Hướng về miền Tây
(Baonghean) - “Vì miền Tây” là một chương trình lớn, xuyên suốt do BTV Tỉnh đoàn, hội LHTN tỉnh phát động từ năm 2008 và đã được các cấp bộ Đoàn - hội trong toàn tỉnh tích cực hưởng ứng với nhiều công trình phần việc, ý nghĩa nhằm chia sẻ và chung sức đưa miền Tây xứ nghệ ngày càng khởi sắc…
Giúp dân khắc phục lũ lụt của TN Qùy Hợp. |
Mang tết ấm đến với vùng cao
Mùa xuân này, các em nhỏ và đồng bào nghèo vùng cao xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn đón một cái tết vui hơn, ấm áp hơn khi được nhận được những bộ quần áo ấm, những tấm chăn ấm do Hội LHTN huyện Hưng Nguyên trao tặng. Là một xã biên giới với 310 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở 6 bản: Hội Nho, Nậm Khiên, Nậm Càn, Sơn Thành, Liên Sơn và Thăm Hín, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn. Tết đến, Xuân về nhiều em nhỏ vẫn co ro trong manh áo mỏng, nhiều cụ ông, cụ bà phải nhờ đến bếp lửa để sưởi ấm vì thế đây thật sự là những món quà mang nhiều ý nghĩa. Rạng rỡ trong chiếc áo mới do các anh chị thanh niên dưới xuôi tặng, cô bé Lầu Y Là lớp 7A, Trường THCS Nậm Càn, ở bản Nậm Khiên vui mừng cho biết: “Tết này chúng em được mặc áo mới đi chơi hội, không sợ lạnh nữa, chúng em hứa sẽ đến trường thật chăm, học thật giỏi”.
Hoạt động thăm tặng, quà đồng bào và trẻ em vùng cao dịp đầu năm mới là hoạt động thường xuyên của Hội LHTN huyện Hưng Nguyên hưởng ứng Chương trình Mùa đông ấm và Tết ấm miền Tây (nằm trong chương trình vì miền Tây) của Hội LHTN tỉnh. Anh Cao Anh Đức - Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Hưng Nguyên cho biết: “Với mong muốn chia sẻ khó khăn, mang mùa đông ấm đến với trẻ em và đồng bào vùng cao trong dịp Tết Nguyên đán; Ủy ban Hội LHTN huyện Hưng Nguyên đã phát động phong trào “Mỗi học sinh 1 chiếc áo yêu thương” đối với học sinh TH, THCS; “Mỗi chi đoàn tặng 1 áo ấm” đối với khối THPT; “mỗi tổ chức cơ sở Đoàn tặng chăn ấm” đối với khối cơ quan. Cuộc vận động đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các ĐVTN, các em học sinh và các nhà tài trợ trong và ngoài địa bàn huyện với hơn 800 bộ quần áo cũ, 150 áo ấm mới và 30 chiếc chăn ấm mới trị giá gần 40 triệu đồng đã được ĐVTN. Ngoài trao quà tết cho trẻ em và đồng bào khó khăn tại xã Nậm Càn đoàn còn tổ chức thăm, tặng quà cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng 547, động viên những người lính nơi biên cương Tổ quốc.
Từ nhiều năm nay, vào những ngày áp Tết Nguyên đán rất nhiều tổ chức Đoàn - Hội đã tổ chức những chuyến hành trình mang tết ấm lên với đồng bào vùng cao biên giới. Đoàn khối CCQ tỉnh là đơn vị hưởng ứng Chương trình vì miền Tây thông qua hoạt động nhận giúp đỡ thường xuyên 60 em nhỏ hoàn cảnh khó khăn ở 3 huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về những cán bộ công chức trẻ lại thu xếp công việc hăm hở lên đường mang theo những phần quà tết đầy ý nghĩa dành cho đồng bào, đó là quần áo ấm, là nhũng đồ dùng thiết yếu như bánh kẹo, mì chính, nước mắm, xà phòng… Theo sự chia sẻ của anh Nguyễn Văn Thanh- Bí thư đoàn khối thì “mỗi chuyến đi là một sự trải nghiệm và là hành trình chia sẻ yêu thương”. Trong năm 2013, Chương trình “Tết ấm miền Tây”, các cấp bộ Đoàn - Hội trong toàn tỉnh đã vận động quyên góp được 40.536 bộ quần áo ấm, 1.658 chăn ấm, 2,1 tấn gạo... hỗ trợ đồng bào vùng sâu, vùng xa năm nay, chương trình này tiếp tục nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của những tấm lòng và sức trẻ tình nguyện vì miền Tây..
Nhân lên những công trình, phần việc
Ngoài hoạt động thăm, tặng quà, nhiều công trình, phần việc phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ vì miền Tây đã được các cấp bộ Đoàn- Hội thực hiện. Đó là những chuyến hành trình khám sức khoẻ, cấp phát thuốc miễn phí, hướng dẫn ăn sạch, ở sạch, uống sạch cho bà con vùng sâu, vùng xa của các đội thầy thuốc trẻ tình nguyện. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã khám cấp thuốc cho nhân dân các xã vùng biên giới cho hơn 35 ngàn lượt người, cấp hơn 25.500 đơn vị thuốc, tổng trị giá gần 1 tỷ đồng. Đó còn là những hoạt động giúp dân bản làm vệ sinh môi trường, đường giao thông, chuồng trại chăn nuôi, làm sân chơi thể thao, dạy học hè cho trẻ em, phổ cập Tin học, nối mạng tri thức... của các đội hình thanh niên, sinh viên tình nguyện áo xanh. Đã có những tri thức trẻ, y, bác sỹ trẻ sau khi tốt nghiệp đại học đã tình nguyện về công tác tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn góp sức cùng đồng bào nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, từng bước xoá bỏ đói nghèo và lạc hậu.
Dấu ấn đậm nét nhất của Chương trình “Vì miền Tây” là trong vòng hơn 6 năm (kể từ năm 2008), BTV tỉnh đoàn đã trích nguồn kinh phí quyên góp và vận động các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp ủng hộ triển khai xây dựng 10 nhà bán trú dân nuôi cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã biên giới Đoọc May, Keng Đu, Mường Ải, Nậm Càn (Kỳ Sơn), Hạnh Dịch (Quế Phong) trị giá 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó để giúp đồng bào miền Tây phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, các cấp bộ Đoàn, Hội đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xây dựng các mô hình tập huấn khoa học kỹ thuật, hướng dẫn đồng bào trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ thanh niên miền núi vay vốn sản xuất, kinh doanh, tặng hơn 1.000 con trâu bò cho các gia đình khó khăn…
BTV Tỉnh đoàn cũng đã phát triển các mô hình Tổng đội TNXP – XDKT trở thành trung tâm khuyến nông - khuyến lâm, sản xuất giống đảm bảo chất lượng, bao tiêu sản phẩm kịp thời; tuyên truyền, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho nhân dân, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Điển hình như Tổng đội TNXP 8 (Huồi Tụ), Tổng đội TNXP 10 (Na Ngoi) Kỳ Sơn ... là nơi thu hút, huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống. Đây là hình thức đầu tư tập trung có hiệu quả để xây dựng mô hình sản xuất lớn, có ý nghĩa giới thiệu, giáo dục trực quan cho đồng bào miền núi, tạo điều kiện và động lực phát triển nhanh và bền vững cho khu vực góp phần vào việc phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới.
Các cấp bộ Đoàn - Hội còn tập trung khảo sát, đánh giá hoạt động của các cơ sở Đoàn ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, củng cố, kiện toàn cơ sở Đoàn, củng cố các cơ sở yếu, kém. Qua thực tiễn phong trào, nhiều cán bộ Đoàn tại các địa bàn biên giới đã có bước trưởng thành, có bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng vận động quần chúng và tổ chức các phong trào của TTN ở cơ sở, thực sự là lực lượng quan trọng bổ sung cho Đảng; chính quyền, đoàn thể ở cơ sở. Hội LHTN tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình điểm. Nhiều đội thanh niên xung kích, trung đội dân quân trực chiến cơ động, vọng gác thanh niên, đoạn đường biên thanh niên tự quản chung sức cùng nhân dân các dân tộc bảo vệ biên giới, phòng chống, tệ nạn xã hội, di dịch cư tự do.
Những công trình, phần việc thiết thực vì miền Tây của tuổi trẻ Nghệ An đã và đang góp phần đưa miền Tây xứ nghệ ngày càng khởi sắc, cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng no ấm.
Khánh Ly