Khai thác… “tận diệt”?
(Baonghean) - Những ngày qua, tại phường Nghi Hải, Thị xã Cửa Lò xuất hiện cách khai thác thủy sản làm người chứng kiến không khỏi giật mình bởi sự nguy hại của nó.
Ngư dân dùng lưới kéo dài hàng chục mét, khoanh hẳn một vùng biển ven bờ, cho lưới chìm dưới mặt nước và chờ 8 đến 10 tiếng đồng hồ để cho các loại thủy sản vào bên trong lưới, sau đó kéo lưới vào bờ; mỗi ngày kéo lưới lên bờ 2 lần. Do lưới dài, nặng, lượng thủy sản bên trong nhiều nên ngoài sức kéo của người, ngư dân còn phải dùng cả máy xúc chạy dầu để kéo lưới vào bờ. Với cách khai thác này, tất cả các loại thủy sản ven bờ từ con nhỏ nhất cho đến lớn nhất đều không “thoát” được mà nằm gọn trong lưới, bị ngư dân kéo lên bờ. Để kéo một mẻ lưới lên, máy xúc phải làm việc liên tục; trong khi làm việc, máy xúc nhả khói, bụi, dầu… Khu vực bãi biển đẹp như vậy đã bị phủ lên một lớp dầu cặn của máy xúc; rác rưởi do kéo từ biển lên cũng được ngư dân vứt ngay trên bờ; còn dưới biển, ô nhiễm cũng không kém trên bãi cát.
Việc đẩy mạnh khai thác nguồn lợi hải sản để tạo việc làm, tăng thu nhập nghề biển cho ngư dân vốn đời sống đang khó khăn, luôn là việc làm được khuyến khích; nhưng với cách khai thác "sáng tạo" như trên của ngư dân Nghi Hải thì thực sự đã đi ngược lại mục tiêu bảo vệ nguồn lợi thủy sản để phát triển khai thác một cách bền vững. Hơn thế, cách làm này càng gây ô nhiễm môi trường biển, tận diệt nguồn hải sản, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, với thực tế trên, rất cần địa phương, ngành chức năng sớm kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn triệt để.
Lê Đan