"i óc i ưởi"

25/04/2015 08:53

(Baonghean) - Cụm từ "I óc i ưởi" là từ địa phương thường được hiểu theo nghĩa "làm mình làm mẩy". Là ai đó (còn bé, cũng có thể là lớn chứ chẳng chơi), không được người lớn đồng ý theo nguyện vọng của mình, bèn mè nheo "đòi quyền lợi". Mà quyền lợi đấy nhiều khi rất không nên được đồng ý. Bài viết "Ra đường sợ nhất..." của tác giả Hải Triều, số Cuối tuần 19/4 nói về việc này rất đáng suy ngẫm.

Vấn đề ở đây cũng không hẳn ở cụm từ nhỏ của cô bé học trò kia nữa, mà nó lại đã mang một ý nghĩa khác: Sự an toàn của con cháu các vị phụ huynh và mối quan tâm của xã hội. Tác giả Hải Triều dùng cụm từ "Ra đường sợ nhất...". Đó là tiêu đề chuẩn xác. Nhưng người bình luận muốn dùng chính cụm từ sau của tác giả để lột tả bản chất câu chuyện này. Như đã nói ở trên, "I óc i ưởi" là thói mè nheo của các bạn nhỏ tuổi, nhưng nhiều khi (và cơ bản là đúng), việc này lại không được thừa nhận trong cộng đồng và những quy chuẩn hoặc như theo pháp luật quy định. Cô cháu gái nhà ấy, từ cấp 1 đến cấp 2, đã ngoan ngoãn cùng "Xe đạp ơi" tới lớp.

Tuy nhiên, lên cấp 3, cô ấy đề nghị "Hội đồng gia tộc" mua xe đạp điện. Vấn đề bắt đầu nảy sinh từ đây. Tác giả Hải Triều viết "Xe đạp điện tất nhiên đắt hơn xe đạp, nhưng thời gian tiết kiệm được nhờ đi xe đạp điện lớn hơn nhiều. Có xe đạp điện, con có thể tự đi học mà không phải phiền đến mọi người đưa đón. Bố có thể yên tâm đánh cầu lông thay vì chiều tan làm chạy đi đón con... ", bởi bên cạnh đấy còn những lợi ích của xe đạp điện nữa. Rõ ràng, như bà mẹ của cô bé đã nhắc nhở, thí dụ "Xe đạp điện không phải rẻ, ngày nay trộm cướp nhan nhản, rất nguy hiểm. Đi xe đạp chúng nó còn không tha, huống hồ xe đạp điện".

Nhưng đó vẫn chưa phải là nguyên nhân thực sự đáng lo, mà cơ bản là như tác giả đã lên tiếng "Em lại nghĩ đến những vấn đề này cơ: Xe đạp điện có thể đi với tốc độ lên đến 40km/h, có nghĩa là ngang với tốc độ khá cao mà người điều khiển xe máy có thể đi trong thành phố. Mà như vậy thì có khác gì cho con bé chạy xe máy đâu? Thứ hai, trước giờ em thấy tụi nhỏ đi xe đạp điện mà không đội mũ bảo hiểm". Về việc này, phải rõ ràng rằng, đi xe đạp điện hiện tại (đối với lứa tuổi của cô bé "ỉ eo") đang rất nguy hiểm. Bởi vì, trong tuổi này, các em (hoặc các cháu) chưa rõ ràng định hình tính cách, nhiều lúc còn đi theo cảm xúc nhất thời.

Trong những bài viết mới đây, Báo Nghệ An đã nêu vấn đề "Xe đạp điện với những thuận tiện như đã nêu, đồng nghĩa với việc dễ dàng “lách” khỏi tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Ngoài ra, với tốc độ khá cao, vận hành không phát ra âm thanh, chuyển hướng đột ngột thì xe đạp điện hoàn toàn là loại phương tiện có thể gây tai nạn nặng nề...".

Bên cạnh đó, cũng như bài viết đã đề cập, xe đạp điện lại không có gương chiếu hậu, ý thức quan sát bên cạnh hoặc xung quanh, nhiều khi ở lứa tuổi này các cháu lại chưa hình thành hoặc không để ý. Việc để ý cảnh báo đối với xe đạp điện đã được Ban ATGT Nghệ An tiếp tục phối hợp với Sở GD &ĐT chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh lập danh sách học sinh sử dụng xe đạp điện tới trường nhằm quản lý chặt chẽ việc sử dụng phương tiện này. Vấn đề còn lại, như tác giả viết rằng "Xe đạp điện rất tốt, chỉ có ý thức tụi nhỏ và trách nhiệm giáo dục của xã hội chưa tốt, thật là đáng tiếc, thật là đáng sợ!".

Cơ bản như tác giả đã nói, phương tiện nào cũng để phục vụ lại chính con người. Tuy nhiên, nếu như không có ý thức hoặc chưa nắm rõ sự ảnh hưởng (có thể nguy hại) đối với cộng đồng thì sự "ỉ eo" của cô bé học trò đã nói ở trên là rất đáng cảnh báo và cần được đưa vào khuôn phép quản lý khi còn chưa có nhiều chuyện đáng tiếc xẩy ra.

Người xây dựng

TIN LIÊN QUAN

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
"i óc i ưởi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO