Hy Lạp hủy bỏ trưng cầu dân ý
Trong một ngày hỗn loạn về chính trị, Thủ tướng Georges Papandreou đã hủy bỏ cuộc trưng cầu dân ý của Hy Lạp về thỏa thuận nợ với khối sử dụng đồng euro (eurozone) vào hôm 3.11, sau khi giành được sự ủng hộ chừng mực từ phe đối lập.
Theo tờ New York Times, quyết định hủy bỏ trưng cầu dân ý không chấm dứt tình trạng hỗn loạn chính trị đang diễn ra tại Hy Lạp. Ông Papandreou vẫn đối mặt với vụ dấy loạn từ trong đảng Xã hội của mình và cơn giận dữ của một số nhân vật đối lập.
Ông cũng phải vượt qua một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đấy bất trắc trong hôm nay, 4.11. Tuy nhiên, những cuộc đàm phán về một chính phủ đoàn kết đã xoa dịu những lo ngại của quốc tế về một cuộc bầu cử mới ngay tức khắc và bóng ma vỡ nợ nếu ông Papandreou không trụ lại được văn phòng.
Buổi họp Nghị viện Hy Lạp hôm 3.11 - Ảnh: AFP
Trong bài phát biểu trước Ủy ban trung ương đảng Xã hội vào tối 3.11, ông Papandreou nói không cần phải có một cuộc trưng cầu dân ý sau khi đảng đối lập Dân chủ Mới lần đầu tiên lên tiếng rằng họ sẽ ủng hộ thỏa thuận đạt được vào tuần trước với eurozone, theo đó Hy Lạp sẽ được xóa một phần nợ để đổi lại các biện pháp khắc khổ về tài chính.
Ông Papandreou đã mời đảng Dân chủ Mới trở thành những “nhà đồng đàm phán” về thỏa thuận với eurozone và sau đó nói các cuộc đàm phán về chính phủ đoàn kết nên được bắt đầu ngay lập tức.
Ông cũng gợi ý sẽ ra đi để những người khác có thể thành lập một chính phủ đoàn kết nếu giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hôm 4.11. “Tôi không bám lấy ghế của mình”, ông Papandreou nói.
Phát biểu này được ông Papandreou đưa ra sau khi lãnh đạo đảng Dân chủ Mới Antonis Samaras cáo buộc thủ tướng là kẻ dối trá. Ông Samaras tức tối vì ông Papandreou có vẻ như muốn tiếp tục giữ chức sau khi có được sự hợp tác từ phe đối lập.
Quyết định hủy bỏ trưng cầu dân ý xảy đến sau ba ngày hỗn loạn chính trị làm chao đảo thị trường thế giới, khiến cả châu Âu rùng mình và khiến các lãnh đạo châu Âu tức tối đưa ra một tối hậu thư hôm 2.11 buộc Hy Lạp phải quyết định một lần dứt khoát rằng họ có muốn tiếp tục là một phần của Liên minh châu Âu và khối eurozone hay không.
Trong một ngày đầy kịch tính, đầu tiên ông Papandreou được tường thuật là đã đề nghị từ chức trước cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hôm 4.11. Tuy nhiên, vào buổi chiều, truyền thông Hy Lạp tường thuật rằng trong một cuộc họp nội các, ông Papandreou không chỉ từ chối từ chức mà còn trên thực tế hủy bỏ cuộc trưng cầu dân ý.
Vào tối hôm qua 3.11, có những tường thuật rằng ông Papandreou đã đồng ý ra đi sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hôm nay sau khi các thành viên nội các thúc giục ông làm thế vì lợi ích của đảng Xã hội. Theo các tường thuật này, ông Papandreou đã không phản đối ý tưởng này.
Ông Papandreou không tiết lộ gì về những diễn biến này trước công chúng mà chỉ đơn giản nói ông chỉ cố gắng làm điều tốt đẹp nhất cho Hy Lạp là giữ nước này lại trong Liên minh châu Âu và eurozone.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos đã xác nhận với tờ New York Times rằng cuộc trưng cầu dân ý đã bị hủy bỏ và chính phủ phải theo đuổi việc thông qua thỏa thuận về nợ với 180 thành viên nghị viện. Để có được điều này, họ phải có sự ủng hộ từ một số nhân vật đối lập.
Theo Thanh niên