Khắc phục tình trạng thiếu bác sỹ tuyến cơ sở
Hiện nay Nghệ An có gần 40% xã, phường, thị trấn không có bác sỹ. Ước tính từ nay đến năm 2020, ngành Y tế cần tuyển thêm 1.500 bác sỹ. Để khắc phục tình trạng này, đồng thời tăng cường bác sỹ cho tuyến cơ sở, tỉnh đang tập trung chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.
(Baonghean) - Hiện nay Nghệ An có gần 40% xã, phường, thị trấn không có bác sỹ. Ước tính từ nay đến năm 2020, ngành Y tế cần tuyển thêm 1.500 bác sỹ. Để khắc phục tình trạng này, đồng thời tăng cường bác sỹ cho tuyến cơ sở, tỉnh đang tập trung chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.
Tại huyện miền núi Quỳ Châu, đã 10 năm nay không có một bác sỹ hệ chính quy nào về công tác (ngoại trừ 1 bác sỹ cử tuyển do UBND tỉnh cử về). Tình trạng thiếu hụt bác sỹ trong thời gian dài đã gây khó khăn cho việc đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ông Nguyễn Văn Hạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế Quỳ Châu cho hay: Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên không ngoài các lý do là địa bàn vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, thiết bị còn sơ sài, nên các bác sỹ không dám về vì sẽ không phát huy được chuyên môn nghiệp vụ, không có điều kiện học tập để nâng cao trình độ; đồng thời chế độ lương, phụ cấp của bác sỹ làm việc tại các xã, thị trấn, huyện thấp hơn nhiều so với làm ở các bệnh viện lớn khác và các chế độ lương, ưu đãi cũng thường chậm. Huyện đã thông báo nhiều nhưng chẳng một ai nộp hồ sơ, thậm chí nhiều y, bác sỹ đang làm việc tại bệnh viện huyện cũng có tư tưởng xin chuyển đến những nơi khác thuận lợi hơn.
Số liệu khảo sát của ngành Y tế cho thấy, tỷ lệ bác sỹ về công tác ở các xã hiện mới đạt khoảng 65%. Qua tính toán, đến năm 2015, y tế công lập toàn tỉnh còn thiếu trên 520 bác sỹ và trên 230 dược sỹ đại học. Đến năm 2020, với chỉ tiêu giao 9 bác sỹ/1 vạn dân và 1,4 dược sỹ đại học/1 vạn dân thì Nghệ An cần trên 3.000 bác sỹ và hơn 400 dược sỹ đại học. Như vậy, đến năm 2020, tỉnh đang cần thêm 1.500 bác sỹ.
Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Y tế, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều biện pháp như quyết định hỗ trợ cho các đối tượng cam kết công tác tại địa phương từ 3 năm trở lên được hưởng một khoản kinh phí ban đầu như: Giáo sư: 40 triệu đồng; phó giáo sư, tiến sỹ: 30 triệu đồng; thạc sỹ, bác sỹ: 20 triệu đồng; sinh viên tốt nghiệp loại giỏi: 15 triệu đồng, loại khá 10 triệu đồng... Song các biện pháp này thực sự chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nhận rõ tình trạng trên, trong 3 năm trở lại đây, tỉnh đã ban hành chính sách ưu đãi để khuyến khích lực lượng y sỹ tại chỗ tiếp tục học liên thông đại học. Ngành Y tế hỗ trợ toàn bộ học phí cho y sỹ các trạm y tế xã, phường, thị trấn của các huyện, thị xã khi đi học liên thông trình độ bác sỹ để về phục vụ tại địa phương, đồng thời cho hưởng 1,2 định mức lương tối thiểu. Năm 2011, ngành Y tế đã cử được 150 cán bộ đi học bác sỹ chuyên khoa và dược sỹ. Ông Phạm Văn Thanh - Giám đốc Sở Y tế cho biết: Năm 2012, ngành tiếp tục đào tạo 100 đến 150 bác sỹ. Thời gian đào tạo 4 năm với bác sỹ chuyên tu, 6 năm với bác sỹ chính quy. Với việc đào tạo từ nguồn nhân lực tại chỗ, chắc chắn đến năm 2020 Nghệ An sẽ đủ bác sỹ cho tất cả các huyện.
Hiện ngành Y tế tỉnh đang liên kết với các trường đại học y, dược, Viện Quân y 108 để đào tạo bác sỹ xã dưới hình thức cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, đồng thời có chính sách ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ kinh phí cho y sỹ công tác tuyến xã học chuyên tu lên bác sỹ, sau đó trở về công tác tại xã. Với giải pháp này, việc khắc phục tình trạng thiếu bác sỹ ở tuyến cơ sở bước đầu đã có lời giải. Trở lại huyện Quỳ Châu, đến thời điểm này, 10/12 trạm y tế xã, thị trấn của huyện đã có bác sỹ; Trung tâm Y tế huyện cũng đã có 3 bác sỹ và 1 cử nhân, huyện đang cử 8 y sỹ đi học bác sỹ ở các trường Đại học Y. Huyện phấn đấu đến năm 2015, bảo đảm 100% các xã có đủ bác sỹ. Tuy nhiên, để có thể "giữ chân" bác sỹ và để đội ngũ bác sỹ yên tâm công tác, tận tâm với người bệnh, cần nâng cao hơn nữa chế độ, chính sách hỗ trợ đối với y bác sỹ vùng sâu vùng xa; tăng chế độ đối với người đang công tác đi học nâng cao; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế bằng nguồn lực xã hội hóa, đóng góp từ các tổ chức cá nhân.
Thành Chung