Kết quả bầu cử giữa kỳ ở Mỹ: Chính trường thêm căng thẳng

(Baonghean) - Lịch sử bầu cử Mỹ đã lặp lại đúng như cách đây 10 năm khi đảng Cộng hòa, trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 4/11 vừa qua, đã giành trọn quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội. Sự thay đổi tương quan lực lượng trong Quốc hội được nhận định sẽ khiến chính trường Mỹ hai năm tới không ít căng thẳng.

Kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ không mấy bất ngờ với kết quả là đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện. Mặc dù vậy người ta vẫn đặt ra câu hỏi tại sao đảng Dân chủ lại “thất thế” như vậy? Có nhiều lý do được giới phân tích nêu ra. Thứ nhất, cuộc bỏ phiếu ngày 4/11 diễn ra trong bối cảnh kinh tế Mỹ đã cải thiện đáng kể trong 6 năm qua, nhưng sự ủng hộ dành cho Tổng thống Obama đã liên tục giảm sút, thậm chí theo các cuộc thăm dò tỷ lệ ủng hộ ông Obama đã xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 70 năm qua.
Đây là lý do các chuyên gia xác định cuộc bỏ phiếu vừa qua là cuộc trưng cầu dân ý đối với khả năng cầm quyền của Tổng thống Obama. Do uy tín của ông chủ Nhà Trắng "tụt dốc", nhiều ứng cử viên của đảng Dân chủ đã tìm cách xa lánh và không mời ông đi vận động tranh cử. Trái lại, cử tri Cộng hòa không hài lòng với chính sách của Tổng thống Obama đã hăng hái đi bầu, dùng lá phiếu của họ để giúp đảng có thế vững vàng hơn ở lập pháp, xem đó là bước mở đầu cho mục tiêu lấy được ghế tổng thống để điều khiển hành pháp vào năm 2016. 
Đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ.
Đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ.
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến thất bại là do lực lượng cử tri Dân chủ đi bỏ phiếu thấp hơn nhiều so với các kỳ bầu cử trước, mặc dù đêm trước khi cử tri cầm lá phiếu, ông Obama đã lên tiếng hối thúc cử tri của đảng này “đừng ở nhà và đừng để ai lựa chọn tương lai của bạn”. 
Về phương diện lịch sử, các cuộc bầu cử giữa kỳ luôn bất lợi cho đảng của Tổng thống Mỹ. Và năm nay cũng không ngoại lệ. Một lý do nữa là tại cuộc bầu cử lần này, các ứng cử viên của cả hai đảng mà chủ yếu là đảng Cộng hòa đã “tung” ra khoản tiền lớn cho chiến dịch tranh cử của mình. Theo thống kê của Trung tâm Chính trị phản ứng nhanh của Mỹ, cuộc bầu cử giữa kỳ lần này tốn kém nhất trong lịch sử chính trị của Xứ Cờ hoa, với tổng chi phí lên tới gần 4 tỷ USD. Số tiền này đủ để mua 25 máy bay chiến đấu hiện đại F-18 hay trả học phí cấp tiểu học và trung học cho 12.000 học sinh. 
Ngoài việc “mổ xẻ” những nguyên nhân dẫn đến thất bại của đảng Dân chủ thì điều người ta chú ý nhiều nhất hiện nay là việc chính trường Mỹ sẽ ra sao sau khi tương quan lực lượng trong Quốc hội đã thay đổi. Nhiều nhà quan sát quốc tế có chung câu trả lời đó là chính trường Mỹ sẽ căng thẳng hơn sau cục diện này. Phe Dân chủ để mất Thượng viện đồng nghĩa với việc Tổng thống Obama sẽ thực sự gặp rất nhiều khó khăn trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ này. Khó khăn đầu tiên mà Tổng thống Obama gặp phải là bổ nhiệm nhân sự cấp cao, vốn cần sự phê chuẩn của Thượng viện. Quốc hội cũng có quyền phủ quyết một phần về quyền đưa quân ra nước ngoài (chẳng hạn như Iraq và Syria) của Tổng thống trên cương vị Tổng Tư lệnh. Đấy là chưa kể đến một loạt các vấn đề nội địa khác - bao gồm ngân sách, thâm hụt, chương trình ObamaCare, các chính sách về nhập cư, biến đổi khí hậu và cả việc phê chuẩn Dự án đường ống dẫn dầu Keystone... - mà giữa phe Cộng hòa và phe Dân chủ đang tồn tại những bất đồng khó giải quyết.
Về lĩnh vực kinh tế, các chuyên gia cho rằng việc đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện lẫn Hạ viện sẽ có tác động sâu rộng tới nền kinh tế số 1 thế giới. Có thể thấy cuộc bầu cử vừa qua diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Mỹ đang phát triển ổn định một phần nhờ vào việc Quốc hội đạt được thỏa thuận trong “cuộc chiến” về ngân sách. Cuộc tranh cãi trước đó đã khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa và dấy lên nỗi lo ngại rằng Chính quyền liên bang sẽ lại rơi vào tình trạng vỡ nợ về mặt kỹ thuật. Việc kiểm soát cả hai viện Quốc hội Mỹ có thể khuyến khích  đảng Cộng hòa tăng cường gây xung đột với Nhà Trắng do đảng Dân chủ kiểm soát. Dù vậy, hiện vẫn chưa rõ đảng Cộng hòa sẽ lãnh đạo Thượng viện như thế nào. Hầu như không có chiến dịch tranh cử nào vạch ra các chính sách chi tiết.  
Tuy có quyền kiểm soát cả Thượng viện nhưng không hoàn toàn dễ dàng đối với đảng Cộng hòa khi đảng này không giành đủ 60 ghế tại Thượng viện để chiếm đa số tuyệt đối, và chắc chắn sẽ phải thỏa hiệp trong một chừng mực nào đó với phe Dân chủ. Các nhà quan sát cũng hy vọng Đảng Cộng hòa sẽ chấp nhận hợp tác với ông Obama trong một số lĩnh vực như năng lượng, thuế, ký các thỏa thuận thương mại tự do, an ninh mạng... Khi đó, đảng Cộng hòa sẽ tạo thiện cảm với cử tri nhằm chuẩn bị cuộc chiến năm 2016. Mặc dù vậy, chính trường Mỹ có thể giải quyết được các vấn đề vốn tồn đọng thời gian qua hay không thì vẫn cần thời gian trả lời.
Thanh Huyền
Cứ 2 năm một lần, người Mỹ lại đi bỏ phiếu để bầu lại 435 ghế tại Hạ viện và một phần ba số ghế tại Thượng viện. Kết quả từ cuộc bầu cứ hồi tháng 11/2010 cho phép đảng Cộng hòa chiếm đa số ở Hạ viện và đảng Dân chủ chiếm đa số ở Thượng viện. 
Tuy nhiên, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đã thay đổi tình trạng trên. Đảng Cộng hòa đã giành được 6 ghế trống còn lại và trở thành đảng chiếm đa số tại Thượng viện. Hiện tại, trong số 36 ghế được bầu cử lại ở Thượng viện thì đảng Cộng hòa chiếm 21 ghế và đảng Dân chủ chỉ giành được 15 ghế. Với 21 ghế mà các nghị sỹ của đảng Cộng hòa giành được đã giúp cho đảng này nắm giữ 53 ghế trên tổng số 100 ghế tại Thượng viện. Việc này đồng nghĩa với đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát cả Quốc hội Mỹ. Tại các bang West Virginia, Montana, Colorado, South Dakota, Arkansas, và Iowa là những bang mà các ứng cử viên của đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng và bỏ xa những đối thủ đảng Dân chủ của mình. 
Tại Hạ viện, đảng Cộng hòa đang hy vọng sẽ tăng số ghế của các ứng cử viên của đảng mình lên. Hiện tại, đảng Cộng hòa đang chiếm 233 ghế trên tổng số 435 ghế ở Hạ viện. Được biết, cũng trong đợt này, các cử tri cũng sẽ đi bầu cử để chọn ra 36 thống đốc bang mới cho mình. 
Chu Thanh 
(Tổng hợp báo Pháp 5/11)

tin mới

Tổng Thư ký NATO kêu gọi nhanh chóng bổ sung vũ khí cho Ukraine

Tổng Thư ký NATO kêu gọi nhanh chóng bổ sung vũ khí cho Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong kỳ họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, Ukraine cần được khẩn trương bổ sung các phương tiện phòng không cũng như thiết bị bảo trì, đồng thời kêu gọi các nước phương Tây chi tiền mua hệ thống phòng không cho Kiev.

Ông Biden tuyên bố tái tranh cử tổng thống vì nền dân chủ Mỹ đang bị đe doạ

Ông Biden tuyên bố tái tranh cử tổng thống vì nền dân chủ Mỹ đang bị đe doạ

(Baonghean.vn) - Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đang gây quỹ phục vụ chiến dịch tái tranh cử của mình khi tới New York để dự các hội nghị với các nhà lãnh đạo thế giới, hôm 18/9 đã thừa nhận những mối quan ngại về tuổi tác của ông, nhưng khẳng định sẽ tranh cử vì nền dân chủ đang bị đe doạ.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể ‘chia tay’ với EU

Thổ Nhĩ Kỳ có thể ‘chia tay’ với EU

(Baonghean.vn) -Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/9 tuyên bố nước này có thể "chia tay" với Liên minh châu Âu (EU) nếu thấy cần thiết sau khi Nghị viện châu Âu (EP) thông qua báo cáo mới về quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nước phương Tây muốn đưa quân tới Ukraine?

Các nước phương Tây muốn đưa quân tới Ukraine?

(Baonghean.vn) - NATO có thể chỉ còn một bước nữa là triển khai quân đội tới Ukraine, Tổng thống Belarus Lukashenko cho biết trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin ở Sochi. Ba Lan đã thành lập lực lượng sẵn sàng tiến vào lãnh thổ Ukraine bất cứ lúc nào, ông Lukashenko nói thêm.

Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ trả đũa vụ nhà ngoại giao bị trục xuất khỏi Nga ‘một cách vô căn cứ’

Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ trả đũa vụ nhà ngoại giao bị trục xuất khỏi Nga ‘một cách vô căn cứ’

(Baonghean.vn) - Theo hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin ngày 15/9, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller đã nói với các phóng viên rằng, chính quyền Mỹ tin việc trục xuất 2 nhà ngoại giao Mỹ khỏi Nga là vô căn cứ và sẽ không để sự việc này không được làm rõ.