết tự chữa trị vết thương lòng của mình. Cao hơn nữa, họ biết tự hóa giải cho bản thân và tha thứ cho người khác để hướng tới một cuộc sống tốt hơn.
Dù cho nhân vật nữ của mình có mạnh mẽ, tự tin, thậm chí là táo bạo đến đâu, trái tim họ nhờ sự rung cảm của các nhà văn nữ, vẫn dạt dào nữ tính. Điểm gặp nhau của các thế hệ tác giả nữ trong tập sách này, đó là tấm lòng nhân hậu, bao dung và ước mơ về một hạnh phúc đích thực!
Bùi Ngọc (Nhà Xuất bản Nghệ An)