Israel - Thổ Nhĩ Kỳ: Gương vỡ lại lành?

28/06/2016 06:32

(Baonghean) - Thổ Nhĩ Kỳ và Israel vừa công bố thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước, chấm dứt tình trạng căng thẳng ngoại giao suốt 6 năm qua.

Dù vậy, theo giới phân tích, việc Thổ Nhĩ Kỳ và Israel xích lại gần nhau ở thời điểm này là do tình thế, khi 2 nước đều được coi là “cô độc nhất ở khu vực Trung Đông”. Thiếu đi yếu tố thiện chí, quan hệ Israel - Thổ Nhĩ Kỳ dù được hàn gắn cũng không thể lành lặn như xưa.

Dù còn bất đồng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Israel  Benjamin Netanyahu sẽ bắt tay hòa giải. Ảnh: Reuters.
Dù còn bất đồng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ bắt tay hòa giải. Ảnh: Reuters.

Đồng minh trở mặt

Israel và Thổ Nhĩ Kỳ từng là đồng minh hết sức thân thiết ở khu vực Trung Đông. Thế nhưng, mọi chuyện thay đổi 180 độ vào ngày 30/5/2010 khi hải quân Israel đột kích đội tàu cứu trợ được sự ủng hộ của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang trên đường tới dải Gaza. 9 công dân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong vụ đột kích này.

Ngay lập tức, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố một loạt biện pháp cứng rắn như trục xuất Đại sứ Israel, hạ cấp quan hệ ngoại giao, đình chỉ các thỏa thuận quân sự song phương, đồng thời yêu cầu Tòa án Công lý quốc tế đánh giá lại hành động Israel phong tỏa dải Gaza. Để “trả đũa” Israel, Thổ Nhĩ Kỳ còn tăng cường ủng hộ nhà nước của người Palestine tại Liên hợp quốc.

Tất nhiên, không phải Thổ Nhĩ Kỳ không để ngỏ cánh cửa nào để Israel “chuộc lỗi”. Thổ Nhĩ Kỳ từng đưa ra 3 điều kiện để bình thường hóa quan hệ với Israel, đó là Israel phải chính thức xin lỗi về vụ việc, bồi thường cho gia đình của 9 nạn nhân và hủy bỏ phong tỏa dải Gaza.

Thế nhưng, Israel cũng chẳng phải là một đối thủ dễ chịu khi kiên quyết không xin lỗi và cho rằng Israel chỉ “phòng vệ chính đáng”, đồng thời khẳng định “Israel sẽ không bao giờ cúi đầu”.

Sự đổ vỡ quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ khiến Mỹ “lo sốt vó”, bởi cả Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đều là những đồng minh hết sức quan trọng của Mỹ tại khu vực Trung Đông.

Mối quan hệ “ông chằng bà chuộc” giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ khiến cho những tính toán chiến lược của Mỹ tại Trung Đông bị ảnh hưởng. Nhất là khi Mỹ không thể đưa ra lời giải nào cho bài toán của ông Erdogan trong giai đoạn căng thẳng nhất giữa 2 nước, đó là phải lựa chọn hoặc Ankara hoặc Tel Aviv.

Bởi vậy, trong suốt 6 năm qua, Mỹ đã phải “chạy như con thoi” để tìm giải pháp cho cuộc đối đầu giữa 2 đồng minh, trong đó có cả gây áp lực đối với phía Israel - quốc gia không thể rời khỏi sự bảo trợ của Mỹ trong khu vực.

Những nỗ lực của Mỹ đã có kết quả bước đầu vào năm 2013 khi Israel đồng ý xin lỗi Thổ Nhĩ Kỳ và bồi thường cho các nạn nhân. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là Israel không chấp nhận yêu cầu thứ 3 của Thổ Nhĩ Kỳ là dỡ bỏ lệnh phong tỏa dải Gaza, khiến cho quá trình bình thường hóa quan hệ giữa 2 bên vẫn trong thế bế tắc trong suốt 3 năm qua.

Cờ Thổ Nhĩ Kỳ tung bay tại Tel Aviv. Ảnh: Reuters.
Cờ Thổ Nhĩ Kỳ tung bay tại Tel Aviv. Ảnh: Reuters.

Cuộc hội ngộ của “2 kẻ cô đơn”

Với sự khuyến khích của Mỹ, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã tìm ra giải pháp để vượt qua bất đồng, đó là lệnh phong tỏa của Israel không cần phải dỡ bỏ, nhưng các công ty và các tổ chức cứu trợ của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được tiếp cận dải Gaza.

Đáp lại, theo yêu cầu của Israel, Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải đóng cửa hoạt động các trung tâm chỉ huy quân sự của phong trào Hamas trên lãnh thổ nước này. Sau khi đạt được thỏa thuận về những điểm mấu chốt này, quan chức ngoại giao 2 nước sẽ gặp nhau một lần nữa vào tháng 7 để ký thỏa thuận chính thức, cho phép đại diện ngoại giao ở cấp đại sứ và khôi phục quan hệ hoàn toàn.

Thực ra, việc tìm ra giải pháp cho những bất đồng không phải là yếu tố duy nhất khiến 2 bên quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Theo giới phân tích, những diễn biến hiện nay trong khu vực là tác nhân hết sức quan trọng để cả Israel và Thổ Nhĩ Kỳ phải chấp nhận hạ nhiệt căng thẳng.

Xuất phát từ chính sách của Israel đối với Iran và chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Syria, cả 2 nước hiện đều bị coi là những “quốc gia cô lập nhất” ở Trung Đông với hàng loạt mối quan hệ song phương sứt mẻ.

Ngoài ra, mối lo về một Iran đang trỗi dậy trong khu vực cũng đưa 2 bên xích lại gần nhau hơn. Ông Cengiz Aktar, Giáo sư Đại học Suleyman Sah của Thổ Nhĩ Kỳ từng nhận định rằng thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ là ví dụ điển hình của sự hội tụ lợi ích.

Bản thân Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan cũng đã tuyên bố: “Bất kể thích hay không thích, chúng ta phải có được thỏa thuận này”.

Bối cảnh khu vực cộng với vai trò trung gian của Mỹ có thể giúp thỏa thuận bình thường hóa giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel được triển khai trên thực tế, với sự xuất hiện của Đại sứ mỗi nước tại nước bên kia sau 6 năm vắng bóng.

Dù vậy, dư luận quốc tế vẫn cho rằng giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn tồn tại những bất đồng sâu sắc về mặt chính trị khi cả 2 đều theo đuổi những tham vọng của riêng mình về vị thế trong khu vực.

Bởi vậy, sự ngờ vực giữa hai bên có thể gây phương hại cho những nỗ lực hòa giải, và quan hệ Israel - Thổ Nhĩ Kỳ dù có được hàn gắn cũng khó có thể quay trở lại như thời điểm 6 năm trước đây.

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Israel - Thổ Nhĩ Kỳ: Gương vỡ lại lành?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO