Huyền tích mới mó nước Tiên Kỳ

05/11/2014 09:21

(Baonghean) - Một bậc cao niên ở bản Thái Minh - xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) kể lại: Ngày xưa, vùng quê Tiên Kỳ đói khổ lắm, suốt một thời gian dài cây cối không thể sinh sôi nảy nở được do thiếu nước. Kỳ lạ, vào mùa mưa, nước trong hang Mó chảy ra ồ ạt, khiến ruộng đồng ngập úng, nhưng vào mùa khô, nước đọng lại trong hang, không chịu chảy ra ngoài gây khô hạn. Người dân Tiên Kỳ ước ao giá như tình thế có thể xoay chuyển.

Trăn trở trước cảnh đói khát, mất mùa liên miên do sự bất thường của nguồn nước, đầu năm 1963, Bí thư HTX Kỳ Minh là ông Lương Văn Hậu (SN 1927) vận động một số người dân cùng ông đi sâu vào hang để tìm hiểu thực hư. Ban đầu, không một ai dám đồng hành với ông, họ sợ "một đi không trở lại" bởi nghe nói trong hang có rất nhiều hổ dữ, trăn, rắn... Cuối cùng vẫn có 4 người hưởng ứng theo ông. Đó là các ông: La Văn Minh (SN 1943), Vi Văn Phát (SN 1934), La Văn Mỹ (SN 1925) và Vi Văn Hiếu (SN 1943).

Ông La Văn Minh kể về “huyền tích” năm xưa.
Ông La Văn Minh kể về “huyền tích” năm xưa.

Ông La Văn Minh, người duy nhất trong đoàn “thám hiểm” đó hiện nay còn sống, kể lại: “Ngày chúng tôi quyết định vào hang (10/3/1963), người thân, dân bản đã khóc ròng, nhiều người ngăn cản. Họ tổ chức một bữa cơm và ai cũng đẫm nước mắt để tiễn chúng tôi đi vào hang Mó như tiễn những người lính ra mặt trận lúc bấy giờ. Và, chúng tôi "lên đường", trong tay chỉ có cơm nắm, đuốc, vài chiếc dao và gậy gộc thô sơ”.

d
Mó nước Tiên Kỳ

Rẽ rừng cây rậm rạp, họ tìm đến cửa hang. Việc chui qua cửa hang để vào bên trong rất khó khăn, cửa hang rất thấp, tối om và hun hút như miệng tử thần; những vỉa đá sắc nhọn như răng cá mập. Nhưng khi đi sâu vào bên trong là không gian rộng rãi thoáng đãng; các vân đá, vách đá rất đẹp khiến họ dần vơi đi nỗi sợ hãi. Dòng suối trong lòng hang khá lớn, chảy theo một hướng lạ và mạch chảy không đều. Sau nhiều giờ suy đi tính lại, họ quyết định cạy đá chặn hướng chảy cũ, rẽ dòng cho nước chảy vào con suối dẫn ra phía cánh đồng... Nhờ đó người dân đã có nước tưới đều đặn, nguồn nước không còn bất thường như trước nữa. Cây trồng đã xanh và cuộc sống người dân trở nên ấm no...

Dân bản biết ơn đoàn người "mở nước" vô cùng. Vào năm 1965, trong cuộc bầu chọn Anh hùng Lao động của 6 huyện miền núi Nghệ An, ông Lương Văn Hậu, người khởi xướng việc đi tìm nước cho dân làng được suy tôn Anh hùng Lao động. Còn mó nước nơi mà ông cùng đoàn người năm ấy vào khảo sát được người dân quen gọi là mó nước Lương Văn Hậu.

Hiện nay, mó nước Lương Văn Hậu đảm bảo nước tưới cho khoảng 130 ha cây trồng thuộc các bản Thái Minh, Kẻ Giếng, Kẻ Phẩy... và là một địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn.

Men theo con đường gập ghềnh ven lèn Bục khoảng 200m, khách sẽ bắt gặp một dòng suối trong vắt. Đó là một dòng suối khá rộng, dẫn nước từ trong hang Mó ra cánh đồng. Dòng suối vừa đủ cạn để khách có thể lội chân trần để cảm nhận cái cảm giác mát rượi và gai gai thú vị dưới chân bởi những lớp sỏi nơi đáy suối. Phía trong hang là những dòng suối nhỏ róc rách chảy; những cây bụi nhỏ lưa thưa; những vách đá rêu phong gối đầu lên nhau tạo nên một vẻ đẹp nên thơ của hang Mó... Hàng năm, vào dịp 10/3, bà con dân bản lại sắp lễ gồm 1 con gà, cỗ xôi và hương hoa mang đến hang để tạ ơn thần núi đã cho mạch “nước thần” này. Hang Mó ở Tiên Kỳ được coi là thần hộ mệnh của bà con dân bản, tạo nét văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Thái.

Hiện nay, địa phương đang có kế hoạch đầu tư mó nước nơi đây thành một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Hy vọng sẽ có nhiều nhà đầu tư đến với Tiên Kỳ, chung sức với địa phương để thúc đẩy hoạt động du lịch dựa trên tiềm năng sẵn có.

Bài, ảnh: Cầm Thủy

Mới nhất

x
Huyền tích mới mó nước Tiên Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO