Khẩn cấp phòng, chống lạm dụng tân dược trong học sinh

11/11/2013 18:20

Đó là chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ đã gửi đến Bộ GD&ĐT, Y tế, Công an, Thông tin – Truyền thông, trước thực trạng thời gian gần đây có quá nhiều học sinh (HS) lạm dụng thuốc tân dược để tạo hưng phấn, không sợ học, trong khi đây là loại thuốc rất nguy hiểm, nếu sử dụng liều cao sẽ gây ảo giác, thiếu kiểm soát bản thân, dẫn đến nghiện như ma túy, thậm chí tử vong.

Một số HS nhập viện do lạm dụng thuốc ho Recotus Ảnh: Huyền Nga
Một số HS nhập viện do lạm dụng thuốc ho Recotus Ảnh: Huyền Nga

Sử dụng thuốc ho Recotus hầu hết là HS cấp 2

Tình trạng HS sử dụng thuốc ho Recotus bắt đầu từ năm học 2009-2010, khi lãnh đạo nhiều trường tại TP.HCM như Trường THCS Trần Quốc Tuấn (Q.7), Quang Trung (Q.4), Ngô Sĩ Liên (Q.Tân Bình) phát hiện ra hàng loạt HS sử dụng loại thuốc ho này. Cụ thể, tại trường Ngô Sĩ Liên có 6 HS nam nữ lớp 8 và 9 đã sử dụng.

Vụ việc được phát hiện khi có một HS vào lớp học mệt mỏi, ngủ gà ngủ gật và được đưa xuống phòng y tế nghỉ ngơi. Cán bộ y tế hỏi ra mới biết HS này đã uống Recotus. Từ em này, nhà trường phát hiện thêm rất nhiều HS khác cũng sử dụng.

Ông Đinh Kim Quy, Phó hiệu trưởng Trường THCS Bình An (Q.2) cho biết, các em sợ trả bài, nói mệt xin xuống phòng y tế nhưng rồi ra nhà thuốc để mua thuốc uống. Sự việc diễn ra vào năm học 2010-2011, lúc này, một em HS lớp 8 có biểu hiện nôn ói. Sau đó 12 HS cùng lớp và 8 HS của hai lớp cùng khối cũng có biểu hiện tương tự. Khi nhà trường điều tra thì các em HS cho biết đã sử dụng thuốc ho Recotus do một nữ sinh mua sử dụng...

Cũng năm học này tại Trường THCS Khánh Hội A (Q.4), khi nhà trường phát hiện nhiều HS ngủgật trong lớp đã thực hiện việc điều tra sơ bộ, kết quả là có khoảng 50 HS trong trường đã mua thuốc ho Recotus và đã có gần 30 HS thừa nhận đã uống loại thuốc này, thậm chí có em còn uống 6-7 viên/lần. Hậu quả là vào giờ học, những HS này đã ngủgật ngay tại lớp.

Tại Trường THCS Tăng Bạt Hổ (Q.4), theo Hiệu trưởng Lê Ngọc Hải, ngày 30.9, giáo viên phát hiện 7 HS nữ cất 2 vỉ Recotus. Các em này cho biết, trong những lần ngồi ở quán nước trước cổng trường thì bị một nữ sinh (đã nghỉ học) dụ uống Recotus sẽ có cảm giác lạ, gây hưng phấn, không sợ trả bài, không sợ giáo viên.

Một số em không uống thì bị “đàn chị” bên ngoài nhà trường đe dọa đánh. Các HS này nói bị ép mua rồi bị phân công mang thuốc vào cho các HS khác.

Gần nhất là ngày 25.10.2013, tại Trường THCS Lữ Gia (Q.11), ông Thái Minh Phú, Hiệu trưởng cho hay, giám thị phát hiện ra nhóm HS lớp 8 có gương mặt lờ đờ, nói năng lắp bắp không kiểm soát được hành vi của mình. Nghi ngờ sử dụng thuốc kích thích, nhà trường đã kiểm tra cặp các em và phát hiện 2 vỉ thuốc ho Recotus (1 vỉ đã uống gần hết).

Một số em có biểu hiện bất thường, nói không rõ lời như trạng thái bị say nhưng không có mùi rượu bia. Sau khi phát hiện, nhà trường đã mời phụ huynh các em dùng thuốc đến để bàn cách khuyên răn. Trường cũng nhắc nhở giáo viên chủnhiệm, giám thị thường xuyên kiểm tra đột xuất HS, đặt “anten”, thiết lập đường dây thông tin để ngăn chặn tình trạng này…

Lạm dụng Recotus có thể gây ngộ độc dẫn đến tử vong

Trước tình hình này, mới đây, Văn phòng Chính phủđã có công văn hỏa tốc gửi các Bộ. Theo đó, đề nghị Bộ GD&ĐT điều tra và xác minh để phát hiện kịp thời, tăng cường giáo dục cho HS và phụ huynh về tác hại của thuốc Recotus.

Bộ Y tế phối hợp với các Bộ liên quan tăng cường quản lý việc sản xuất, mua bán thuốc Recotus và các thuốc có chứa chất dextromethorphan. Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp dụ dỗ, bắt ép HS sử dụng thuốc nói trên; phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu đề xuất bổ sung dextromethorphan vào danh mục chất gây nghiện để thuận tiện việc quản lý...

Thực hiện chỉ đạo này, ngày 8.11 vừa qua, đoàn Liên ngành gồm Bộ GD&ĐT, Y tế, Công an đã khảo sát tại TP.HCM. Tại buổi làm việc, Phó chánh thanh tra Bộ Y tế Bùi Đức Phong nói: “Thuốc gây nghiện như nói trên được bán tràn lan là rất nguy hiểm. Bộ Y tế đã chỉ đạo các Sở phải tìm nguồn gốc thuốc ở đâu, nếu trong nhà thuốc thì quản lý được chứ ở bên ngoài thì rất nguy hiểm, có thể qua đường mậu dịch, biên giới, xách tay..., cái này quản lý rất khó.

Về chuyên môn Bộ Y tế sẽ có văn bản chỉ đạo các Sở tăng cường quản lý về hành nghề dược phẩm… TP.HCM có đến gần 1.700 trường học, tuy nhiên, cán bộ y tế chuyên trách còn quá “mỏng” chưa đến 56%, cần phải tăng cường thêm”.

Cũng tại buổi làm việc nói trên, tất cả các trường đều cho biết ngay khi phát hiện sự việc thì thông báo đến phụ huynh để có biện pháp kịp thời, nhưng phải mềm dẻo để khuyên nhủ, uốn nắn các em, tránh tạo áp lực tâm lý trong HS và phụ huynh. Các trường báo cáo với Công an, chính quyền địa phương nắm tình hình, khuyến cáo các nhà thuốc trên địa bàn không bán thuốc cho HS khi không có toa bác sĩ hoặc không có người lớn theo cùng…

Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV (BộGD&ĐT) đã yêu cầu các cơ quan liên quan phải có lực lượng hỗ trợ, bảo vệ HS khi bịép buộc phải dùng thuốc.

Hiện nay chế tài xử lý nhà thuốc bán thuốc không đúng quy định như thế nào, tại sao các loại thuốc nguy hại như vậy mà trẻ con mua cũng bán? Ngoài Recotus thì còn những loại thuốc nào có tác hại tương tự để biết mà cảnh báo, đề nghị ngành y tế nhanh chóng kiểm tra.(Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV, Bộ GD&ĐT)

Theo VH

Mới nhất
x
Khẩn cấp phòng, chống lạm dụng tân dược trong học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO