Huyền thoại Điện Biên
(Baonghean) - Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh ta có 8 người được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (6 người là Anh hùng Điện Biên) bởi những chiến công hiển hách. Trong số 8 người đó, đến nay duy chỉ có anh hùng Phan Tư còn sống... Trở về quê hương sống giữa đời thường, sau những năm tháng dài phục vụ trong quân đội, phục vụ nhân dân, Anh hùng Phan Tư vẫn luôn sáng ngời phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ, là tấm gương cho người dân noi theo...
(Baonghean) - Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh ta có 8 người được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (6 người là Anh hùng Điện Biên) bởi những chiến công hiển hách. Trong số 8 người đó, đến nay duy chỉ có anh hùng Phan Tư còn sống... Trở về quê hương sống giữa đời thường, sau những năm tháng dài phục vụ trong quân đội, phục vụ nhân dân, Anh hùng Phan Tư vẫn luôn sáng ngời phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ, là tấm gương cho người dân noi theo...
Dũng cảm mở đường, khuất phục thác dữ
Những trang vàng lịch sử kháng chiến thực dân Pháp đã khắc ghi rõ về tiểu sử, nhân thân và chiến công của người con anh hùng quê lúa: Anh hùng Phan Tư sinh năm 1931, quê ở xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, nhập ngũ tháng 6/1951… Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ, cũng như bao chàng trai đất Việt khác, ông Phan Tư đã nhập ngũ lên đường kháng chiến cứu quốc. Là chiến sỹ công binh của Đại đoàn 351, từ năm 1951 đến tháng 7/1954, ông đã tham gia 4 chiến dịch lớn ở Bắc Bộ với các nhiệm vụ khác nhau như mở đường, phá bom bảo đảm giao thông, phá thác... Ở bất cứ nhiệm vụ, cương vị nào, ông luôn nêu cao tinh thần dũng cảm vượt mọi khó khăn ác liệt, kiên quyết hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đọc lại những dòng viết về chiến công của ông, có lẽ bất cứ người nào cũng phải thán phục về sự chiến đấu dũng cảm ngoan cường của người lính Điện Biên.
![]() |
Anh hùng Phan Tư ở tuổi 84 (trái). |
“Đầu năm 1952, Chiến dịch Hòa Bình bước vào giai đoạn quyết liệt. Quân ta mở ra những đợt tấn công nhằm mục đích tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng Thị xã Hòa Bình, đập tan phòng tuyến sông Đà và tạo điều kiện phát triển chiến tranh du kích ở đồng bằng Bắc Bộ. Quân Pháp quyết liệt chống đỡ với việc co cụm phòng thủ, rải bom mìn trên các tuyến giao thông. Phan Tư lúc này là chiến sỹ thuộc Trung đội 51, Đại đội 124, Trung đoàn 555, được giao nhiệm vụ quan sát và phá bom nổ chậm bảo đảm giao thông vận chuyển. Rất nhiều lần địch đánh phá ác liệt, bom nổ rất gần, đất đá tung cả vào hầm, ông Phan Tư vẫn kiên cường động viên đồng đội bình tĩnh quan sát bom rơi, khi máy bay bay đi, lại ra phá gỡ. Có quả bom nổ chậm chui sâu, phải đào gỡ liên tục 4 giờ liền, quá giờ an toàn quy định, ông vẫn dũng cảm kiên quyết tháo bằng được quả bom để thông đường. Không thể kể hết bao nhiêu lần bom thả, không thể biết hết bao nhiêu lần, ông vào đồng đội bị thương, bị sức ép của bom mìn khiến máu từ cơ thể trào ra miệng, mắt, mũi.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ông Phan Tư làm nhiệm vụ quan sát. Khi máy bay địch ném bom, ông đã dũng cảm nằm ngay tại mặt đường quan sát để nắm chắc vị trí bom rơi, đánh dấu cho anh em phá gỡ. Một quả bom nổ chậm nằm giữa mặt đường, không nắm được giờ an toàn, nên hàng ngàn dân công xe thồ, bộ đội, xe vận tải, xe kéo pháo phải đứng chờ, ùn lại, cách xa quả bom 300m không dám vượt qua. Chiến trường đang cần sức mạnh từ hậu phương. Tiểu đội phó Phan Tư đã dũng cảm đốt đuốc đứng cạnh quả bom, làm lộ tiêu cho dân công vượt qua an toàn, nhanh chóng. Tiếng hô to của ông “Các đồng chí yên tâm vượt qua vùng nguy hiểm. Quả bom này không nổ. Tôi đứng làm lộ tiêu cho mà đi, cứ bình tĩnh tiến lên”. Tiếng hô của ông vang vọng bến Tà Khoa, thượng nguồn sông Đà.
Chiến công của anh hùng Phan Tư thì vô số, nhưng sự kiện khiến mọi người nhớ tới nhiều hơn cả đó là: Anh hùng Phan Tư đã khuất phục thác dữ trên dòng sông Nậm Na... Sau các chuyến công du bí mật của Bác Hồ sang Liên Xô, Trung Quốc từ tháng 1/1950 tới giữa năm 1953, khi viện trợ quân sự của hai nước với khối lượng lớn đã vận chuyển áp sát phía bên kia biên giới. Trung ương chủ trương mở các chiến dịch lớn ở Tây Bắc, các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP), dân công được lệnh cấp tốc mở các đường thủy, đường bộ hoàn toàn mới thông sang nước bạn qua Ma Lù Thàng, Lai Châu. Dòng sông Nậm Na thượng nguồn sông Đà là một tuyến đường thủy mới đó. Nậm Na tính từ đường biên về mặt trận dài 120km, có trên 90 thác lớn nhỏ chặn dòng, 21 khối đá khổng lồ chặn đứng. Tháng 2 năm 1954, Trung đội 51 của anh hùng Phan Tư được chọn mặt gửi vàng giao phá thác trên sông Nậm Na.
Đây là lần đầu tiên, trung đội của ông phá thác, chưa có kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn do nước chảy xiết, trời rét buốt, địa hình khó, nếu nhảy xuống rất dễ bị nước cuốn trôi xô vào đá. Không có ni lông, khó có thể đưa thuốc nổ xuống nước… Giữa lúc ấy, Phan Tư đã nhiều lần dũng cảm xung phong lặn xuống nghiên cứu cách phá, lựa thế phá thác sao cho tiết kiệm thuốc nổ, rút kinh nghiệm cho toàn đơn vị. Ông đã có sáng kiến lấy lá chuối rừng để bọc chống thấm cho thuốc nổ, không có sáp và nhựa đường thì lấy cơm nếp để làm keo gắn dây cháy chậm vào thuốc nổ. Đích thân ông nhiều lần đứng giữa ranh giới sống - chết khi ôm những khối bộc phá hàng chục kg, ngòi đốt sẵn, lặn xuống kẽ đá, lắp thuốc nổ vào rồi nhanh chóng bơi lên bờ trước khi bộc phá phát nổ. Ngọn lửa nhiệt huyết và trí tuệ của Phan Tư đã tiếp thêm sức mạnh cho các đồng đội. Nhờ đó Trung đội 51 đã phá được hơn 30 thác, bảo đảm thời gian quy định, thông luồng cho thuyền chở vũ khí phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ được dễ dàng và an toàn.
Với những chiến công có một không hai của mình, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 31/8/1955, ông Phan Tư được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Những năm sau đó, ông tiếp tục tham gia chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc. Đến năm 1987, anh hùng Phan Tư về hưu với quân hàm đại tá. Bản thân ông còn được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 11 lần được trung đoàn, đại đoàn và Tổng cục Chính trị khen thưởng.
Về với đời thường
Chúng tôi đến thăm gia đình anh hùng Phan Tư tại xóm 5, xã Thọ Thành vào những ngày trung tuần tháng Tư, thời khắc lễ kỷ niệm 39 năm thống nhất đất nước, 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cận kề. Vợ chồng anh hùng Phan Tư có 5 người con, hiện ông bà đang sống cùng người con trai út là giáo viên trường THCS xã nhà. Ở tuổi 84, sức khỏe đã yếu vì những vết thương cũ và nhiều lần tai biến. Hỏi chuyện về những kỷ niệm Điện Biên và chiến tranh chống Mỹ cứu nước, anh hùng Phan Tư lại rưng rưng. “Nhớ về những đồng đội cũ, ông ấy lại xúc động mạnh, huyết áp tăng cao” - người thân của anh hùng Phan Tư cho hay.
Trong ngôi nhà giản dị của người anh hùng huyền thoại Điện Biên, con trai cả của ông Phan Tư là Thượng tá Phan Đức Nhuận, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kể: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bố tôi được Bộ Quốc phòng cử đi học văn hóa và học tập chính trị, quân sự trong thời gian 3 tháng. Chẳng là, cũng như bao nhiêu người nông dân thời đó, điều kiện đất nước, gia đình khó khăn, bố tôi cũng không có điều kiện nên mới chỉ học bình dân học vụ. Bộ Quốc phòng đã mời cả gia đình ra Hà Nội để gặp gỡ động viên, ông nội còn được Bác Hồ tặng áo lụa. Sau Đại hội Thi đua Quyết thắng, bố được phong tặng anh hùng và từ năm 1955 - 1958, được cử đi học ở Trường sỹ quan lục quân Trần Quốc Tuấn. Sau khóa học, bố tôi được cử về đơn vị tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở chiến trường B, C, làm công tác công binh chiến lược, bảo đảm chiến đấu cho xe tăng, pháo binh, ô tô vận tải vượt sông. Trong thời gian này, đôi lần, ông cũng được Bộ Quốc phòng cử đi học ở Học viện Công binh Trung Quốc, cũng như học văn hóa…
Sau khi đất nước thống nhất, ông còn được cử đi học một số khóa ngắn hạn ở Liên Xô về việc sử dụng khí tài mới vượt sông. Ông còn tiếp tục tham gia chỉ huy các phân đội, đơn vị trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc. Đến năm 1982, do điều kiện công tác , ông xin nghỉ công tác và đến năm 1987 được nhận quyết định nghỉ hưu chính thức. Gia đình tôi có 5 anh em, cậu em trai thứ ba mất lúc 10 tuổi. Em gái thứ hai hiện đang là bác sỹ công tác tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, em gái thứ 4 và em trai thứ 5 hiện là giáo viên dạy ở xã nhà. Thưở nhỏ, các anh em tôi ít có điều kiện được gặp bố bởi ông đi biền biệt theo các chiến dịch, lâu lâu mới về thăm nhà. Những lần gặp ngắn ngủi đó, ông chỉ dặn dò các con ngoan, chịu khó học hành và hầu như không bao giờ kể về những gian khổ trong chiến đấu. Không biết nhiều về việc bố đang làm nhưng anh em chúng tôi luôn nhìn vào truyền thống cách mạng của gia đình để phấn đấu học tập, trưởng thành: Ông nội là đảng viên 1945 - 1946, hai bác là cán bộ trong xã, bố là đảng viên, hai chú sau là liệt sỹ kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ.
Năm 1987, trở về với đời thường, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Phan Tư hăng hái tham gia vào công tác địa phương, là Ủy viên Ban chấp hành UBMTTQ huyện Yên Thành. Khi Hội Cựu Chiến binh huyện Yên Thành ra đời, ông Phan Tư được cử làm Chủ tịch Hội. Trong giai đoạn đầu mới thành lập 1990 - 1995, công tác Hội còn gặp nhiều khó khăn, nhiều người vẫn thấy anh hùng Phan Tư lặng lẽ, cặm cụi trên chiếc xe đạp cũ kỹ đi về các xã trong huyện làm công tác vận động, xây dựng tổ chức hội; rồi lại một mình đạp xe vượt gần 60km về Thành phố Vinh họp ở Hội Cựu chiến binh tỉnh. Ông Hồ Sỹ Khai, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thọ Thành cho hay: “Hội Cựu chiến binh huyện Yên Thành vững mạnh như ngày hôm nay có công rất lớn của anh hùng Phan Tư. Khi đã về nghỉ, ông vẫn rất nhiệt tình với công tác hội, xây dựng phong trào ở địa phương”… Ông Nguyễn Khoa Thăng, Bí thư Đảng bộ xã Thọ Thành nhận xét: “Anh hùng Phan Tư chính là tấm gương tiêu biểu cho người dân trong xã về tinh thần yêu nước, anh dũng trong chiến đấu, về với quê hương luôn sống hòa mình, giản dị, vui vẻ, hăng say lao động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thường xuyên giúp đỡ mọi người. Trong sinh hoạt chi bộ, ông là đảng viên tích cực, tiêu biểu, có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng để xây dựng chi bộ, đảng bộ vững mạnh, xây dựng phong trào ở địa phương”.
Ở anh hùng Phan Tư, mỗi thời khắc, vẫn thấy rất rõ phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ năm xưa: Tích cực hoạt động, lấy hành động, việc làm của mình để cảm hóa, thúc dục mọi người cố gắng vươn lên xây dựng quê hương, đất nước…
Bài, ảnh: Thành Chung