Giáo dục học sinh 'thành người' rồi mới 'thành tài'
(Baonghean.vn) -Những vụ bạo lực học đường, những sự việc về mâu thuẫn, xô xát giữa giáo viên và học sinh xảy ra tại một số trường học trên cả nước đang là hồi chuông báo động trong toàn ngành Giáo dục.
Hơn bao giờ hết, việc xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường cần phải được quan tâm, chú trọng. Báo Nghệ An ghi lại ý kiến của các em học sinh và giáo viên về nội dung này.
Học sinh Lê Hà My - Lớp 8D, Trường THCS Đội Cung, thành phố Vinh
Những video trên mạng vừa diễn ra trong thời gian gần đây, nhất là vụ việc học sinh có hành vi vô lễ với giáo viên xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là một hành vi hết sức phản cảm với môi trường học đường. Nhà trường là môi trường giáo dục nên cần có những lời nói, hành động đẹp.
Để không còn tình trạng này, theo em, môi trường học đường cần sự lành mạnh, thân thiện giữa thầy, cô và bạn bè. Việc xây dựng một trường học thân thiện là trách nhiệm của mỗi người và có sự đóng góp của giáo viên, học sinh. Trong đó, học sinh phải lễ phép, hòa đồng với thầy, cô, bạn bè; thầy, cô phải chuẩn mực để dành cho học sinh những điều tốt đẹp nhất khi đến trường. Từ khi đi học, chúng em cũng đã được học môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân, được học về cách ứng xử với thầy, cô, bạn bè. Và khi được trang bị đầy đủ những kiến thức này, chúng em sẽ tiếp thu để có môi trường học lành mạnh hơn.
Cô giáo Hồ Thị Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đội Cung, thành phố Vinh
Bạo lực học đường là một vấn đề nhức nhối trong xã hội và cũng là một trong những vấn đề mà các nhà trường đặt lên hàng đầu. Nếu như chúng ta cứ nhồi nhét các kiến thức nhưng học sinh không có đạo đức, không có kỹ năng thì việc giáo dục sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào thì việc giáo dục đạo đức cũng phải đặt lên hàng đầu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Ở trường chúng tôi, việc giáo dục đạo đức được xem là nhiệm vụ thường xuyên với nhiều biện pháp mạnh mẽ. Đó là tạo cho các em những kỹ năng, cho các em tham gia các hoạt động trải nghiệm, khám phá bản thân.
Bên cạnh đó, nhà trường cùng với giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách Đội đồng hành, trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, trong ứng xử với gia đình, thầy, cô và bạn bè. Sau khi có những vụ việc đáng tiếc xảy ra trên mạng xã hội thì việc giáo dục học sinh ở nhà trường càng được sát sao hơn, chú ý vào từng hành động, cử chỉ và chú ý đến từng tiết học của học sinh, để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra.
Thực ra hiện nay, nghề nào cũng có áp lực, nhưng nghề giáo viên có áp lực riêng. Ở lứa tuổi này, nhất là với học sinh THCS, tâm, sinh lý của các em thường xuyên thay đổi. Vì vậy, đòi hỏi giáo viên cực kỳ linh hoạt trong việc giáo dục học trò, có khi là giáo dục bằng tình yêu thương, bằng sự nhẹ nhàng, nhưng có khi phải răn đe, xem học trò là người bạn, người con để các em có thể tiếp nhận được sự giáo dục của thầy, cô giáo một cách tự nhiên.
Chúng tôi cũng hiểu rằng, xã hội, phụ huynh mong muốn nhà trường, giáo viên là nơi để họ gửi gắm con cái, là nơi yên tâm nhất. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, hoàn cảnh mới, nhất là thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin và mạng xã hội thì môi trường giáo dục cũng có những thay đổi, không còn đơn thuần như trước đây. Vì vậy, mong muốn của giáo viên chúng tôi được xã hội nhìn nhận ở góc độ tích cực, có sự chia sẻ với thầy, cô để cùng đồng hành xây dựng môi trường giáo dục tích cực, thân thiện.
Cô giáo Bùi Thị Lệ Thu - Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT số 2
Bản thân tôi là giáo viên, tôi rất chia sẻ, đồng cảm với tình huống đã xảy ra sau sự việc ở một trường THCS tại tỉnh Tuyên Quang và một số sự việc khác. Nhìn những hình ảnh này chúng tôi thấy rất buồn.
Quả thực, khi công nghệ thông tin phát triển, đã xâm nhập vào môi trường giáo dục, tiếng nói của học trò, cá tính của học trò được bộc lộ rõ hơn, cá tính và sự khác biệt của các em cần được tôn trọng, nhưng phía sau đó, còn nhiều điều mà nhà trường, giáo viên cũng rất trăn trở.
Thực tế, sau sự việc vừa xảy ra, chính bản thân tôi là giáo viên đã phải tự nhìn nhận lại bản thân mình. Tôi nghĩ rằng, trong mỗi sự việc xảy ra, yếu tố đầu tiên, đó là chúng ta cần xem xét vai trò của cô giáo. Học sinh là con, là em đang chịu sự chỉ bảo, dạy dỗ của mình. Ở sự việc này, thành quả tạo ra đã phản tác dụng.
Để tránh những tình huống tương tự, theo tôi, giải pháp đầu tiên đó là, những người giáo viên chúng tôi cần phải thấu hiểu hơn, phương pháp phải nhuần nhuyễn hơn, phải biết bảo vệ hình ảnh của mình để tránh những va chạm với lứa tuổi học trò còn non nớt, đẩy các em vào những ứng xử không đáng có, từ đó, tạo nên những dư luận xấu trong nhà trường.
Bài học đạo đức phải là bài học đầu tiên khi các con đến trường. Trong một môi trường giáo dục, học lễ lấy làm đầu, sau đó, mới học tri thức, hay nói cách khác, thành người rồi mới thành tài. Muốn vậy, giáo viên phải được trang bị kỹ năng sư phạm tốt để đào tạo phẩm chất cho một thế hệ học sinh hiện đại. Bản thân giáo viên phải dồn hết tâm sức, tình cảm của mình để nhìn nhận vấn đề và giáo dục học sinh. Điều quan trọng là sự quan tâm của bố mẹ chăm sóc, chỉ bảo con cái. Có sự kết hợp hài hòa giữa gia đình, nhà trường và xã hội thì môi trường giáo dục sẽ ngày càng hoàn thiện hơn.
Những ngày qua, dư luận, mạng xã hội và cơ quan truyền thông cũng bàn luận về vấn đề bảo vệ giáo dục. Nhưng theo tôi, không có sự bảo vệ nào vững chắc bằng sự bảo vệ từ hai phía, bảo vệ từ sự nội tại, cô yêu trò và trò tin tưởng cô. Nếu như giáo viên nhận được sự tôn trọng của học sinh đúng với tinh thần “Tôn sư trọng đạo” thì cần gì phải bảo vệ. Những năm qua, tôi vẫn nói với các học trò, các con coi cô là cô hay là mẹ. Nếu là cô thì cô sẽ làm đúng phận sự. Nếu là mẹ thì cô sẽ dạy các con bằng tình yêu thương. Ở đâu cũng vậy, mình cho đi cái gì sẽ nhận lại những điều tương xứng và nếu thầy, cô yêu thương học trò, sẽ nhận lại được sự tôn trọng, trân quý.
Mới đây, Công đoàn Giáo dục Việt Nam ký văn bản gửi Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ nhà giáo, người lao động trong các trường học.
Trong đó, yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường các biện pháp giáo dục học sinh, thực hiện kỷ cương trường học, kỷ luật học đường; Thực hiện nghiêm phương châm "Thầy ra thầy - Trò ra trò" trong các nhà trường".
Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng chỉ đạo công đoàn các trường học rà soát thông tin, nắm bắt các vấn đề nảy sinh, kịp thời can thiệp, giải tỏa, chấn chỉnh để không xảy ra các hiện tượng vi phạm quy định đạo đức nhà giáo, các hiện tượng học sinh vi phạm kỷ luật. Đặc biệt là các vấn đề về công tác quản lý, quản trị trường học.
Công đoàn giáo dục các tỉnh, thành cần chỉ đạo, phối hợp với Liên đoàn Lao động các quận, huyện chỉ đạo công đoàn các trường học trên địa bàn có biện pháp bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tính mạng của nhà giáo, người lao động.