Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân

27/06/2011 11:18

Do ảnh hưởng của Cơn bão số 2, trong các ngày 24 và 25/6 tại các địa phương trong tỉnh như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu, Thị xã Thái Hoà, Quỳnh Lưu, Qùy Hợp đã có mưa to kèm theo lốc xoáy gây thiệt hại nghiêm trọng. Hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, nước lũ cuốn trôi. Hàng chục ngàn ha hoa màu, lúa bị nhấn chìm trong biển nước; giao thông liên lạc bị chia cắt...

Do ảnh hưởng của Cơn bão số 2, trong các ngày 24 và 25/6 tại các địa phương trong tỉnh như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu, Thị xã Thái Hoà, Quỳnh Lưu, Qùy Hợp đã có mưa to kèm theo lốc xoáy gây thiệt hại nghiêm trọng. Hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, nước lũ cuốn trôi. Hàng chục ngàn ha hoa màu, lúa bị nhấn chìm trong biển nước; giao thông liên lạc bị chia cắt...


Tại Kỳ Sơn, do ảnh hưởng cơn bão số 2, đỉnh lũ cao nhất trong lịch sử từ trước đến nay, so với cơn lũ lớn năm 2005 thì mức nước cao hơn 5m. Nước lũ dâng cao làm tê liệt giao thông trên tuyến đường 7, tuyến huyết mạch duy nhất nối Kỳ Sơn với các huyện khác. Tại địa bàn thị trấn Mường Xén, mặt đường quốc lộ có đoạn nước ngập sâu tới 3 m. Một số các tuyến đường liên xã cũng bị đất đá sạt lở và nước các con suối dâng cao.


Dòng nước chảy xiết và mạnh, làm sạt lở nhiều nhà dân ở hai bên bờ sông. Hàng chục ngôi nhà bị sập và cuốn trôi, hàng trăm ngôi nhà khác bị ngập trong nước lũ. Hơn một nửa số hộ dân trên địa bàn thị trấn Mường Xén đã bị ngập lụt. Hai cầu treo ở khối 4 thị trấn và bản Khe Tang xã Chiêu Lưu bị cuốn trôi, hàng trăm hộ dân bên kia sông bị cô lập. Đặc biệt, có một xe khách bị cuốn trôi trong lũ, rất may không có thiệt hại về người.

Đến 8h sáng 26/6, nước lũ đã rút khỏi mức báo động, tuy nhiên, các tuyến giao thông vẫn đang tê liệt do sạt lở và bùn đất quá dày. Khu buôn bán sầm uất nhất của thị trấn Mường Xén nay trở nên hoang tàn. Đất bùn dày hàng mét. Cây cầu treo, cây cầu duy nhất để đi lại của học sinh các trường học, các công sở và hàng trăm hộ dân nơi đây giờ đã đứt gãy. Không có nước sạch, mất điện, giao thông chưa thông suốt, người dân Kỳ Sơn đang đứng trước tình trạng hết sức khó khăn.


Theo báo cáo nhanh của Ban Phòng chống lụt bão huyện, tính đến thời điểm hiện tại đã có trên 115 ngôi nhà bị sập và cuốn trôi, trong đó có 5 trường học, hơn 700 nhà bị ngập, nhiều trụ sở cơ quan bị thiệt hại nặng. Đường dây điện bị hư hại nghiêm trọng. Hiện chưa thể thống kê chính xác con số thiệt hại về người và tài sản. Ông Mùa Nỏ Xử- Phó Ban Phòng chống bão lụt huyện Kỳ Sơn cho biết; Hiện tại huyện hỗ trợ cho những nhà bị trôi hoàn toàn là 10 triệu đồng, nhà bị sạt lở 5 triệu đồng, các trường học bị hư hỏng cũng được hỗ trợ 5 triệu, còn các trường bị cuốn trôi thì phải xin ngân sách xây dựng lại".



Khắc phục hậu quả Cơn bão số 2 tại Tương Dương và Kỳ Sơn.
Ảnh: Công Kiên, Xuân Tuấn, Trần Hoài, Nguyễn Phê


Tại Tương Dương, dọc các tuyến đường, dòng nước lũ cuồn cuộn, đã làm sạt lở bờ sông và ta-luy đường, nhà cửa bị cuốn trôi và xiêu đổ, nhiều hộ vẫn còn bị ngập nước và bùn nhão...


Bản Khe Kiền, (xã Lưu Kiền), một trong những địa bàn hứng chịu nặng nề sự tàn phá của trận lũ, chính quyền địa phương và bà con nhân dân đang nỗ lực giúp đỡ nhau khắc phục hậu quả. Một số gia đình dựng nhà dọc Quốc lộ 7A và ven sông Nậm Mộ bị lũ cuốn trôi, làm đổ nhà hoặc trôi móng, sập tường...


Chi Vi Thị Thanh kể lại: "Nước lũ bắt đầu dâng cao vào khoảng 15h chiều 25/6. Nước chảy xiết, lại dâng lên rất nhanh nên hầu hết các gia đình bị ngập, chỉ sơ tán được một số ít đồ đạc, còn lại đều bị hư hỏng và nước cuốn trôi. Gia đình tôi chỉ cứu được mấy chục kg gạo. Chưa bao giờ có trận lũ nào lớn như vậy". Tương tự, ông Lô Văn Tuấn cho biết: "Nước lên cao, chảy rất mạnh, tôi giục mấy đứa nhỏ chạy nhanh lên núi rồi ôm một số quần áo chạy theo. Lúc quay lại thì nước đã ngập, không lâu sau móng nhà bị lở, nhà bị nước đẩy xiêu". Cùng với bản Khe Kiền, các bản khác như Xoóng Con, Lưu Phong, bản Pủng đều bị thiệt hại nặng. Uớc tính mức thiệt hại toàn xã Lưu Kiền lên tới gần 4 tỷ đồng.


Tại tuyến đường Yên Hòa đi xã Nga My nhiều đoạn bị sạt lở, cắt đứt giao thông. Anh Lương Văn Phòng sinh năm 1985 tại bản Na Ca-Nga My (Tương Dương) bị lũ cuốn mất tích đến nay vẫn chưa tìm thấy. Cây cầu bắc qua bản Khe Ngậu xã Xá Lượng bị lũ quét cuốn trôi. Toàn huyện Tương Dương có 278 ngôi nhà bị ngập, 16 ngôi nhà bị cuốn trôi, ngập 6 ngôi trường học, trong đó lũ quét đã tàn phá sập 1 trường tiểu học ở Bản Hạt. Ông Vi Tân Hợi- Phó Chủ tịch huyện Tương Dương cho biết: Huyện đang chỉ đạo các lực lượng quân đội, công an, đoàn thanh niên...trên 300 người, kết hợp với lực lượng tại chỗ của địa phương, nạo vét bùn đất tại Trường Tiểu học bản Hạt-Yên Tĩnh và tu sửa nhà bị sập cho nhân dân các xã Lưu Kiền, Yên Na.


Tại Thị xã Thái Hòa: Trước tình hình ngập lụt cục bộ tại nhiều khu dân cư của phường Quang Phong, Long Sơn, xã Nghĩa Hòa và Nghĩa Tiến, bắt đầu từ 16h ngày 25/6, BCH phòng chống bão lụt thị xã đã huy động lực lượng công an, quân sự ứng cứu. Lực lượng này đã nhanh chóng triển khai xuống giúp đỡ, sơ tán, di chuyển các hộ dân bị ngập sâu trong nước và các hộ có nguy cơ bị ngập. Theo thống kê ban đầu, Thái Hòa đã có 84 nhà dân ngập trong nước.


Điều đáng nói là, trong hàng chục năm qua thì chưa bao giờ có hiện tượng lũ lụt vào tháng 5 âm lịch như năm nay. Do đó, dù mưa lớn kéo dài, nhiều người dân vẫn chủ quan nên đã có thiệt hại đáng kể về cây trồng, vật nuôi. Tính đến 8h sáng ngày 26/6, nước sông Hiếu đã rút được 50cm; các vùng ngập lụt sâu trên 1m nước rút xuống còn 50cm, vùng ngập ít hơn thì hầu như nước đã rút hết.


Theo thống kê của UBND thị xã Thái Hòa, trong đợt mưa lụt này, địa phương bị ngập 30 ha lúa vụ xuân chưa kịp thu hoạch, 55 ha ngô, 48 ha rau đậu và 130 ha mía, không có thiệt hại về người.


Bắt đầu từ 9h sáng hôm nay, ngành Y tế tổ chức cấp phát CloraminB, phèn chua cho các hộ dân trong vùng lụt để xử lý nước sinh hoạt. Đồng thời cử cán bộ y tế xuống các vùng này để kiểm tra, xử lý các vấn đề vệ sinh, phòng bệnh sau mưa lụt.


Tại Quỳnh Lưu: Ảnh hưởng bão số 2 gây ngập úng lúa vụ hè - thu tại 25/43 xã, thị trấn. Trong đó, thống kê sơ bộ, mưa lớn tại xã Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Quỳnh Liên...đã gây ngập úng gần 1000ha hoa màu các loại, hàng chục tấn muối của các địa phương như An Hoà, Quỳnh Thuận, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Minh đã bị tiêu huỷ hoàn toàn do mưa lớn kèm theo lốc xoáy làm tốc mái các nhà kho.

Riêng tại xã Quỳnh Long, Tiến Thuỷ... lốc kèm theo mưa lớn (chiều tối 23/6) đã làm hàng chục ngôi nhà tốc mái, 2 tàu thuyền của ông Nguyễn Văn Hồng (Tiến Thuỷ) và Trần Tý (Quỳnh Long) trên đường vào bờ tránh bão đã chết máy và bị chìm tại khu vực Đảo Mắt đã được các tàu lớn kịp thời kéo vào bờ. Hồi 19 giờ 30 ngày 23/6/2011 có 02 tàu của ông Phạm Văn Đức mang biển số NA- 4876-TS, trên tàu có 4 lao động và tàu ông Hồ Văn Báu, (Quỳnh Phương) mang biển số NA- 4686-TS, trên tàu có 4 lao động, cả hai tàu bị chìm ở Lạch Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh), hiện nay đã được ngư dân địa phương trục vớt đưa vào bờ, số lao động trên đã trở về an toàn, các tàu bị hư hỏng nặng. Ngay sau khi bão Số 2 suy yếu, mưa tạnh, vào sáng 25/6, lãnh đạo huyện đã cử đoàn xuống các xã bị lốc tổng hợp tình hìnhthiệt hại cũng như chỉ đạo địa phương huy động lực lượng khắc phục hậu quả.


Tính đến thời điểm sáng 26/6, ước tính thiệt hại do lốc kèm theo mưa to cộng với ảnh hưởng của Cơn bão Số 2 đã làm hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái. Rất may không có thiệt hại về người.


Tại Quỳ Hợp: Mưa to kèm theo gió xoáy đã làm nước các khe suối dâng cao gây ngập lụt trên diện rộng, khiến hàng trăm héc ta hoa màu, mía và lúa ở các vùng ven khe bị chìm trong nước. Gió xoáy và lũ quét đã làm một cột điện 350 KV bị nghiêng khiến nhiều khu vực bị mất điện...! 9h30 phút ngày 25/6, mưa lũ cũng đã cuốn trôi một người đi làm nương trên đường trở về bản. Cho đếnhôm nay, mặc dù UBND huyện Quỳ Hợp đã chỉ đạo xã Châu Thái huy động nhân lực tìm kiếm suốt cả ngày và đêmnhưng hiện vẫn chưa tìm thấy thi thể người bị nước lũ cuốn trôi!.


Tại Quỳ Châu: Trong 2 ngày 24-25/6 đã xảy ra mưa to, lượng mưa đo được phổ biến là 200 mm, khiến cho lũ trên các sông, suối lên nhanh.


Mưa bão đã làm sập 2 nhà, tốc mái 25 nhà và 85 nhà thuộc diện bị di dời, thiệt hại 20 ha hoa màu, ngập và vùi lấp 150 ha lúa, thiệt hại 5 ha rừng từ 1 đến 5 tuổi và ngập gần 4 ha mạ. Về thuỷ sản bị ngập 5,5 ao cá, trôi 24 lồng cá và 70 kg cá giống, chủ yếu tại 2 xã Châu Tiến và Châu Bính. Quốc lộ qua đoạn Khe Súng xã Châu Hạnh bị tắc do nước dâng cao ngập trên 2m. Giao thông đi các thôn bản bị sạt lở nhiều nơi. Riêng tại xã vùng trong gồm Châu Phong, Châu Hoàn và Diên Lãm đang bị cô lập.


Tại Yên Thành: Ảnh hưởng cơn bão số 2, gây ngập úng 3.500 ha lúa hè thu mới cấy được 2 - 3 ngày. Ngay sau khi hết mưa, lãnh đạo huyện Yên Thành trực tiếp xuống các địa phương có diện tích lúa bị ngập lụt kiểm tra, đánh giá tình hình thực tế. Phần lớn diện tích lúa bị ngập sâu trong nước từ 20 - 40 cm. Những cánh đồng bị ngâm nước 3 ngày nguy cơ sẽ mất trắng. Huyện đã có phương án chỉ đạo các địa phương theo dõi đồng ruộng để có giải pháp khắc phục sau khi nước rút.

Đối với những nơi lúa bị chết thì triển khai ngay phương án gieo cấy lại, bằng cách tận dụng số mạ thừa, hoặc trước mắt bà con đầu tư mua giống để gieo cấy lại. Hiện tại, một số địa phương vùng cao đang cấy hè thu, khả năng thừa mạ, do vậy bà con nên tận dụng để cấy lại, hoặc cấy dặm. Những đám ruộng có thể khắc phục được thì bà con cần đầu tư phân bón để cây lúa phát triển nhanh. Hiện huyện chưa có chính sách hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do lũ.


Nhóm PV

Mới nhất
x
Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO