Huyền bí một miền Tây Bắc
(Baonghean) - Miền Tây Nghệ An thu hút sự khám phá, tìm tòi của nhiều người không chỉ bởi những thắng cảnh, di tích lịch sử, sự giàu có của hệ sinh quyển mà còn vì bề dày truyền thống văn hóa đặc sắc của mỗi tộc người; gắn với đó là những câu chuyện huyền bí, linh thiêng.
Vạc đồng Châu Thuận
Theo Quốc lộ 48, du khách về với vùng Tây Bắc xứ Nghệ, ghé thăm xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu. Đây là một thung lũng lớn được ôm ấp bởi hai dòng suối khe Chai và khe Nính và những dãy núi đá vôi bao bọc. Các nhà khảo cổ đã chứng minh sự tồn tại liên tục của con người trong thung lũng khe Chai, khe Nính từ thời đại đồ đá cũ. Di cốt hóa thạch của người vượn và những công cụ đá thô sơ được tìm thấy trong trầm tích của hang Thẳm Ồm, Thẳm Chạng; thăm thú Thẳm Ồm, Thẳm Chạng là minh chứng sinh động về cuộc sống tiền nhân. Theo một số sử liệu, Thẳm Chạng còn chính là nơi Lê Lợi tập kết và huấn luyện tượng binh chống quân Minh.
Về với Châu Thuận để sống lại với không gian huyền sử của người Thái địa phương. Các già làng ở đây vẫn thường kể cho cháu con nghe về truyền thuyết lập Mường Chai (tên gọi trước đây của Châu Thuận). Theo đó, Mường Chai do một người dân tộc Thái tên là Cầm Coóng, từ Thường Xuân (Thanh Hóa) vào khai phá và tạo lập nên khoảng từ thế kỷ XIII - XIV. Vợ chồng Cầm Coóng khuất núi, đất Mường Chai đặt dưới sự cai quản của bà Chai con gái đầu của Cầm Coóng, đời sống dân bản ấm no hạnh phúc. Khi bà Chai già yếu, giặc giã quanh vùng nổi lên, nhiều lần đất Mường Chai bị chúng đánh cướp. Bà Chai đã cho người đi đón Tạo Noong là một nhân kiệt ở vùng Kẻ Nậm (xã Châu Bình ngày nay) về giúp cai quản đất mường. Tạo Noong về, tuyển chọn tráng đinh tổ chức đánh đuổi giặc cướp.
Khi đất mường không còn giặc cướp, Tạo Noong ỷ mình có công đã trở nên hung bạo, gây nhiều điều tàn ác với dân mường. Thấy cuộc sống con dân bị ức hiếp, bà Chai đã phái người thân tín đi tìm một người tài giỏi khác về chế ngự Tạo Noong. Người đó là Tạo Nọi, tên thật là Cầm Bá Huệ, quê gốc ở huyện Thường Xuân (Thanh Hóa). Bà Chai sai làm một lễ tế trời để đón Tạo Nọi, nhân đó tổ chức lễ kết nghĩa huynh đệ giữa Tạo Noong và Tạo Nọi. Trong lúc lễ tế trời và kết giao huynh đệ đang tiến hành thì Tạo Noong đã bị Tạo Nọi và trai bản đồng tâm lật đổ. Dưới sự lãnh đạo của Tạo Nọi, đất mường trở lại thanh bình.
Truyền thuyết thường mang nhiều yếu tố hư cấu nhưng người dân nơi đây vẫn luôn tin câu chuyện trên là có thật, bởi vật chứng vẫn còn. Đó là một chiếc vạc đồng cổ khá lớn. Tương truyền chiếc vạc đồng này được Tạo Nọi mang theo khi về Mường Chai, vạc đã nấu một con trâu trong lễ tế trời lịch sử ấy. Sau này, chiếc vạc được Tạo Nọi giao cho thầy mo cả bảo quản và chỉ được dùng trong các dịp tế lễ hàng năm của bản mường, tuyệt đối không dùng đun nấu thức ăn, nước uống hàng ngày.
Lễ cúng trâu ở đền Chín Gian (Quế Phong). |
Hiện nay, chiếc vạc - linh vật của đất Mường Chai này đang được cất giữ ở Trung tâm học tập cộng đồng xã Châu Thuận. Chiếc vạc đồng 4 quai, nặng chừng 35 - 40 kg, miệng rộng chừng hai vòng tay người ôm. Ông Cầm Bá Kinh, Chủ tịch UBND xã Châu Thuận kể: Bỏ qua các yếu tố mê tín thì có một điều trùng lặp rất thú vị, đó là vạc đã nhiều lần bị đánh cắp nhưng chừng sau 1 con trăng thì lại được trả về nơi cũ. Khoảng những năm 1990, vạc đồng bị kẻ trộm bán về một cửa hàng phế liệu ở xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu. Chừng 1 tháng sau, chủ cửa hàng đó lặn lội đường xa đưa vạc lên trả... Từ đó chuyện về vạc đồng càng thêm màu sắc huyền bí, thiêng liêng.
Ông Cầm Bá Kinh dẫn chúng tôi về bản Chiềng để xem một vật chứng khác của truyền thuyết bản mường. Đó là một cây lộc vừng cổ thụ. Bản Chiềng xưa có tên Tèn Khó nghĩa là “nhà kho”. Tương truyền tại đây bà Chai đã lập nhà lớn để ở, bà có trồng một cây lộc vừng trước nhà. Những đôi trai gái người Thái quanh vùng trước khi kết hôn thường đến thăm cây lộc vừng này.
Tiếng gió trên đỉnh Pú Chũ Nhàng
Huyện Quế Phong được ví là vùng đất “vàng” làm say đắm lòng người bằng sự sự mộc mạc, chân chất và thân thiện với những mái nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái; bởi những mùa măng đắng ngọt hậu; bởi thắng cảnh thác Sao Va hùng vĩ và hoang sơ; đặc biệt là bởi ngôi đền Chín Gian huyền thoại - nơi khởi nguồn của những truyền thuyết trong tâm thức đồng bào dân tộc Thái miền Tây xứ Nghệ… Đền Chín Gian được xây dựng vào đầu thế kỷ XIV tại Pú Chũ Nhàng, gọi là Tến Pỏm (đền trên núi), thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Ngôi đền có 9 gian nên đồng bào gọi là Tến Cau - hoong (tức đền Chín Gian), mỗi gian tượng trưng cho một mường: Mường Tôn, Mường Pắn, Mường Chừn, Mường Hin, Mường Puộc, Mường Quáng, Mường Ha Quèn, Mường Miểng, Mường Chón... Con số 9 biểu tượng cho 9 bản 10 mường đoàn kết, gắn bó bên nhau chống chọi với thiên nhiên, đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ dải biên thùy Tổ quốc.
Vạc đồng cổ Châu Thuận (Quỳ Châu). |
Truyền thuyết kể lại rằng: Một năm, vào ngày mở hội tế trời, khi chuẩn bị hành lễ hiến trâu, bỗng có con rồng bay đến cuốn đi con trâu trắng của mường Tôn. Thấy điềm xấu, Tạo Mường liền cho giết trâu làm lễ, khấn xin trời phật, tổ tiên để chuyển dời đền đi nơi khác. Tương truyền, có con quạ cổ khoang trắng đến gắp miếng xương trâu nơi đền cũ bay đi và thả xuống một ngọn đồi nhỏ phía Nam mường Tôn, còn gọi là Pú Căm (núi vàng), tục gọi là Pú Quái (núi trâu). Vì thế, cuối thế kỷ XVIII, đền được chuyển đến Pú Căm hay còn gọi là đền Hiến Trâu, thuộc bản Piếng Chào, xã Châu Kim. Lúc này, đền có kiến trúc nhà sàn 9 gian lợp nứa; thờ Thẻn - phà (thờ trời), Náng Xỉ Đả (con gái trời) và Tạo Ló Ỳ (người có công xây bản lập mường). Năm 1927, đền được tôn tạo lại bằng nhà sàn kê, có 4 hàng cột, 9 gian bằng gỗ lim, lợp tôn. Từ năm 1927 - 2003, trải qua thời gian dài với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, đền bị xuống cấp và mai một, chỉ còn là phế tích. Năm 2004, đền được tôn tạo lại nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Thái vùng Tây Bắc xứ Nghệ. Năm 2008, đền được công nhận Di tích văn hoá cấp tỉnh.
Nhớ về nguồn cội, khắc ghi công ơn tiên tổ, nguyện cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, hàng năm Lễ hội dân gian Đền Chín gian được Đảng bộ và nhân dân huyện Quế Phong tổ chức. Phần lễ đại tế (Lễ xớ Thẻn, xớ Đăm) với đầy đủ các nghi lễ: Lễ rước, lễ tắm trâu, lễ phắn quái, hoạt động quăng chài - thả cá…; phần hội với các trò chơi dân gian đặc sắc. Về với đền Chín Gian trong ngày lễ hội để chiêm nghiệm vẻ đẹp của văn hoá tâm linh, văn hoá nghệ thuật và những phong tục, tập quán cổ truyền rất đặc biệt của đồng bào Thái.
Nếu không về kịp với ngày lễ hội, xin hãy ở lại trên đỉnh Pú Chũ Nhàng một đêm. Ông Hà Đình Quỳ, người bản Piếng Chào, xã Châu Kim (con cháu của dòng họ làm Mo nổi tiếng đất Quế Phong) - người được giao nhiệm vụ coi sóc ngôi đền kể: Vào cữ ngày Rằm, ngày cuối tháng âm lịch, đêm khuya, trong tiếng gió nghe vọng quanh đền rõ cả tiếng thổi lửa, tiếng vó ngựa; nghe tiếng thì thào “kin khẩu nơ” (mời ăn cơm). Đã có nhiều người đến đây, ở lại trên đền Chín Gian một đêm nhiều gió để tâm mình tĩnh lại, để nhớ về tiên tổ…
Thanh Sơn