(Baonghean) - Khi còn được xem là người thừa kế đương nhiên của cha mình, Saif al-Islam Gaddafi đã có cuộc sống vương giả, nuôi hổ làm thú cưng và diễn thuyết trước những diễn đàn lớn. Giờ đây, một tòa án tại Libya đã tuyên án tử con trai nhà độc tài từng lãnh đạo nước này. Phải chăng đây thực sự là hồi kết của người từng muốn trở thành nhà cải cách?
Khi tòa tuyên án, Saif al-Islam không có mặt tại phiên xử. Người đàn ông từng nghĩ rằng sẽ lên nắm quyền cai trị Libya hiện đang bị giam giữ tại thành phố Zintan, cách Tripoli hơn 160 km về phía Tây, là tù binh của lực lượng dân quân phủ nhận thẩm quyền của những người kiểm soát thủ đô. Số phận con trai thứ của Đại tá Muammar Gaddafi tượng trưng cho cuộc cách mạng năm 2011 kêu gọi công lý và tự do, nhưng đã kết thúc trong hận thù và bạo lực.
 |
Saif al-Islam Gaddafi ở trong tù, ảnh cắt từ một đoạn băng được đăng tải hồi tháng 6/2014. Ảnh: Xinhua |
Saif al-Islam đã “tiên đoán” trong một chương trình truyền hình khi cuộc nổi dậy chống chế độ Gaddafi có tiến triển hồi tháng 2/2011: “Sẽ xảy ra nội chiến tại Libya… chúng ta sẽ tàn sát lẫn nhau. Toàn bộ Libya sẽ bị phá hủy. Chúng ta sẽ cần tới 40 năm để đạt được thỏa thuận về cách lãnh đạo đất nước, bởi hiện nay, ai cũng muốn trở thành tổng thống, hoặc tiểu vương, và ai cũng muốn lãnh đạo đất nước này” - Saif al-Islam vừa nói vừa chỉ tay đe dọa.
Chính hành động chỉ tay này đã khiến người Libya nổi giận, như thể họ là những đứa trẻ ngỗ nghịch còn anh ta là lớp trưởng quyền uy vậy. Kịch bản khác mà Saif al-Islam đưa ra là anh ta kế nhiệm thời gian cai trị 42 năm của Gaddafi cha và đề ra cải cách. Thế nhưng, khoảng 3 năm rưỡi sau, câu nói của Saif dường như là lời tiên tri. Giọng điệu Saif có thể ngạo mạn, nhưng anh ta đã hiểu rõ khả năng cuộc cách mạng sẽ hủy hoại Libya. Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã chiếm thành phố quê hương của Gaddafi là Sirte và sát hại nhiều tín đồ Cơ đốc giáo. Những tên khủng bố giết hại du khách trên bãi biển Sousse và tại bảo tàng Bardo ở Tunis được tin là đã trải qua huấn luyện ở Libya. Các tổ chức thánh chiến khác đang hoạt động trong các thị trấn Derna và Benghazi ở phía Đông. Tại biên giới, không hề có bóng dáng cảnh sát để ngăn chặn cảnh hàng nghìn người di cư từ châu Phi băng qua sa mạc và đi thuyền tới châu Âu xuất phát từ bờ biển Libya. Các bộ lạc đấu đá nhau ở miền Nam. Dân quân địa phương kiểm soát nhiều thị trấn, nạn bắt cóc và buôn lậu hoành hành. Tháng 9/2014, chính phủ đắc cử buộc phải chạy trốn khỏi nơi giành giật quyền lực với các thành viên thuộc phe đối lập, nhiều người trong số đó là các thành viên của nhóm Anh em Hồi giáo nắm giữ ảnh hưởng tại Tripoli. Tiến trình hòa bình của Liên hợp quốc, nhằm thiết lập chính phủ thống nhất dân tộc và tổ chức các cuộc bầu cử mới, đã không có được sự ủng hộ của các nhân vật quyền lực chủ chốt, đặc biệt là tại thủ đô.
Nỗi thất vọng đối với cuộc cách mạng lớn đến mức trong vài ngày qua các nhóm nhỏ người dân Libya đã diễu hành tại một số thành phố, bao gồm cả Benghazi, giương cao những bức ảnh chụp Saif và hô vang: “Zintan, Zintan, hãy trả tự do cho Saif al-Islam”. Lần đầu tiên kể từ khi diễn ra cuộc cách mạng ở nước này lại có các cuộc biểu tình ủng hộ chế độ Gaddafi. Dù vậy, các thẩm phán tại Tripoli vẫn tiếp tục phiên tòa xử các cựu quan chức của chế độ này. Tuần trước, 4 trong số những người bị khép tội đã được tha bổng, 22 người bị tuyên án tù và 9 người, bao gồm cả Saif bị tuyên án tử vì những tội danh vụ lợi, tiến hành các vụ tấn công nhắm vào các mục tiêu dân thường, bắn vào các cuộc biểu tình, xúi giục giết người và cưỡng hiếp. Lực lượng dân quân Zintan đã từ chối giao nộp Saif cho bồi thẩm đoàn tại Tripoli, bề ngoài là do phiên tòa thiếu công bằng nhưng thực tế lại vì anh ta là món hàng mặc cả quan trọng nếu có thể đạt được thỏa thuận giữa các phe phái đối địch ở Libya. Dù vì lý do gì, tính mạng của Saif tạm thời chưa bị đe dọa.
Đầu tuần, một đoạn băng đã xuất hiện trình chiếu cảnh em trai Saif là Saadi, người bị cáo buộc nhiều tội danh trong đó có tội sát hại một cầu thủ bóng đá khi còn là người đứng đầu liên đoàn bóng đá Libya, đang bị đánh đập tại nhà tù Al Hadba ở Tripoli, nơi giam giữ các bị đơn khác. Người ta có thể nghe rõ tiếng la hét của các tù nhân; Saadi muốn lên tiếng nhưng lại bị đánh đập dã man hơn. John Jones QC, luật sư của Saif trong phiên xét xử riêng tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở The Hague nói: “May cho Saif là anh ta đang ở Zintan, chứ không phải Tripoli. Ở đó anh ta sẽ được an toàn hơn”.
Trước tháng 11/2011, khi bị bắt trên đường tìm cách trốn khỏi Libya, Saif al-Islam đã có thời gian dài hưởng thụ cuộc sống. Giấc mộng kế tục triều đại đã tan vỡ khi cha của anh ta là Đại tá Muammar Gaddafi bị lật đổ vào tháng 8 năm đó và bị tra tấn tới tấp suốt 2 tháng sau. Gaddafi cha, còn được gọi là “Người dẫn đường” hay “Nhà lãnh đạo anh em”, đã tập trung quyền lực trong tay mình và các con trai. Trong nước, ông ta đục khoét và ban bố những quy định lạ lùng được bảo đảm thực thi bằng bạo lực; trên trường quốc tế, ông ta tự nhận mình là anh hùng chống chủ nghĩa thực dân, vũ trang cho các lực lượng nổi loạn khủng bố từ IRA đến các phe phái Palestine.
Trong những năm 2000, Saif đã trở thành hiện thân cho những hy vọng của những người ngoại quốc tin rằng Trung Đông có thể dần thoát khỏi chế độ độc tài thông qua quá trình cải cách chứ không cần cách mạng. Nhưng anh ta đã không bao giờ có thể vượt qua mâu thuẫn cố hữu: anh ta có quyền thách thức cả hệ thống này bởi là con trai của Gaddafi, nhưng chính di sản được thừa kế lại trao cho anh ta ý thức to lớn về quyền hạn mà đã kích động sự oán giận trong cộng đồng người Libya.
Saif al-Islam từng cho mình là một nhà đàm phán, thành công làm trung gian giải cứu các con tin phương Tây bị tổ chức Abu Sayyaf giam giữ ở Phillipines. 5 y tá Bulgaria và 1 bác sỹ Palestine, bị đổ tội làm lây nhiễm HIV cho trẻ em, hẳn đã bị tống giam ở Benghazi nếu không có sự can thiệp của Saif. Quyết tâm đưa Libya thoát khỏi tình cảnh bần cùng, anh ta cũng đã dẫn dắt các cuộc đàm phán về việc từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt. Các lệnh trừng phạt dần được gỡ bỏ và Thủ tướng Anh khi đó là Tony Blair đã tới thăm Libya. Khi Saif gây dựng hình ảnh mũi nhọn đem lại thay đổi ở Lybia, anh ta đã mời các nhà tư tưởng có tiếng như Francis Fukuyama, Joseph Nye và Bernard Lewis tới diễn thuyết ở Tripoli. Đổi lại, anh ta cũng đã được mời tới các buổi gặp gỡ của giới giàu sang và có tầm ảnh hưởng. Saif đã diễn thuyết trước Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sỹ, gặp Hoàng tử Andrew và được mời tới các bữa tiệc có sự tham dự của ông trùm kinh doanh của Nga Oleg Deripaska và phụ tá thân thiết của Tony Blair là Peter Mandelson.
Đối với người ngoài, Saif là người đương nhiên thừa kế Gaddafi cha, và bất cứ ai muốn làm ăn tại Libya đều phải thông qua anh ta. Tuy nhiên, trong nước, anh ta đã can dự vào trận đấu đá ác liệt với người em trai tên là Mutassim. Khi cuộc cách mạng nổ ra năm 2011, Đại tá Gaddafi đã gạt bỏ nhiều sáng kiến cải cách của Saif, Libya trở thành một quốc gia mafia trong đó 6 anh em tranh giành tiền bạc và quyền lực. Một nguồn thân cận với Saif thời điểm đó cho hay: “Saif đã nghĩ có thể khiến mọi người điềm tĩnh lại, nhưng cuối cùng anh ta dường như là người cực đoan nhất. Cuộc xung đột diễn ra ngay trong chính gia đình, đó là lý do anh ta rất giận dữ”. Saif tin rằng những người bạn nước ngoài sẽ bảo vệ mình, nhưng người Anh và Pháp đã lãnh đạo ném bom vào các lực lượng chính phủ Libya và giúp cuộc cách mạng thành công. Saif từng cho rằng bản thân là một chủ thể trên sàn quốc tế, một người đem lại sự thay đổi, nhưng đến cuối cùng anh ta chỉ là con trai của một kẻ độc tài đã hết thời.
Hồi mới bị bắt, Saif thường xuất hiện trong những đoạn băng, mặc áo tù nhân, nhưng sau tháng 6/2014, khi chính quyền hiện nay chiếm Tripoli, những người kiểm soát Zintan ngừng hợp tác, và kể từ đó người ta không nhìn thấy Saif xuất hiện nữa. Người ngoài cuộc cuối cùng gặp Saif al-Islam Gaddafi là Melinda Taylor, luật sư biện hộ đại diện cho anh ta trước ICC, người đã tới thăm anh ta hồi năm 2012. Cô cho biết: “Anh ta bị giam tại một cơ sở bí mật và được mang tới gặp chúng tôi ở nơi khác”. Jilani Dahesh, thuộc Hội đồng Quân sự Zintan đang giam giữ Saif, nói rằng anh ta “trong tình trạng sức khỏe tốt”, nhưng các luật sư vẫn nghi ngờ. Taylor nói: “Bị giam giữ riêng trong 4 năm sẽ có ảnh hưởng đáng kể tới bất cứ người tù nào”. Cô và John Jones QC đại diện cho Saif trong một vụ kiện tại ICC, trong đó anh ta bị cáo buộc các tội danh chống nhân loại, bao gồm giết người, khi chế độ Gaddafi nỗ lực trấn áp cuộc nổi loạn năm 2011. Fatou Bensouda, công tố viên của ICC đã yêu cầu các cơ quan chức năng không đưa ra bản án nào và thay vào đó hãy giao anh ta cho ICC. Saif cũng khó có khả năng bị xử bắn bởi dân quân Zintan sẽ không chịu trao anh ta cho chính quyền tại Tripoli, và dĩ nhiên họ cũng không giao Saif cho một tòa án nước ngoài.
Một bức ảnh chụp không lâu sau khi Saif al-Islam bị bắt giữ cho thấy bàn tay phải của anh ta đang bị băng bó, những kẻ bắt giữ anh ta đã cắt chính những ngón tay mà trước đó anh ta từng dùng chỉ trỏ trước máy quay. Người con trai thứ của Muammar Gaddafi rốt cuộc đã trở thành nạn nhân của không chỉ cuộc cách mạng thất bại mà còn của chính thói ngạo mạn của bản thân, và những việc làm của người cha độc tài.
Thu Giang
(Theo Guardian)