Khám phá dấu tích thành cổ ở Hà Tĩnh

16/04/2012 18:06

Sau một tuần khảo cổ đợt 1 (từ 9 đến 15-4), bước đầu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thêm những điều mới về...

Sau một tuần khảo cổ đợt 1 (từ 9 đến 15-4), bước đầu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thêm những điều mới về hệ thống thành cổ bằng đá tại vùng rừng núi huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Những phát hiện về hệ thống thành cổ bằng đá chạy dọc theo dãy Hoành Sơn hứa hẹn sẽ mang lại nhiều điều kỳ thú trong việc khám phá, nghiên cứu về những dấu tích thành cổ Việt Nam.




Thành cổ ở Hà Tĩnh vừa mới được phát hiện

Các chuyên gia của Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO), Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh vừa có chuyến khảo sát, điều tra và thám sát khảo cổ học hệ thống di tích thành cổ Kỳ Anh. Đoàn nghiên cứu do TS. Nguyễn Tiến Đông - Trưởng Phòng nghiên cứu Viện Khảo cổ học Việt Nam phụ trách, bên cạnh đó, Đoàn còn có sự tham gia của TS. Andrew Hardu - Trưởng đại diện EFEO tại Hà Nội và nhà khảo cổ học Italia Federico Barroco.

Thành cổ bằng đá tại vùng rừng núi huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) được các nhà khảo cổ học phát hiện vào năm 1993, nhưng phải đến tháng 6-2011, Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh mới chính thức công bố. Thành cổ Kỳ Anh được phát hiện nằm kéo dài từ chân đèo Bụt lên tận đỉnh núi - một nhánh của dãy Hoành Sơn - kéo dài qua các xã Kỳ Lạc, Kỳ Hoa, Kỳ Lâm và đến tận biên giới tỉnh Quảng Bình. Hệ thống thành này nằm theo trục từ Tây sang Đông. Toàn bộ hệ thống thành được ghép bằng những phiến đá không đồng đều của cư dân bản địa. Với chiều dài hơn 1 km, thành cổ Kỳ Anh ghi dấu nhiều nét độc đáo về thành cổ ở Việt Nam. Phía Nam, mặt đứng thành tạo theo phương thẳng đứng với độ cao bình quân 3,5m. Phía Bắc chân thành rộng 5m, ở mỗi đoạn thành cứ cách nhau khoảng 5m lại được tạo một ô hình vuông (70cm x 70cm) xuyên từ mặt Bắc sang mặt Nam của thành, có công dụng vừa thoát nước vừa quan sát để đánh trả kẻ địch khi công phá thành. Mặt trên thành tạo theo phương thẳng đứng, rộng từ 1,5 đến 2m.

Theo các nhà khảo cổ, thành cổ Kỳ Anh là dấu tích còn lại trong hệ thống thành cổ của vương quốc Lâm Ấp (thời kỳ Đại Việt - Chămpa). Thành có chiều dài trên 30 km do vương quốc Lâm Ấp xây dựng dựa vào dãy Hoành Sơn, với mục đích phòng thủ bảo vệ biên giới. Trong thời gian Trịnh - Nguyễn phân tranh (1655 - 1659), hệ thống thành cổ Kỳ Anh đã được chúa Trịnh Toàn củng cố thêm, nên còn có tên gọi là thành ông Ninh, ông Nang (tước hiệu Ninh quận công Trịnh Toàn).

Theo kế hoạch, sau đợt khảo sát, nghiên cứu, khai quật khảo cổ học lần này, căn cứ trên những kết quả ban đầu, Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh sẽ xây dựng hồ sơ khoa học trình Bộ VHTTDL xem xét để tiếp tục nghiên cứu xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, tiến hành quy hoạch tổng hệ thống thành nhằm để bảo tồn, giữ gìn những giá trị văn hóa, lịch sử, phục vụ tham quan du lịch của tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ trong tương lai.


Theo Daidoanket

Mới nhất
x
Khám phá dấu tích thành cổ ở Hà Tĩnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO