Keng Đu vẫn còn... xa
(Baonghean.vn) - Hơn hai năm trước, chúng tôi từng vượt chặng đường gần 80 km từ Thị trấn Mường Xén đến xã Keng Đu (Kỳ...
(Baonghean.vn) - Hơn hai năm trước, chúng tôi từng vượt chặng đường gần 80 km từ Thị trấn Mường Xén đến xã Keng Đu (Kỳ Sơn). Lần này trở lại, nhiều đoạn đường vẫn lầy lội và trơn trượt do việc thi công dở dang, đặc biệt là đoạn qua địa bàn xã Huồi Tụ. Con đường gập ghềnh, trắc trở và lẫn trong sương mù càng khiến cho cảm giác người đi càng thêm xa...
Người bạn đồng hành là anh Moong Thái Nhi, quyền Trưởng phòng Văn hóa huyện Kỳ Sơn. Keng Đu chính là quê hương của anh. Qua mỗi đoạn đường gian nan hay phải đẩy xe vượt qua những vũng lầy, chúng tôi dừng chân nghỉ lấy sức. Những lúc này, anh Nhi lại kể về con đường gian khổ này.
...Khoảng 15 năm về trước, khi anh đang là học sinh Trường THCS Dân tộc nội trú huyện, con đường lúc đó chỉ là lối mòn nhỏ hun hút chạy dưới những cánh rừng già. Lúc ấy, ở Keng Đu chỉ duy nhất có Moong Thái Nhi ra Mường Xén theo học cấp 2. Từ nhà đến trường đi bộ hết 3 ngày, 2 đêm, có khi phải nhóm bếp giữa rừng để ngủ. Vậy mà con đường ấy đã đưa anh trở thành một giáo viên tiểu học, rồi Phó Bí thư Huyện đoàn và nay là quyền Trưởng phòng Văn hóa huyện. Anh chính là tấm gương vượt khó và thành đạt để các bậc phụ huynh ở Keng Đu nhắc nhở con cái về chuyện học hành. Anh chia sẻ: “So với những con đường khác, đường về Keng Đu khó đi thật nhưng bây giờ là một kỳ tích. Nó chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của nhà nước đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa. Với tôi, giờ đây Keng Đu không còn quá xa xôi nữa, chỉ mất gần một ngày chạy xe...”.
Đường đến Keng Đu (Kỳ Sơn)Vào đến trung tâm xã lúc chiều muộn, chúng tôi cố gắng quan sát xem sau hơn hai năm Keng Đu đã đổi thay đến mức nào. Và niềm vui đã đến khi được chứng kiến một số công trình như hệ thống các trường mầm non, tiểu học và THCS và trạm y tế, trụ sở làm việc đã được xây dựng khang trang và đưa vào sử dụng.
Tranh thủ thời gian, chúng tôi hỏi chuyện Chủ tịch UBND xã Lương Văn Ngam. Anh Ngam cho biết, Keng Đu là một trong những “thủ phủ” của người Khơ mú ở Kỳ Sơn. Bởi lẽ, hầu hết dân số (9/10 bản) của xã thuộc hệ dân tộc này. Đây là xã giáp ranh với nước bạn Lào, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp rất nhiều khó khăn. Từ lâu, người dân nơi đây vẫn lưu truyền câu ca: “Ruồi vàng, bọ chó, gió Keng Đu” để khái quát về sự hoang sơ và khắc nghiệt của thiên nhiên. Đó chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc sống đói nghèo của bà con dân tộc Khơ mú nơi vùng đất biên cương xa xôi này. Hiện tại, tỷ lệ đói nghèo toàn xã còn chiếm tới khoảng 90%. Chủ tịch Ngam bộc bạch: “Vùng đất này mùa hè thì nắng gắt, mùa đông có lúc lạnh tới gần 0 độ C, gió thường xuyên ở cấp 3 cấp 4 nên không có loại cây nào có thể thích nghi. Nương rẫy ngày một bạc màu, năng suất cây lúa, cây ngô ngày càng xuống thấp. Chăn nuôi gia súc cũng không khả quan hơn vì hàng năm phải đối diện với dịch bệnh gây chết hàng loạt trâu bò... Chúng tôi đang rất đau đầu trong việc suy nghĩ, tìm hướng thoát nghèo cho người dân địa phương...”. Nằm xa trung tâm huyện, giao thông đi lại khó khăn nên việc vận chuyển và trao đổi hàng hóa luôn là một bài toán khó. Hầu hết các mặt hàng vào đến Keng Đu đều bị đội giá lên cao. Đó là chưa kể một số bản hiện chưa có đường, từ trung tâm xã đến bản mất 4 - 5 giờ đi bộ. Vì thế, ảnh hưởng rất lớn đến việc giao lưu văn hóa - xã hội và chuyện học hành của con trẻ.
Hôm sau, chúng tôi về thăm các bản Huồi Lê, Huồi Phuôn 1, Huồi Phuôn 2, Keng Đu và Hạt Tà Vén. Một điều được rút ra là tình trạng đói nghèo ở Keng Đu bên cạnh những nguyên nhân khách quan nêu trên còn phải kể đến cả những nguyên nhân chủ quan. Đó là trình độ dân trí còn thấp, chưa tiếp cận được kiến thức khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Bà con nơi đây chăn nuôi trâu bò vẫn còn theo cách thả rông, gần như không áp dụng các biện pháp phòng dịch nên tỷ lệ rủi ro thường ở mức cao. Cùng với đó là tư tưởng trông chờ, ỷ lại vẫn còn thấm sâu vào một bộ phận không nhỏ người dân ở Keng Đu. Chủ tịch Lương Văn Ngam cũng đồng ý với chúng tôi rằng: “Con đường thoát khỏi đói nghèo của Keng Đu sẽ còn xa nếu trình độ dân trí không sớm được nâng cao và không đẩy lùi được tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Đó chính là “chìa khóa” để giải quyết những khó khăn còn lại”.
Trở lại Thị trấn Mường Xén, nhìn lại hành trình đến với Keng Đu, chúng tôi nhận thấy rằng vùng đất biên cương này vẫn còn... xa.
Công Kiên