Huyền thoại Thẳm Bua
(Baonghean) - Ở vùng Thẳm Bua có người con gái tên gọi Nàng Ni, con của một phìa bản giàu có. Nàng Ni đẹp lắm, da trắng, môi hồng, mắt sáng như sao. Mỗi lần nàng cất tiếng hát Nhuôn, hát Xuối, ngay cả con chim, con sóc trong rừng cũng lặng yên để nghe.
Tới tuổi chọc sàn, mặc bao lời hay lời ngọt của những trai làng con nhà giàu có, nàng Ni vẫn không xao lòng, bởi từ lâu nàng đã đem lòng yêu Ban, một chàng trai nghèo hiền lành, chân thật trong bản. Vốn là con gái một phìa bản giàu có, nhiều thế lực, bố mẹ nàng ngăn cấm không cho nàng được tự do đến với người mình yêu. Nhưng làm thế nào để ngăn nổi con tim của hai người yêu nhau say đắm? Cho đến một hôm, phìa bản sai chàng trai nghèo vào thẳm Bua để diệt loài thuồng luồng hung dữ, chuyên gây hại cho dân bản. Chàng trai hiền lành, thật thà ấy đi vào lòng hang và đi mãi không trở về.
Nàng Ni ở nhà đợi mãi, đợi mãi mà không thấy người yêu quay trở lại, nàng nhất quyết đi vào hang sâu để tìm chàng. Qua bao ngõ ngách trong lòng hang, trải bao vất vả, nàng men theo những bậc đá lên tới đỉnh thẳm Bua, ngồi đó đợi chàng. Nàng ngồi vậy khóc thương người yêu cho mãi đến khi nước mắt cạn kiệt. Nhớ thương người con gái chung tình, phiến đá từ đó được người đời gọi là Choong Nang (giường đá nàng Ni); những giọt nước mắt của nàng ngấm qua đá núi từ bao đời thành những giọt thạch nhũ long lanh trong lòng thẳm Bua.
Sau đó, mỗi năm cứ dịp xuân về, trai gái trong vùng lại rủ nhau vào lòng thẳm Bua tình tự để chia sẻ, cảm thông với mối tình trong sáng của người con gái đẹp đất Mường. Năm này qua năm khác, dần dần thói quen đó trở thành một lễ hội hàng năm của người dân vùng sơn cước.
Tại hang còn lưu giữ nhiều khối hình tượng trưng những huyền thoại đặc sắc như thần Núi (Phí-Pu-Phá-hủng) và Thần Nước (Phí-Nặm-Huồi-hạ) giao tranh; chuyện tình Tạo Khủn-tinh và nàng Ni... Phía trước thẳm Bua là thung lũng Chiềng Ngam rộng lớn, cây cối xanh tốt quanh năm, bản làng sầm uất. Thung lũng còn là nơi tụ cư của người Thái với những bản làng sầm uất, yên vui. Đây cũng còn là nơi gặp nhau của 3 con sông: Sông Quàng, sông Viết, sông Hạt, để rồi hợp lưu thành sông Hiếu thơ mộng uốn mình chảy qua các huyện Quỳ Châu - Quỳ Hợp - Nghĩa Đàn đổ về sông Lam cùng xuôi ra biển Đông.
Theo sử sách ghi chép lại, vào năm 1937, vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn là Bảo Đại đã đến vãn cảnh hang Bua và tổ chức thi người đẹp ở đây. Từ đó, hàng năm ở hang Bua, cứ vào đầu xuân lại diễn ra các hoạt động lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc...
Trần Việt Đức