Đâu rồi tinh thần tôn sư trọng đạo?

Lê Thanh Nga 06/12/2023 19:23

(Baonghean.vn) -Thật đau đớn và xấu hổ khi xem những clip đang lưu truyền trên mạng xã hội về vụ việc một cô giáo bị một đám đông học sinh ẩu đả ngay trong không gian một lớp học được cho là ở Tuyên Quang.

Không còn là báo động, đã đến lúc ngành giáo dục và xã hội phải mạnh mẽ lên án và có chế tài xử lý thật nghiêm khắc những đối tượng tham gia vụ bạo lực này để ngăn chặn sự tái diễn của nó trong môi trường giáo dục.

Thực ra, việc học sinh hay phụ huynh có những hành xử thô bạo với thầy cô giáo không còn là chuyện hiếm trong những năm gần đây. Tôi đã từng nói rằng bạo lực học đường, xét từ một khía cạnh nào đó, là hiệu ứng lây lan từ một xã hội mà bạo lực đã trở thành một vấn nạn. Cạnh đó, không khó để thấy rằng bạo lực ngày hôm nay không chỉ phản ánh sự xuống cấp của đạo đức, mà còn phản ánh sự đảo lộn các thang bậc giá trị.

Nhiều chục năm về trước, không phải không có chuyện bạo lực, nhưng đấy chỉ là chuyện thầy cô xúc phạm trò, cha mẹ đánh đập con cái. Còn ngày nay, quá trình ngược lại đang xuất hiện ngày càng nhiều: con cái sỉ nhục, bạo hành cha mẹ, phụ huynh, học sinh xúc phạm thầy cô. Điều kinh khủng của câu chuyện ở Tuyên Quang là ở chỗ, đấy không phải là việc một học sinh xúc phạm giáo viên, mà là một cuộc tấn công tập thể. Việc trò đánh thầy cô là không thể chấp nhận được, việc một tập thể học trò đánh thầy cô lại càng là việc không thể chấp nhận được. Đấy không chỉ là bạo lực học đường, đấy thực sự là bạo loạn học đường!

tuyen-quang-3573.jpg
Ảnh cắt từ clip.

Đau đớn hơn nữa là vụ bạo loạn kia lại xảy ra chỉ hơn một tuần sau cái ngày cả nước tri ân và tôn vinh thầy cô giáo! Thật mỉa mai! Đâu rồi những tiết mục văn nghệ tốn kém? Đâu rồi những bó hoa đắt đỏ? Đâu rồi những lời chúc mừng long trọng? Nói cách khác, đâu rồi tinh thần tôn sư trọng đạo?

Phải nói lại rằng, chúng ta đang thất bại trong việc dạy dỗ con cái. Ngành giáo dục, trong đó, tất nhiên phải kể đến nhiều nhà trường, đang thất bại trong việc giáo dục đạo đức học trò. Hình như chúng ta đang mê mải kiếm thật nhiều tiền, hình như chúng ta đang mê mải xây dựng hình ảnh và danh vọng, hình như chúng ta đang chịu quá nhiều áp lực từ muôn phía của cuộc sống, và chúng ta không còn nhiều thời gian để chia sẻ, dạy dỗ con cái bằng lòng yêu thương, và dạy dỗ chúng về lòng yêu thương. Hình như chúng ta, trong những bữa cơm và trước giấc ngủ, sau mỗi sáng thức dậy đã quên chuyện trò với con về các giá trị, trong đó có giá trị của yêu thương, giá trị của tính kỷ luật và trên hết là giá trị của đạo làm người.

Mà cũng không chỉ thất bại trong giáo dục con cái. Nhiều lúc tôi cảm giác rằng chúng ta, những người làm phụ huynh, đang thất bại trong việc giáo dục chính chúng ta.

Cách nay vài năm, tại một cửa hàng rau quả, tôi đã chứng kiến hai nữ phụ huynh trao đổi với nhau về chuyện chúc mừng thầy cô ngày Nhà giáo Việt Nam. Một người hỏi một người rằng năm nay đi chúc mừng cô giáo thế nào, người kia thản nhiên: “Xuống gặp cô ở trường, đưa cô trăm bạc là xong!” Lòng tôn sư trọng đạo là thế này sao? Tôi mua vội bó rau để rời khỏi chỗ ấy càng nhanh càng tốt. Tôi đã đi như chạy, chạy trốn chính cái ngày lễ trọng đại ấy.

Ngành giáo dục và nhà trường, hiển nhiên không thể thanh minh cho thất bại của mình. Tôi biết không phải không có những trường học mà ở đó người ta đôi khi không dành lòng yêu thương, sự tôn trọng, sẻ chia với đồng nghiệp, và có lúc, là cả học sinh nữa. Câu chuyện hiệu trưởng nhục mạ giáo viên, hiệu trưởng đánh giáo viên vẫn còn dư âm đâu đó. Không thể có yêu thương trong những môi trường giáo dục mà ở đó chỉ có mệnh lệnh và mệnh lệnh. Đã không ít thầy cô phàn nàn rằng ở môi trường công tác của mình, họ không được tạo động lực, mà chỉ thấy áp lực. Tâm huyết, sáng tạo… chỉ có thể xuất hiện trong môi trường mà người lao động yên tâm, vui vẻ với công việc của mình.

cau-tuc-ngu-khong-thay-do-may-lam-nen.jpg
Không thầy đố mày làm nên. Ảnh minh họa

Dĩ nhiên không thể chuyện gì cũng trút hết mọi tội lỗi lên đầu học trò. Là một người làm trong ngành giáo dục, tôi hiểu những áp lực mà thầy cô phải chịu, tôi hiểu bản chất người của thầy cô, cũng như của bất cứ con người nào: ai cũng có lúc nóng giận, ai cũng có lúc không kiềm chế được bản thân và hoàn toàn có thể có những ứng xử không đúng mực với người học. Điều quan trọng là sau những lời mắng mỏ, sau một cái bạt tai học sinh, thầy, hay cô nghĩ gì? Điều quan trọng là trước và sau những điều khiến học trò tổn thương ấy, thầy, cô đã lần nào sửa lại cái cổ áo xộc xệch của học trò, đã lần nào nhắc học trò chú ý mặc ấm khi ra đường…

Một hành động nhỏ, một lời nói giản dị thôi, nhưng chân thành, có thể xóa đi mọi khoảng cách và hóa giải mọi mâu thuẫn, nhất là đối với những người nhỏ tuổi hay trẻ tuổi. Đấy là giá trị của yêu thương. Ngoài ra, nếu thầy cô nào không thực sự có tình yêu nghề và nhất là tình yêu đối với những đứa trẻ mà mình đang được giao dạy dỗ, người đó nên tìm một nghề khác. Vì đơn giản, có lẽ họ bước vào nghề này cũng chỉ để kiếm sống.

Một điều nguy hiểm là, các clip bạo lực học đường, trong đó có clip “bạo loạn” kia đang trôi nổi một cách khó kiểm soát trên mạng xã hội. Và sự lây lan hiệu ứng của nó sẽ như thế nào? Liệu chúng ta có chắc chắn được rằng sẽ không có những vụ việc tương tự tiếp sau?

Mới nhất

x
Đâu rồi tinh thần tôn sư trọng đạo?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO