Kế hoạch tổng kết 10 năm Luật Phòng, chống tham nhũng

10/09/2015 21:38

(Baonghean.vn) - UBND tỉnh có công văn số 539/UBND-KH ngày 3/9/2015 về kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Nội dung công văn như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) nhằm đánh giá tình hình thực hiện Luật PCTN, thực trạng tham nhũng và hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trên phạm vi cả nước kể từ khi có Luật PCTN năm 2005 đến nay; làm rõ những kết quả đạt được, ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, khó khăn và nguyên nhân; rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó kiến nghị các biện pháp, giải pháp làm cơ sở cho việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về PCTN, trọng tâm là việc sửa đổi toàn diện Luật PCTN; tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện các giải pháp PCTN, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong công tác PCTN giai đoạn tiếp theo.

Việc tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN phải bảo đảm toàn diện và sâu sắc; trên cơ sở đánh giá cụ thể kết quả thực hiện các quy định Luật PCTN; bám sát các nhiệm vụ, giải pháp PCTN tại Nghị quyết Trung ương 3, khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; gắn với đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược Quốc gia về PCTN đến năm 2020, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5, Khóa XI.

Tổ chức tổng kết phải được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, tiết kiệm; phát huy dân chủ, tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của các sở, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan, dựa trên kết quả tự đánh giá của cấp trên đối với cấp dưới.

II. NỘI DUNG TỔNG KẾT

1.Việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, Chiến lược Quốc gia PCTN đến năm 2020, Chương trình hành động của Chính phủ về PCTN, Công ước liên hợp quốc về chống tham nhũng.

2.Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về PCTN.

3.Mô hình tổ chức các cơ quan phòng, chống tham nhũng và sự phối hợp công tác giữa các cơ quan PCTN.

4.Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

5.Việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.

6.Công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

7.Hoạt động giám sát công tác PCTN.

8.Vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội trong PCTN.

9.Đánh giá tình hình tham nhũng và nguyên nhân; những khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong việc thực hiện Luật PCTN; nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, kiến nghị, đề xuất giải pháp.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1.Thanh tra tỉnh hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng và gửi báo cáo tổng kết theo đề cương hướng dẫn của Thanh tra chính phủ; đồng thời tổng hợp kết quả, dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN trên phạm vi toàn tỉnh.

2.Các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để tiến hành tổng kết và báo cáo tổng kết theo hướng dẫn của Thanh tra tỉnh.

Ngoài thực hiện những nội dung trên, một số sở, ngành, cơ quan liên quan sau đây có trách nhiệm bổ sung vào báo cáo đánh giá toàn diện một số nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của sở, ngành mình, cụ thể gồm:

a)Sở Tư pháp chủ trì xây dựng 01 báo cáo chuyên đề về:

-Đánh giá công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN trong toàn tỉnh.

-Định hướng hoàn thiện chính sách hình sự trong xử lý tham nhũng.

b)Công an tỉnh chủ trì xây dựng 01 báo cáo chuyên đề về:

-Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với tội phạm tham nhũng;

-Phát hiện, xử lý tham nhũng trong công tác điều tra.

c)Sở Nội vụ chủ trì xây dựng 01 báo cáo chuyên đề về:

-Công tác cải cách hành chính góp phần phòng ngừa tham nhũng.

-Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng gồm: xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển đổi vị trí công tác khi có dấu hiệu tham nhũng.

d)Sở Tài chính chủ trì xây dựng 01 báo cáo chuyên đề về xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn về tài chính và quản lý, sử dụng tài sản công (gắn với kết quả thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí).

đ) Kho bạc Nhà nước tỉnh chủ trì xây dựng 01 báo cáo chuyên đề về trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước và thực hiện đề án hạn chế sử dụng tiền mặt.

e)Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng 01 báo cáo chuyên đề về công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước về các lĩnh vực đất đai; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường.

g) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng 01 báo cáo chuyên đề về công khai, minh bạch trong thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động đấu thầu sử dụng ngân sách nhà nước.

3.Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các cơ quan liên quan chủ trì tổng kết, đánh giá, cung cấp thông tin về một số nội dung sau:

a) Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì xây dựng 01 báo cáo chuyên đề với nội dung:

-Mô hình cơ quan chỉ đạo công tác PCTN theo Luật PCTN và kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh về PCTN.

-Thực trạng, cơ chế hoạt động, tính hợp lý và hiệu quả của cơ quan, tổ chức, đầu mối tham mưu, giúp việc về công tác PCTN.

b) Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh xây dựng 01 báo cáo chuyên đề vê công tác giám sát PCTN và việc phát hiện, xử lý tham nhũng.

c) Viện kiểm sát nhân dân chủ trì xây dựng 01 báo cáo chuyên đề về công tác kiểm sát điều tra, truy tố tội phạm tham nhũng.

d) Tòa án nhân dân chủ trì xây dựng 01 báo cáo chuyên đề về công tác xét xử tội phạm tham nhũng.

đ) Cục Thi hành án dân sự tỉnh xây dựng 01 báo cáo chuyên đề về thu hồi tài sản tham nhũng qua công tác thi hành án dân sự trong các vụ án tham nhũng; những vướng mắc, khó khăn trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

e) Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đánh giá, cung cấp thông tin về hoạt động của mình trong công tác PCTN 10 năm qua (chú trọng kết quả hoạt động, vai trò, trách nhiệm trong PCTN của các cơ quan, tổ chức; của Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn;...).

IV. THỜI GIAN VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

1.Thời gian thực hiện

Các sở, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức triển khai kế hoạch, đề cương hướng dẫn tổng kết ngay sau khi nhận được kế hoạch của UBND tỉnh; gửi dự thảo báo cáo và số liệu tổng hợp kết quả 10 năm thực hiện Luật PCTN về Thanh tra tỉnh trước ngày 30/10/2015; tổ chức hội nghị tổng kết và hoàn thành, gửi Báo cáo tổng kết về Thanh tra tỉnh trước ngày 31/11/2015.

Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN dự kiến trong tháng 01/2016.

2.Kinh phí

Các sở, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức bố trí kinh phí để triển khai tổng kết trong dự toán ngân sách năm được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Trên đây là Kế hoạch Tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị và tổ chức có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch này./.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

LÊ XUÂN ĐẠI

Mới nhất
x
Kế hoạch tổng kết 10 năm Luật Phòng, chống tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO