Khai thác tiềm năng đất bãi ven sông Lam

20/01/2015 11:28

(Baonghean) - Đất bãi dọc sông Lam trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 20.000 ha, tập trung ở các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn… Lợi thế đất bãi phù sa, màu mỡ cùng với việc nông dân chuyển đổi cây giống, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân xã Thanh Giang (Thanh Chương) gieo lạc xuân trên đất bãi.
Nông dân xã Thanh Giang (Thanh Chương) gieo lạc xuân trên đất bãi.

Đến xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương thời điểm này, cây ngô trên đất bãi xanh tốt bời bời, trải dài hai bên bờ sông Lam. Theo bà con cho biết thì trồng ngô là dễ nhất, vừa dễ làm, dễ chăm sóc lại dễ bán. Chưa có khi nào ngô bị ế; giá ngô tươi 4.000 - 4.200 đồng/kg, còn ngô khô giá 6.500 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Xuân ở xóm 8 có 1,5 sào đất bãi và “mượn” thêm đất của một hộ khác để gieo ngô xuân, tổng cộng là 5 sào. Chị Xuân cho biết: “5 sào ngô vùng bãi là nguồn thu nhập chính của cả nhà. Năng suất ngô đạt trung bình 8 tạ/ sào, thu nhập một năm 2 vụ đạt hơn 8 triệu đồng, còn nếu làm 3 vụ thì được khoảng 10 triệu đồng. Ngoài trồng ngô, gia đình tôi còn chăn nuôi thêm trâu, gà, lợn vì có đủ nguồn thức ăn xanh và tinh bột. Lâu nay có một số người trong xã đứng ra tổ chức thu mua sản phẩm cho bà con, sau đó bán cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh nên chúng tôi không phải lo nghĩ nhiều về đầu ra”.

Phó Chủ tịch xã Thanh Giang, ông Trần Đình Thơ cho biết: Thanh Giang có tổng diện tích đất màu là 80ha, trong đó có tới 65ha đất bãi dọc theo bờ sông Lam kéo dài cả 8/8 xóm. Đất bãi là đất canh tác chủ yếu của bà con được được sản xuất 1 năm 3 vụ, trong đó cây ngô được xem là chủ lực mang lại thu nhập chính cho nông dân. Nhờ áp dụng KHKT, đưa giống ngô lai, ngô mới có năng suất cao như NK 7328, BO265… đã góp phần tăng năng suất trung bình đạt gần 400 kg/sào, sau khi trừ chi phí cho thu lãi khoảng 60 triệu đồng/ha/vụ.

Trên diện tích vùng đất bãi xã Thanh Lĩnh được trồng bí xanh. Hiện cây bí đang ở giai đoạn “leo tay” lên giàn. Vụ bí hè thu 2014, bà con nông dân Thanh Lĩnh được mùa toàn diện với năng suất đạt từ 2,8 - 3 tấn/sào. Chị Nguyễn Thị Hoa – một trong những hộ có thâm niên trồng bí xanh ở thôn Hồng phấn khởi khoe: “Đất phù sa tốt lắm, chẳng phải tốn kém phân bón nhiều mà cây cứ lên vùn vụt. Khi nhận thấy bí xanh là một loại cây tương đối dễ trồng, cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn cây ngô nên từ năm 2009 tôi đã chuyển sang trồng một năm gối 2 vụ loại cây này. Chỉ sau 3 tháng chăm sóc, mỗi sào bí năng suất đạt 3 tấn. Như vụ hè thu vừa rồi giá bí lên 7.000 đồng/kg, tăng 1.500 đồng so với vụ xuân, lại được thương lái vào mua tận ruộng nên ai cũng phấn khởi. Vụ bí vừa rồi, sau khi trừ chi phí gần 1,5 triệu đồng tôi đã có chắc 16 triệu đồng/ 9 thước đất. Có những thời điểm giá bí lên đến hơn 10.000 đồng/kg, giá trị của vườn bí còn cao gấp nhiều lần. Ngoài cho thu nhập cao, so với những loại cây hoa màu khác thì cây bí xanh được xem là dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, sản phẩm sau khi thu hoạch bảo quản được lâu nên hạn chế được tình trạng bị lái buôn ép giá”.

Xã Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên) là địa phương nằm ven Đê 42, toàn xã có 230 ha đất bãi/350 ha đất nông nghiệp phân bố chủ yếu ở ngoài đê. Phần còn lại là đất bãi nằm xen, dắm giữa đất thổ cư và đất bãi xã Khánh Sơn (Nam Đàn). Hàng năm, vào mùa mưa lũ hầu hết diện tích đất này đều bị ngập lụt và thường bị biến động do thay đổi dòng chảy. Ông Hồ Quang Thông - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hưng Lĩnh cho hay: Để ổn định diện tích sản xuất hàng năm và tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng vụ, từ những năm 1980, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo quy hoạch vùng đất bãi soi. Trước đây, bà con chỉ canh tác 1 vụ/năm trên đất bãi nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Đến năm 2004, thực hiện tinh thần Nghị định 64 của Chính phủ về chia đất cho dân sản xuất, đất bãi soi được chia theo xóm, tổ nhóm, bình quân trên 100m2/khẩu. Xã bố trí chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy hoạch vùng sản xuất bằng cách đưa các cây trồng ngắn ngày trên bãi phù hợp với điều kiện sản xuất như cây đậu, rau màu, ngô nếp, khoai lang nhưng nhìn chung còn manh mún, công tác sản xuất trên vùng bãi còn khó khăn. Đến tháng 6/2014, Nghị quyết HĐND xã đã ban hành quyết định về việc phê duyệt đề án dồn diền, đổi thửa; riêng đối với đất bãi tổ chức khoanh vùng, xác định thành vùng sản xuất 1 vụ, 2 vụ, 3 vụ và vùng chăn thả gia súc, vùng trồng cây lâu năm…

Theo tinh thần chỉ đạo, hiện xã Hưng Lĩnh đã triển khai khoanh vùng sản xuất; vùng bãi với khoảng 30 ha tại các xóm 1B, xóm 3 dành cho chăn thả trâu, bò; trên 60 ha đất bãi soi ở xóm 1A, 1B, xóm 2, xóm 3 tập trung đưa vào sản xuất mô hình đậu, rau màu hè thu các loại. Xã bố trí sản xuất 3 vụ/năm và đưa ra cơ chế riêng để bà con tự bảo vệ môi trường, mùa vụ, vừa chăn thả, phát triển đàn gia súc. Nhờ tạo được nguồn thức ăn dự trữ từ cây ngô trên đất bãi, cộng vào đó là môi trường đồng cỏ tự nhiên rộng lớn, màu mỡ rất thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi trên địa bàn, nhất là phong trào chăn nuôi trâu, bò vỗ béo vùng bãi ven sông.

Toàn tỉnh có 20.000 ha đất bãi, tập trung ở 7 huyện nằm dọc ven theo hạ nguồn sông Lam. Nhiều địa phương vùng bãi có ưu thế trong phát triển sản xuất hàng hóa, trình độ thâm canh khá cao, tư duy thị trường nhanh nhạy. Như ở xã Hưng Nhân, bà con cũng đã sử dụng giếng khoan tưới cho vùng rau màu hàng hóa trên đất bãi; toàn xã đã xây dựng được 6 mô hình chuyển đổi thu nhập cao theo hình thức xen canh gối vụ, trong đó, các mô hình lạc xuân, dưa hồng hè thu, ngô đông và rau màu cho thu nhập trên 250 triệu đồng/ha/năm. Hay mô hình trồng dưa hấu trên vùng đất bãi xã Nam Tân, Nam Lộc (Nam Đàn) được bà con đầu tư máy bơm nước để tưới ẩm cho dưa lúc nắng hạn, cho thu nhập gần 7 triệu đồng/sào… Bên cạnh việc phát huy tiềm năng, thế mạnh quỹ đất bãi thì lâu nay, một số địa phương, vùng đất màu mỡ này còn bị bỏ hoang phí do nhiều nguyên nhân khác nhau; như khó khăn về cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi, một số vùng địa chất không ổn định vì trên thực tế vùng đất bãi năm nào cũng bị ngập lụt vì mưa, lũ lớn nên việc khai thác và đầu tư không hề dễ...

Tại huyện Hưng Nguyên, diện tích đất bãi ven sông Lam khá lớn với trên 1.000 ha thuộc địa bàn 9 xã. Những năm qua, chủ trương và hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện được thể hiện rõ nhất ở vùng kinh tế bãi ven sông. Trước đây, diện tích đất đai màu mỡ này chủ yếu trồng ngô, đậu các loại. 4 năm gần đây, huyện đưa vào khai thác theo hướng trồng lạc vụ xuân, sau đó trồng ớt cay, rau, cà rốt, đặc biệt những vùng có điều kiện thâm canh sẽ tập trung vào trồng ớt cay xuất khẩu theo các hợp đồng ký với doanh nghiệp, theo đó nông dân sẽ được cung cấp, hỗ trợ về giống, kỹ thuật chăm sóc và đảm bảo bao tiêu sản phẩm. Để phát huy hiệu quả kinh tế vùng đất này, Hưng Nguyên đã xây dựng “Đề án phát triển kinh tế vùng bãi đến năm 2020”, trong đó xác định rõ hướng cơ cấu, chuyển toàn bộ hơn 1.000 ha đất vùng bãi sang trồng rau và thực phẩm xuất khẩu.

Trong đó, ngoài 350 ha rau các loại, số diện tích còn lại sẽ chuyên sản xuất cây gia vị. Huyện hỗ trợ 30% giá trị công trình để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, đường điện, thủy lợi tưới tiêu… Nhưng theo ông Phan Văn Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện: “Đến năm 2015, số tiền từ ngân sách huyện đầu tư cho phát triển kinh tế vùng bãi là 4,6 tỷ đồng, đến năm 2020 là 21 tỷ đồng. Tuy nhiên, để có thể phát triển, khai thác hết tiềm năng của vùng bãi vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Tỉnh vẫn chưa có cơ chế, chính sách thỏa đáng trong hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như đường điện, giao thông và đặc biệt là thủy lợi, chưa đầu tư xây dựng để nhân rộng các mô hình vùng bãi. Các doanh nghiệp chủ yếu bán giống và phân bón, chứ chưa phối hợp nhiều với địa phương và người dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”.

Trao đổi về vấn đế này, ông Trương Minh Châu - Trưởng phòng Trồng trọt sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiệu quả cây trồng trên đất bãi còn bấp bênh. Vụ xuân, giai đoạn ngô trổ cờ, lạc ra hoa thường gặp hạn nặng không có nước tưới. Sang đến vụ đông, việc gieo trồng ngô, cây màu dễ ngập lụt nên vấn đề điều chỉnh thời vụ, lựa chọn cây trồng đảm bảo năng suất là khó. Bên canh đó, sự đầu tư chú trọng phát triển cây trồng, vật nuôi trên đất bãi còn hạn chế. Lâu nay, các vùng phát triển cây trồng có hiệu quả trên đất bãi chủ yếu là những vùng huy động nội lực đầu tư thâm canh tốt, đầu tư giếng khoan tưới, lưới điện và điều kiện tự nhiên trên bãi thuận lợi hơn các vùng đất bãi khác.

Một trong những nguyên nhân khiến cây trồng, chưa được phát triển mở rộng là do lụt lội không theo quy luật khiến người dân không chủ động bố trí được thời vụ; tư duy, tập quán canh tác vẫn còn theo lối cũ, chưa năng động và mạnh dạn trong việc thử cây trồng khác để hiệu quả hơn. Do khó khăn về thủy lợi, để phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp vùng bãi cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sử dụng cây trồng có nhu cầu nước tưới ít như cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cỏ chăn nuôi… Các vùng úng trũng cấy lúa 1 vụ kém hiệu quả và mặt nước chưa sử dụng cần đầu tư chuyển sang mô hình VAC. Hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, chuyên canh ở các khu vực có thể giải quyết tốt các vấn đề tưới. Những vùng có điều kiện về thị trường, kinh nghiệm sản xuất, cần đầu tư theo hướng trồng các cây có giá trị kinh tế cao như cây dược liệu, rau an toàn…

Ngọc Anh

Mới nhất

x
Khai thác tiềm năng đất bãi ven sông Lam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO