Khám phá di tích gắn với lễ hội truyền thống

07/04/2014 18:50

(Baonghean) - Cùng với du lịch biển, đến với Cửa Lò, du khách có thể khám phá những điểm du lịch văn hóa tâm linh bằng xe đạp tình yêu hay xe điện. Trong không gian lồng lộng của gió biển, du khách như được lắng đọng hồn mình khi đến với những địa danh hấp dẫn: đền Mai Bảng, đền Vạn Lộc, đền Làng Hiếu, đền Yên Lương…

Lễ rước tại Lễ hội Đền Vạn Lộc Ảnh: Xuân Nhường
Lễ rước tại Lễ hội Đền Vạn Lộc Ảnh: Xuân Nhường

Nghi Thủy (T.X Cửa Lò) vẫn còn lưu giữ những phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lễ hội độc đáo. Hiện tại trên địa bàn phường có hai ngôi đền có niên đại hàng trăm năm, đó là đền Mai Bảng và đền Yên Lương - nơi diễn ra lễ hội cầu ngư hàng năm. Theo cụ ông Trương Văn Ngọ (83 tuổi) - Trưởng ban Quản lý đền Yên Lương - ngôi đền cổ xấp xỉ 400 năm thì đền được xây dựng từ thời hậu Lê (1630), là công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng thờ những vị thần có công với nước. Tương truyền vào năm Chính Hòa thứ Ba (1682), cuộc sống của người dân Yên Lương không yên ổn, ngư dân đi biển gặp sóng to, gió lớn; mùa màng thất bát, đói kém, bệnh tật triền miên. Làng đã cử người ra đền Cờn (Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu) rước chân hương về thờ Tứ vị thánh nương, bốn vị thần thường giúp dân thuận buồm, xuôi gió, phù hộ cho ngư dân ra khơi, vào lộng bình yên, làm ăn thuận lợi… Hằng năm, đền Yên Lương có 2 kỳ lễ trọng: Lễ Kỳ Yên vào Rằm tháng Hai (âm lịch) và Lễ Lục Ngoạt vào các ngày trung tuần tháng Sáu (âm lịch). Trong các kỳ lễ này, người dân tổ chức nhiều hoạt động thể hiện tín ngưỡng và bản sắc văn hóa của ngư dân vùng biển, như: rước kiệu nghinh thần, tế thần và các hoạt động lễ hội: chọi gà, đánh đu... Đặc biệt, Lễ Lục Ngoạt đã trở thành lễ hội truyền thống của ngư dân làng Yên Lương. Lễ diễn ra vào 3 ngày (14, 15, 16) tháng 6 âm lịch với lễ yết cáo trời đất, lễ rước kiệu, lễ đại tế, lễ cầu ngư.

Với mỗi ngư dân nơi đây, lễ hội cầu ngư là một trong những lễ hội quan trọng nhất, là ngày hội lớn của cả làng, trong những ngày diễn ra lễ hội, tất cả các ngư dân đều nghỉ không đi biển. Trước đây, lễ hội diễn ra mỗi năm một lần nhưng hiện nay do nhiều yếu tố, định kỳ 3 năm, làng Yên Lương sẽ tổ chức đại lễ. Lễ hội được diễn ra vào Rằm tháng 2 Hai âm lịch. Trong ngày lễ, dân làng rước dấu ấn của Ngài: Sát Hải Đại Vương (Thần cai quản biển), Thần cô, Thần cậu (Thần biển)… từ đền Yên Lương ra các thuyền ở cửa lạch để làm lễ phùng nghinh. Bàn thờ được trang hoàng rực rỡ, trang nghiêm. Các nhà đều đặt bàn hương án bày đồ lễ cúng. Trên mỗi tàu thuyền đều chăng đèn kết hoa. Làng chọn ra một ban nghi lễ gồm các cụ cao niên, hiền đức, có uy tín với bạn chài. Vị chánh bái dâng đồ tế lễ (không được dùng hải sản) và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với biển cả và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn. Về phần hội, là các trò chơi dân gian vùng biển: thi đấu các môn thể thao, đua thuyền, chèo bơi. Với ý nghĩa sâu sắc đó nên trong những năm qua Đảng bộ và chính quyền Nghi Thủy tổ chức với quy mô lớn vừa tạo khí thế thi đua lao động sản xuất, vừa bảo tồn phát huy nét văn hóa truyền thống của vùng biển. Đây cũng là mong ước của ngư dân với khát vọng vững vàng bám biển.

Văn hóa làng Nghi Thủy phong phú, đa dạng, thể hiện rõ sắc thái miền biển và còn lưu giữ được nhiều tập tục hay. Vào ngày Rằm tháng Hai (âm lịch) hàng năm, bà con ngư dân đều có mặt ở đền làng thắp hương cầu nguyện cho một mùa ra khơi, vào lộng gặp nhiều may mắn. Đặc biệt với người dân chài trước và sau mỗi lần ra biển không quên thắp nén nhang trước ban thờ Cá Ông để được Ngài phù hộ. Hiện ngư dân Nghi Thủy vẫn còn gìn giữ, bảo quản hai xương sống Cá Ông tại đền Yên Lương. Ông Trương Ngọc Hài – Phó Chủ tịch Hội Nông dân Nghi Thủy cho hay: Tục thờ Cá Ông đã có từ lâu đời của người dân nơi đây, nó trở thành một tín ngưỡng nằm trong đời sống sinh hoạt tâm linh của các ngư dân. Sau mỗi chuyến ra biển tôm cá đầy khoang, họ lại mang ra cúng "Ngài". Ngôi đền thờ Cá ông qua nhiều biến động của lịch sử nay đã không còn nữa. Sau khi đền Yên Lương được trùng tu, tôn tạo lại, nhân dân đã rước “Ngài” về phối thờ tại đền.

Chia tay Nghi Thủy, chúng tôi tìm về Nghi Tân – nơi có đền Vạn Lộc. Đền là nơi tôn thờ Thái úy Nguyễn Sư Hồi - người có công khai cơ, lập làng. Cụ ông Phùng Bá Điểm - Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Nghi Tân, thành viên ban quản lý đền Vạn Lộc cho biết: Theo tục lễ cổ truyền đã có từ hàng trăm năm nay, cứ 3 năm một lần, vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu, nhân dân địa phương lại tưng bừng tổ chức lễ rước kiệu, long ngai, bài vị của Nguyễn Sư Hồi. Đây là một lễ hội lớn, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân địa phương và dân chúng trong vùng, nhộn nhịp, đông vui và trang trọng không kém gì không khí Tết Nguyên đán. Thông thường Lễ hội bắt đầu từ chiều ngày 11 và kết thúc vào tối ngày 16 tháng Giêng (âm lịch), bao gồm 3 phần: Lễ tẩy trần, lễ yết cáo và lễ rước. Trong đó, lễ rước là một hoạt động trọng thể, trang nghiêm và hoành tráng nhất của lễ hội, thu hút hàng ngàn nhân dân địa phương và bà con trong vùng tham gia. Điều đặc biệt là dọc những tuyến đường mà đoàn rước đi qua, các dòng họ (nhất là các dòng họ khai cơ) được làng giao dựng cổng chào trước cổng nhà thờ họ và bày sẵn hương án với đủ bài vị, sắc phong, cùng với hương, rượu, hoa quả, đèn sáp để nghênh đón, bái vọng kiệu và linh vị của Nguyễn Sư Hồi.

Phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi động, như: hát tuồng, cải lương, thi đánh cờ người, thi chọi gà, kéo co... Trên mặt sông Cấm trước đền Vạn Lộc diễn ra hội bơi thuyền hết sức huyên náo, cuốn hút hàng ngàn dân chúng các làng Vạn Lộc, Trung Kiên, Tri Thủy, Yên Lương, Mai Bảng... sinh sống dọc đôi bờ sông Cấm đến xem. Việc tổ chức hội đua thuyền của làng Vạn Lộc nhằm tái hiện lại những chiến tích oai hùng trên sông nước của thủy quân Nguyễn Sư Hồi và ghi nhớ công lao của ông đã dạy cho dân làng cách đóng thuyền đi sông, đi biển. Vào những ngày này, nước sông Cấm mênh mông, sóng vỗ ì oạp, xen lẫn tiếng hò reo cổ vũ của các ngư dân đứng chật trên những con thuyền đánh cá rợp bóng cờ, đậu ken dày dọc đôi bờ sông Cấm. Cùng với việc duy trì lễ hội cổ truyền, phường Nghi Tân đã và đang được lãnh đạo Thị xã Cửa Lò và các ngành cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo, đầu tư để từng bước nâng cấp cảnh quan, kiến trúc đền thờ Nguyễn Sư Hồi và các nội dung hoạt động lễ hội để nơi đây trở thành một trong những điểm nhấn thu hút du khách.

Theo thống kê, trên địa bàn Thị xã Cửa Lò hiện có 29 di tích (trong đó có 10 di tích đã được xếp hạng). Để phát huy hơn nữa giá trị lịch sử - văn hóa, đồng thời đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân và du khách gần xa, năm 2013, Cửa Lò đã phê duyệt đề án “Bảo tồn tôn tạo phát huy các giá trị di tích” trên địa bàn. Cùng với huy động xã hội hóa trùng tu tôn tạo di tích, Cửa Lò đã tiến hành xây dựng các tour du lịch văn hóa tâm linh nội vùng để phục vụ du khách gắn với các di tích như Đền Vạn Lộc – đền Mai Bảng – đền Yên Lương – đền Làng Hiếu - chùa Lô Sơn – chùa Đảo Ngư… Đặc biệt, mùa du lịch 2014 này, tour du lịch Cửa Lò – chùa Đảo Ngư sẽ được vào khai thác phục vụ du khách bằng ca nô của Công ty Song Ngư Sơn. Đây là một trong những hạng mục nằm trong chuỗi hạng mục quan trọng của dự án Song Ngư Sơn có tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Như vậy, cùng với du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa tâm linh với điểm đến là gần 30 di tích lịch sử cũng đang là thế mạnh mà Cửa Lò đã và đang đưa vào khai thác vào mùa Hè 2014 với mong muốn: Du khách sẽ hài lòng hơn khi về với Cửa Lò.

Thanh Thủy

Mới nhất

x
Khám phá di tích gắn với lễ hội truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO