Iran đối mặt với 'khủng hoảng kép'

Lâm Vy 14/01/2020 07:23

(Baonghean) - Trái ngược với hình ảnh biển người thể hiện tình đoàn kết sau vụ tướng Soleimani bị Mỹ tấn công, cuộc biểu tình liên tục trong 2 ngày cuối tuần vừa rồi ở Iran thể hiện sự giận dữ và mang thông điệp “phản đối chính phủ”. Dù quy mô cuộc biểu tình này nhỏ hơn nhiều so với sự kiện hồi cuối tháng 12/2019 nhưng theo giới quan sát, nó hoàn toàn có thể bùng phát thành cuộc khủng hoảng lớn, nhất là khi có sự kích động từ bên ngoài.

“SÓNG NGẦM” TRONG NƯỚC

3 ngày sau khi một máy bay của Ukraine bị rơi trên lãnh thổ Iran, sáng thứ Bảy (11/1) giờ địa phương, Iran đã thừa nhận “vô tình” bắn hạ máy bay Ukraine, khiến toàn bộ 176 người thiệt mạng.

Trong số 176 người thiệt mạng trong vụ tai nạn, hầu hết là người Iran và Canada. Đây là sự thừa nhận bất ngờ của Chính phủ Iran, khi mà chỉ vài giờ trước đó họ vẫn bác bỏ giả thuyết việc nước này đã bắn nhầm chiếc máy bay của Ukraine là một “cuộc chiến tâm lý”.

Hiện trường vụ máy bay Ukraine bị Iran “bắn nhầm” hôm 8/1. Ảnh: AFP

Theo các nhà phân tích, những bằng chứng thu thập được sau vụ tai nạn máy bay đã khiến Iran không thể tiếp tục phủ nhận trách nhiệm. Lên tiếng thừa nhận sẽ giúp Iran không bị cô lập thêm nữa và tránh một cuộc điều tra khiến Iran trở thành một quốc gia “không có trách nhiệm”.

Tuy nhiên, hành động này của Iran dường như chưa đủ để xoa dịu một bộ phận dân chúng. Một buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân trong chuyến bay xấu số đã nhanh chóng biến thành một buổi biểu tình đầy giận dữ ở Tehran và lan ra nhiều địa phương lân cận.

Người biểu tình chỉ trích quân đội và Chính phủ Iran không đưa ra lệnh cấm bay trong hoàn cảnh căng thẳng leo thang liên tục với Mỹ, đồng thời chậm trễ trong việc “thú nhận”.

Làn sóng biểu tình mới nhất này bao gồm sinh viên và người Iran thuộc tầng lớp trung lưu, trái ngược với những người biểu tình phần lớn thuộc tầng lớp lao động đã xuống đường hồi cuối năm 2019.

Một buổi cầu nguyện của người dân Tehran cho các nạn nhân của vụ rơi máy bay. Ảnh: NYT
Một buổi cầu nguyện của người dân Tehran cho các nạn nhân của vụ rơi máy bay. Ảnh: NYT

So với cuộc biểu tình vì quyết định tăng giá bán xăng dầu hồi cuối năm ngoái, cuộc biểu tình này nhỏ hơn nhiều, chỉ vài nghìn người. Tuy nhiên, xét về tính chất và bối cảnh, cuộc tuần hành lần này thậm chí còn đáng ngại hơn.

Thứ nhất, đa số người tham gia biểu tình là sinh viên các trường đại học - những người bày tỏ sự phẫn nộ và niềm tiếc thương cho các nạn nhân của vụ máy bay bị bắn rơi, bởi nhiều người trong số họ là sinh viên.

Nhiều nhà quan sát khu vực cho rằng, đây là một dấu hiệu đáng ngại đối với chính quyền Iran vì sinh viên vốn có vai trò lịch sử trong việc làm thay đổi chế độ ở quốc gia Hồi giáo này.

Thứ hai, hiếm khi có một cuộc biểu tình mà người dân Iran “trút giận” lên Lãnh tụ tối cao - người được coi là “sứ giả” của Thánh Ala. Lần này sự giận dữ đã gọi tên lãnh tụ tinh thần tối cao Ayatollah Ali Khamenei và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo.

Người biểu tình mang theo biểu ngữ yêu cầu ông Khamenei và nhiều quan chức trong chính phủ từ chức. Rõ ràng đây là một hành động bất thường tại quốc gia Hồi giáo, hoàn toàn trái ngược với hình ảnh hàng triệu người Iran đổ xuống đường khóc thương cho tướng Soleimani chỉ vài ngày trước đó.

Hàng nghìn người biểu tình phản đối chính phủ bên ngoài Đại học Amirkabir ở Tehran, Iran hôm 11/1. Ảnh: Anadolu

Một số nhà quan sát cho rằng, tâm lý chán nản, bất mãn vốn vẫn âm ỉ trong xã hội Iran kể từ khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt khiến kinh tế nước này suy giảm nghiêm trọng.

Thêm vào đó, cuộc đối đầu với Mỹ leo thang, mà đỉnh điểm là vụ Iran bắn rơi máy bay của Ukraine, trong đó phần lớn là công dân trong nước... dẫn đến những kích động trong xã hội. Thêm một yếu tố không thể bỏ qua là sự kích động từ bên ngoài, lợi dụng những bất ổn trong lòng xã hội Iran để khơi thêm căng thẳng càng khiến tình hình trở nên phức tạp.

“LỬA” TỪ BÊN NGOÀI

Cho đến nay, có vẻ như chính quyền Iran đã kiểm soát được cuộc biểu tình bắt đầu từ ngày 11/1. Tuy nhiên, không ai dám chắc những “đốm lửa” nhỏ ấy có bị khơi bùng thành ngọn lửa lớn hay không bởi những sự việc vừa rồi cho thấy Chính phủ Iran phải đối mặt với sức ép “nội công, ngoại kích”.

Tổng thống D.Trump viết trên Twiter ủng hộ người biểu tình Iran - nội dung được đăng tải lại bằng tiếng Farsi, ngôn ngữ người Iran sử dụng. Ảnh: Twiter

Ngay sau khi biểu tình xảy ra ở Tehran, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ theo dõi sát sao các cuộc biểu tình và “được truyền cảm hứng” nhờ sự dũng cảm của người dân Iran vì đòi Đại giáo chủ Ali Khamenei từ chức.

Ông Trump viết trên Twitter: “Gửi đến những người dân khổ sở và quả cảm của Iran: Tôi đứng về phía các bạn kể từ khởi điểm nhiệm kỳ tổng thống của mình. Chính phủ của tôi sẽ tiếp tục đứng về phía các bạn”. Nội dung này đã được đăng tải lại bằng tiếng Farsi, ngôn ngữ người Iran sử dụng.

“Không thể xảy ra việc tàn sát người biểu tình ôn hòa cũng như cắt đứt Internet. Cả thế giới đang theo dõi”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh trên Twitter

Cuộc biểu tình hồi tháng 12/2019 đã biến thành hỗn loạn khi những phần tử quá khích đã đốt các trụ sở ngân hàng. Iran đã buộc phải ngắt mạng toàn quốc để ngăn người biểu tình với các thành phần kích động truyền thông tin cho nhau.

Iran được cho là quốc gia đầu tiên trên thế giới cắt mạng toàn quốc để ngăn chặn các thế lực kích động truyền tin giả và làm leo thang xung đột. Chưa rõ, Iran sẽ tiếp tục sử dụng chiến thuật này trong cuộc biểu tình lần này hay không.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin trong họp báo ở Washington DC công bố biện pháp trừng phạt Iran. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin trong họp báo ở Washington DC công bố biện pháp trừng phạt Iran. Ảnh: AP

Không rõ chính quyền Mỹ sẽ “đứng về phía người biểu tình Iran” theo cách nào khi mà cách đây vài ngày, sau vụ Iran tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq, chính quyền Tổng thống Trump đã công bố một loạt lệnh trừng phạt mới nhằm vào một số lĩnh vực kinh tế của Iran như thép, may mặc và một loạt các lĩnh vực khác.

Các nhà quan sát tin rằng, chiến lược “gây sức ép tối đa” mà Washington đang thực hiện sẽ gây áp lực kinh tế cho Tehran, tác động trực tiếp và ngay lập tức đến người dân Iran, từ đó tạo ra những “vết nứt” trong lòng xã hội, dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối chính phủ và xa hơn là những cuộc lật đổ.

Tất cả những điều này khiến Iran đối mặt với một cuộc khủng hoảng kép, nghiêm trọng nhất kể từ năm 1979: vừa đối đầu với Mỹ, vừa đối mặt với sóng ngầm ngay ở trong nước.

Bối cảnh như vậy đòi hỏi Tehran cần phải hành động gấp rút để chứng tỏ chính phủ đang lắng nghe người dân, kiểm soát các cuộc biểu tình và tránh rơi vào những “cái bẫy” từ bên ngoài.

Nền kinh tế Iran vẫn mắc kẹt trong vòng kìm kẹp của Mỹ. Ảnh: BBC

Mới nhất

x
Iran đối mặt với 'khủng hoảng kép'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO