Hy vọng về một hiệp ước hạt nhân ở Iran

11/11/2013 08:43

(Baonghean) - Các nhà chính trị phương Tây và Iran có vẻ như đang tiến tới một thoả thuận mang tính đột phá, nhằm trì hoãn tiến trình thực hiện quả bom hạt nhân (trong nghi vấn) đồng thời giảm bớt một số biện pháp trừng phạt khiến cho nền kinh tế của quốc gia này trì trệ. Các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Pháp, Anh và Đức đã nhanh chóng có mặt ở Geneve vào thứ 6 ngày 8/11 để xem xét liệu có thể đưa thoả thuận tới hồi kết, khi mà phương Tây đã mệt mỏi sau nhiều năm trời nghi vấn, bực bội vì trò chơi “mèo vờn chuột” giữa Iran và các thanh tra vũ khí quốc tế.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif (ngoài cùng bên phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 ở New York ngày 26/9 (Ảnh: Press TV)
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif (ngoài cùng bên phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 ở New York ngày 26/9 (Ảnh: Press TV)

Hãng truyền thông quốc gia Nga Ria Novosti và Đài Truyền hình Trung Quốc cũng đưa tin về sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga và Trung Quốc. Việc có mặt vào thứ 7 của các quan chức này cho thấy, có thể đàm phán đã không đi đến thoả thuận vào tối thứ 6, như trưởng đoàn đàm phán Iran - ngoại trưởng Javad Zarif - dự đoán trước đó. Đàm phán diễn ra vào thứ 7 bao gồm cả cuộc gặp của Ngoại trưởng Mỹ John Kery, Giám đốc chính sách đối ngoại của liên minh châu Âu Catherine Ashton và ông Zarif. “Cuộc đàm phán đã đến hồi nhạy cảm và quan trọng, cần có quyết định từ cấp cao hơn nữa”, Bộ phó Bộ Ngoại giao Iran Abbas Araqchi nói với các phóng viên ở Geneve. Thoả thuận mới, nếu được thông qua, sẽ cắt giảm một số biện pháp trừng phạt nếu Iran chấp nhận ngừng làm giàu uranium tới 20% độ tinh khiết - một quá trình quan trọng trong sản xuất vũ khí hạt nhân, phá huỷ kho dự trữ hiện có và một vài động thái khác, hai quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.

Từ nhiều năm nay, các nhà lãnh đạo quốc tế luôn nghi ngờ Iran tiến hành sản xuất vũ khí hạt nhân, lo sợ về sự bất ổn có thể đẩy căng thẳng ở Trung Đông lên mức nghiêm trọng hơn nữa. Một cuộc tấn công phủ đầu Israel cũng nằm trong những nghi ngại về hạt nhân Iran, vì trong quá khứ, Iran đã từng đe doạ tấn công quân sự Israel, mà nếu một cuộc chiến như vậy xảy ra, khả răng lan thành xung đột lớn và rộng hơn là hoàn toàn có thể. Đáp lại, Iran ngoan cố phủ nhận việc tiến hành sản xuất vũ khí hạt nhân, đồng thời tuyên bố sẽ không thông qua bất kỳ kế hoạch nào yêu cầu loại bỏ chương trình hạt nhân của mình.

Tưởng chừng cuộc đối đầu giữa quốc gia Trung Đông và các thế lực phương Tây còn lâu mới đi đến hồi kết, ngoại trưởng Iran ông Zarif cho biết 2 bên đã đi đến rất gần với một thoả thuận. “Chúng tôi đang trong quá trình đàm phán hết sức nhạy cảm, và tốt hơn hết là đàm phán nên được giải quyết trên bàn đàm phán chứ không phải trên truyền hình trực tiếp”, ông tuyên bố với phóng viên Christiane Amanpour của CNN. “Nhưng tôi có thể nói với các bạn rằng chúng tôi đang chuẩn bị đề cập đến những vấn đề cấp bách nhất, và chúng tôi hy vọng rằng quan điểm của chúng tôi cũng được nhóm P5+1 (Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ và Đức) đáp ứng”. Ông Zarif cũng dự đoán rằng đàm phán sẽ đạt được thoả thuận vào tối thứ 6.

Thủ tướng Anh David Cameron cho biết thứ 6 vừa rồi rằng ông đã thảo luận nội dung đàm phán với Tổng thống Pháp Francois Hollande và họ đồng tình rằng cuộc đàm phán “đem lại cơ hội để thực sự cải thiện tình hình”.

Dù vậy, các quan chức thông báo rằng vẫn còn rất nhiều việc cần phải giải quyết trước khi đưa căng thẳng với Iran đi đến hồi kết. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết đàm phán vẫn còn “vài khoảng trống quan trọng”, lặp lại quan điểm trước đó của đối tác đàm phán người Pháp của ông, Laurent Fabius.

Hai qua chức cấp cao của Mỹ cho biết, có thể Iran sẽ đồng ý với các yêu cầu sau:

- Ngừng làm giàu nhiên liệu hạt nhân đến 20% độ tinh khiết;

- Chuyển các kho dự trữ nhiên liệu hạt nhân hiện có sang tình trạng không thể sử dụng được;

- Ngừng sử dụng máy li tâm tiên tiến IR-2, thiết bị cho phép làm giàu nhiên liệu hạt nhân nhanh hơn máy li tâm cũ gấp 5 lần;

- Không kích hoạt lò phản ứng plutonium ở Arak

Đáp lại, nhóm P5+1 sẽ đồng ý:

- Bỏ đóng băng một số tài sản Iran gửi tại ngân hàng nước ngoài;

- Xem xét dỡ bỏ cấm vận trao đổi vàng, đá quý và hoá dầu;

Một quan chức nói rằng thoả thuận vẫn chưa được thông qua, nhưng sẽ đạt được nếu người Iran chấp nhận các yêu cầu của nhóm P5+1. Trong khi đó, khi được CNN phỏng vấn về vấn đề làm giàu nhiên liệu uranium, phó ngoại trưởng Iran Araqchi từ chối trả lời. Ngoại trưởng Zarif thì tuyên bố, chương trình hạt nhân Iran sẽ tiếp tục dưới hình thức nào đó. “Sẽ không có chuyện gián đoạn toàn bộ chương trình làm giàu nhiên liệu hạt nhân, nhưng chúng tôi có thể thoả thuận trên nhiều phương diện”.

Rõ ràng thái độ của Iran vẫn khiến cho các đối tác đàm phán ngần ngại. Tuyên bố với NBC vào thứ 5 ngày 7/11, Tổng thống Obama cho biết Mỹ sẽ giữ nguyên những “biện pháp trừng phạt cốt lõi” dành cho Iran, và chỉ cấp “cứu trợ rất khiêm tốn” từ lệnh trừng phạt kinh tế. “Có như vậy thì trong trường hợp mà chúng tôi thì phải cố gắng giải quyết một vấn đề lớn hơn nữa trong 6 tháng, còn họ thì quay lưng lại với thoả thuận, từ chối tiến lên và kết thúc vấn đề bằng cách đảm bảo cho chúng tôi thấy họ không sản xuất vũ khí hạt nhân, chúng tôi có thể thu hồi mọi ân huệ”.

Đánh giá về chiến lược theo đuổi đàm phán theo từng giai đoạn, Nicholas Burns, cựu Đại sứ Mỹ tại Nato cho rằng đây “là một đối sách hợp lí của chính quyền”. Nếu nó có tác dụng, đạt được thoả thuận với Iran sẽ là điều “tuyệt vời”, Jane Harman, Giám đốc Trung tâm Woodrow Wilson và cựu thành viên của Uỷ ban Tình báo Hạ Viện cho biết. “Điều này còn vượt xa cả điều mà mọi người suy đoán”, bà tuyên bố trên chương trình “Ngày mới” của CNN vào thứ 6. “Thoả thuận này sẽ là tiền đề giải quyết các vấn đề khác của Trung Đông, như Syria chẳng hạn”. Theo bà, sự hợp tác của Iran là chìa khoá kết thúc cuộc nội chiến ở đó.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người không tham dự vào vòng đàm phán, không chia sẻ quan điểm này. Ngược lại, ông cảnh báo rằng thoả thuận nói trên sẽ là “thoả thuận thế kỷ đối với Iran”, nhưng cũng là một “thoả thuận nguy hiểm và tồi tệ đối với tiến trình hoà bình”. “Iran không bị yêu cầu phải dỡ bỏ dù chỉ là một cái máy li tâm. Còn cộng đồng quốc tế thì đang dỡ bỏ biện pháp trừng phạt Iran lần đầu tiên sau ngần ấy năm. Iran có mọi thứ mình muốn mà không phải trả cái giá nào”.

Độc lập với bàn đàm phán kể trên, Giám đốc của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế - Cơ quan giám sát nguyên tử của Liên Hợp Quốc sẽ đến Iran vào thứ 2 để gặp các lãnh đạo cấp cao của nước này. Cùng ngày, chuyên gia của cơ quan này cũng có cuộc gặp với các đối tác Iran tại Tehran. Theo như cơ quan này ước tính, Iran hiện có trữ lượng uranium đạt 20% độ tinh khiết lên tới 185 kilogram. Kể từ khi công khai chương trình hạt nhân của mình, Iran đã tiến hành làm giàu 10 tấn uranium đến 5% độ tinh khiết, mức độ sử dụng trong những nhà máy hạt nhân. Mặc dù số lượng này chưa đủ để sản xuất dù chỉ 1 đầu đạn hạt nhân nhưng cơ quan này nghi ngại rằng chương trình hạt nhân Iran có thể mang mục đích quân sự, trái với tuyên bố theo đuổi mục đích hoà bình của chính quyền nước này.

Đã hơn 1 thập kỷ kể từ lần đầu tiên Liên Hợp Quốc ra lệnh trừng phạt đối với chương trình hạt nhân Iran đến nay, mối quan hệ giữa Iran và quốc tế đang được cải thiện đáng kể, dường như phần nào nhờ vào chính sách của tổng thống mới đắc cử Hassan Rouhani. Tuy nhiên, chính 2 phe đối tác cũng đang bước những bước dè dặt để từ bỏ quyền lợi và mục đích riêng của mình nhằm tiến tới thoả thuận. Điều này là cần thiết đối với cả 2 khi mà nền kinh tế Iran bị các lệnh trừng phạt làm cho trì trệ còn các nước phương Tây thì đang “lầy lội” trong tình hình căng thẳng tại Trung Đông.

Sự khác biệt trong chính sách cai trị và đối ngoại của các quốc gia Trung Đông chưa bao giờ “dễ chịu” đối với các nước phương Tây. Có vẻ như sự cứng rắn không có tác dụng, hoặc đạt hiệu quả không đáng kể, và đã đến lúc thay đổi “lối chơi” nếu các nước phương Tây vẫn muốn ở thế làm chủ. Một sự thay đổi cần thiết nhưng có quá mạo hiểm và liệu có đảm bảo phần thắng? Ngay đến “anh cả” Obama cũng còn phải dè dặt, không dám đặt cược nhiều vào niềm hy vọng mới từ Trung Đông!

Hải Triều (Mail từ Paris)

Hy vọng về một hiệp ước hạt nhân ở Iran
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO