Tại một hội nghị phát hành báo đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Hằng khẳng định : "Đã qua hơn 10 năm nhưng Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vẫn còn nguyên giá trị, không sửa đổi, không bổ sung để khẳng định sự đúng đắn của việc mua và sử dụng báo đảng..."
Thời gian qua, Báo Nghệ An ngày càng nâng cao về chất lượng, đa dạng hóa các chuyên mục, tăng tính chính luận, phản biện, đảm bảo thông tin luôn chính xác, nhanh chóng, có sức hút với độc giả. Nhờ vậy, số lượng phát hành báo Nghệ An hàng ngày luôn đạt trên 10.200 tờ/kỳ, báo cuối tuần khoảng 9.400 tờ/kỳ.
![]() |
Đọc báo trong giờ nghỉ ở Trường Tiểu học Lê Mao (TP Vinh).
Các huyện, thị Đô Lương, Nam Đàn, Cửa Lò 6 tháng đầu năm 2011, số lượng giảm so năm 2010; tỷ lệ giảm từ 2-5%; dù giảm nhưng vẫn đạt tỷ lệ trên 100% chỉ tiêu.
Huyện Quỳnh Lưu 6 tháng năm 2011 đạt tỷ lệ 103%, tăng so với năm 2010 nhờ các chi bộ ngành Giáo dục đã có văn bản hướng dẫn, yêu cầu các chi bộ trường học phải đảm bảo có đủ báo đảng. Ngoài ra, phòng Giáo dục còn trích kinh phí để mua báo cho 44 chi bộ mầm non bán công. Hiện nay, Quỳnh Lưu là đơn vị giáo dục duy nhất của tỉnh đạt tỷ lệ 100% chi bộ có báo Nghệ An.
Hưng Nguyên, Diễn Châu, Thái Hòa... chỉ số phát hành báo đảng tăng, giảm bất thường, so chỉ tiêu đạt trên 90%. Các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Nghi Lộc, Con Cuông chỉ đạt trên 80%. Mặc dù vậy, vẫn còn 2 huyện yếu nhất: Tân Kỳ và Kỳ Sơn. Huyện đồng bằng Yên Thành cũng đạt thấp với tỷ lệ bình quân chỉ 72%.
Đáng biểu dương là huyện miền núi Quỳ Hợp và Nghĩa Đàn. Quý VI-2010 và quý I-2011, 2 đơn vị này sụt giảm lượng báo Nghệ An và báo Nhân Dân. Hai đơn vị này quyết liệt chỉ đạo, trung tuần quý II chỉ số phát hành Quỳ Hợp đã tăng lên 100 số, đưa tỷ lệ đạt 85%. Huyện Nghĩa Đàn tăng 30 số, đạt tỷ lệ 85%.
Nhìn chung, ở các địa phương đạt chỉ tiêu mua và sử dụng báo đảng cao là nhờ cấp ủy đảng nhận thức đúng, quán triệt tốt, ban hành các công văn, hướng dẫn và chỉ đạo, đưa việc đặt báo làm tiêu chí chấm điểm thi đua của Thường trực huyện ủy, Ban Tuyên giáo. Phối hợp tốt cùng với Bưu điện, phòng Giáo dục để nắm bắt thông tin, thường xuyên kiểm tra, có biện pháp khắc phục hạn chế trong việc đặt mua và sử dụng báo đảng ở các đơn vị.
Bên cạnh đó, các đảng bộ nông thôn luôn chấp hành tốt việc mua và sử dụng báo đảng, đặc biệt là đảng viên ở các vùng này sử dụng báo đảng rất hiệu quả. Một số ít địa phương trắng báo đảng do đơn vị yếu kém về chỉ tiêu thi đua, tỷ lệ hộ nghèo, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp...
Trao đổi về những hạn chế trong việc mua và sử dụng báo đảng, một số đơn vị đã đổ lỗi cho việc không có kinh phí. Tuy nhiên, qua tìm hiểu cho thấy thực chất nguồn kinh phí cấp cho việc mua báo đảng lại sử dụng vào việc khác. Một số đảng bộ hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp ở các huyện, thị, các đoàn thể và ngành Giáo dục đều có nguyên nhân là ít quan tâm đến báo đảng nên tỷ lệ đạt thấp.