Khẳng định vị thế trung tâm tài chính khu vực Bắc Trung bộ
(Baonghean) - Một trong những “dấu ấn” nổi bật của nhiệm kỳ 2010-2015, đó là sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Sự phát triển nhanh, mạnh này đã tạo được nguồn vốn huy động lớn đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển trên địa bàn, vươn tầm Trung tâm tài chính ngân hàng khu vực Bắc Trung bộ.
Có thể nói, một trong những “dấu ấn nhiệm kỳ” dễ nhận thấy nhất đó là việc hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn có sự phát triển mạnh mẽ, tăng cả số lượng và chất lượng.
Tăng nhanh quy mô và chất lượng dịch vụ
Điều này, đã tạo điều kiện thuận lợi để dòng tín dụng phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng đối với nền kinh tế. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An cho thấy, đến thời điểm này, trên địa bàn có: 94 tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh TCTD cấp 1; 248 phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm; 483 điểm giao dịch; 240 máy ATM và 760 POS; 1 chi nhánh bảo hiểm tiền gửi khu vực Bắc Trung bộ. Nếu so với đầu nhiệm kỳ về mặt số lượng, đã tăng thêm 4 chi nhánh ngân hàng TMCP, 11 quỹ TDND cơ sở, 119 phòng giao dịch, 105 máy ATM và 520 POS.
Giao dịch tại HD Bank chi nhánh Vinh. Ảnh: H.S |
Điểm qua một số ngân hàng trên địa bàn, cho thấy sự phát triển rất nhanh, tăng về quy mô, sử dụng công nghệ thanh toán hiện đại đáp ứng như cầu nguồn vốn cho nền kinh tế. Sau 20 năm hoạt động trên lĩnh vực tín dụng ngân hàng, Ngân hàng Công thương Bến Thủy đã được đổi tên thành Ngân hàng Công thương Chi nhánh Thành phố Vinh (VietinBank), phục vụ tốt nhu cầu vốn đầu tư phát triển trên địa bàn. Tổng nguồn vốn huy động tại chỗ của chi nhánh năm 2014 hơn 2.500 tỷ đồng, đạt 310% so với năm 2010, nguồn vốn tăng trưởng bình quân 32,5%/năm, tổng dư nợ đạt gần 2.000 tỷ đồng, bằng 200% so với đầu nhiệm kỳ; tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm hơn 18%. Đồng chí Võ Huy Hạ, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc VietinBank, chi nhánh Thành phố Vinh cho biết: “Chi nhánh sẽ luôn bám sát chủ trương đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, định hướng của VietinBank, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế của chi nhánh để thực hiện tốt công tác huy động vốn, tăng trưởng đầu tư tín dụng đảm bảo an toàn, hiệu quả, góp phần khẳng định vị thế thương hiệu VietinBank…”. Còn với Ngân hàng Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh chi nhánh Vinh (HD Bank Vinh) mới thành lập, hoạt động hơn 5 năm nhưng với phong cách linh hoạt, “cam kết lợi ích cao nhất” đã phát triển với mạng lưới 5 phòng giao dịch, tập trung cho vay bán lẻ, lĩnh vực kinh doanh vừa và nhỏ, cho vay xuất, nhập khẩu... tận dụng lợi thế nguồn vốn ưu đãi từ nguồn JIBIC/JICA của Chính phủ Nhật Bản nên nguồn vốn và dư nợ không ngừng tăng cao, đạt 1.200 tỷ đồng vào năm 2014 với hơn 20 ngàn khách hàng giao dịch.
Với sự phát triển nhanh về số lượng, các tổ chức tín dụng, ngân hàng đã làm tốt vài trò trung gian giữa người gửi tiền và người vay tiền, định hướng dòng tiền vào các lĩnh vực ưu tiên, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Đồng thời giúp thu hút được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Nhiệm kỳ qua, tín dụng ngân hàng tăng trưởng liên tục gắn liền với quá trình phát triển của nền kinh tế tỉnh nhà. Dư nợ đến thời điểm hiện tại ước đạt 118.245 tỷ đồng, gấp 2,55 lần so với năm 2010, bình quân hàng năm tăng 20,9%; nguồn vốn huy động ước đạt 73.319 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với năm 2010, bình quân hàng năm tăng 21,4%. Nợ xấu chiếm 1,6% tổng dư nợ, thấp hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Nguồn vốn của các TCTD, chi nhánh TCTD trên địa bàn đã tạo điều kiện cho các ngành, các lĩnh vực sản xuất, các dự án theo định hướng của Chính phủ, của tỉnh phát triển, giúp cho các doanh nghiệp có nguồn lực để đầu tư đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm... Trong nguồn dư nợ cho vay của các TCTD, nguồn vốn vay sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ước đạt 26.305 tỷ đồng, dư nợ cho vay chế biến tiêu thụ nông, lâm, thủy sản và muối ước đạt 6.523 tỷ đồng, dư nợ cho vay sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn ước đạt 3.401 tỷ đồng, dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn nông thôn ước đạt 3.811 tỷ đồng; cho vay vốn đầu tư phát triển của Nhà nước ước đạt 21.431 tỷ đồng; chương trình tín dụng cho các đối tượng chính sách ước đạt 6.292 tỷ đồng; cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đạt 29 tỷ đồng; cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg đạt 83,5 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ nhà ở đạt 130 tỷ đồng.
Dây chuyền chế biến gỗ MDF đang được lắp đặt tại Nhà máy gỗ MDF Nghệ An từ nguồn vốn vay ngân hàng thương mại trên địa bàn. Ảnh: H.s |
Một số công trình được ngân hàng trên địa bàn tài trợ vốn đã góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh nhà như: Dự án chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn tại Nghĩa Đàn, Dự án Thủy điện Bản Vẽ, Thủy điện Hủa Na, Dự án Liên doanh mía đường Tate&Lyle, Dự án Nhà máy chế biến gỗ MDF tại Nghĩa Đàn... Các ngân hàng, TCTD đã không ngừng cung ứng các dịch vụ tiện ích, đáp ứng nhu cầu người dân và doanh nghiệp, trong đó nổi bật là dịch vụ thanh toán và các dịch vụ liên quan hoạt động ngoại hối. Với các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo nhanh - chính xác - an toàn nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, đã tạo điều kiện cho nguồn vốn của các DN chu chuyển thuận lợi, nhanh chóng, là cơ sở đẩy nhanh tốc độ chu chuyển vốn của các DN - tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; phục vụ tốt cho quá trình trao đổi và lưu thông hàng hoá trong nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất phát triển. Các hoạt động thanh toán qua thẻ, trong đó các tiện ích của thẻ thanh toán cũng được các ngân hàng quan tâm và ngày càng nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, các giao dịch thanh toán điện tử như thanh toán trực tuyến qua mạng, các dịch vụ Internet banking, mobile banking có xu hướng tăng trưởng mạnh. Đến thời điểm hiện tại, tổng số thẻ đang hoạt động trên địa bàn đạt 883 nghìn thẻ. Trong đó, thẻ nội địa chiếm 97,6%, thẻ quốc tế chiếm 2,4%, với hệ thống mạng lưới máy ATM đạt 240 máy và 760 máy POS.
Xứng tầm trung tâm tài chính vùng Bắc Trung bộ
Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ. Thực hiện Chương trình hành động và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện nghiêm túc việc nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, đồng hành cùng với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào các dự án có hiệu quả trên địa bàn tỉnh cũng như trong khu vực.
Báo cáo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, Nghệ An đang dần trở thành trung tâm tài chính, ngân hàng của khu vực, cụ thể: Với dư nợ và nguồn vốn huy động hiện tại, Nghệ An đang là tỉnh có dư nợ lớn thứ 3 của cả nước (chỉ sau TP.Hồ Chí Minh và TP.Hà Nội) và là tỉnh có mức huy động vốn lớn thứ 8 trong cả nước; đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ về dư nợ và huy động vốn, đáp ứng tốt nhu cầu về dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp, người dân trong tỉnh và trong khu vực; tổng nguồn vốn đầu tư ngoài địa bàn chiếm khoảng 27% tổng nguồn vốn cho vay của các ngân hàng trên địa bàn cho thấy các ngân hàng trên địa bàn đã tăng cường cung cấp dịch vụ cho các dự án, doanh nghiệp trong khu vực Bắc Trung bộ trong đó có nhiều dự án lớn, trọng điểm như Dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa, Dự án BOT Quốc lộ 1A đoạn Đông Hà - Quảng Trị, Dự án Thuỷ điện Quảng Trị, Dự án Nhà máy xi măng Sông Gianh ở Quảng Bình, Dự án Thủy điện Kẻ Gỗ ở Hà Tĩnh... Một số dự án đến nay đã đi vào hoạt động và đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cho khu vực nói chung và các tỉnh bạn nói riêng.
Để hệ thống ngân hàng trên địa bàn tiếp tục phát triển ổn định, bền vững phục vụ ngày một tốt hơn cho nền kinh tế của tỉnh và khu vực, ngoài các giải pháp tăng cường huy động vốn và mở rộng đầu tư tín dụng một cách an toàn, hiệu quả, tiếp tục xử lý, thu hồi nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa gia tăng nợ xấu; thực hiện nghiêm túc các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn... Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Nghệ An cho biết: Chi nhánh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm theo chỉ đạo của Chính phủ và của Thống đốc NHNN; thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt nhằm đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả; đồng thời gắn với mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An để đầu tư khai thác các tiềm năng, thế mạnh kinh tế, hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Một điều rất cần thiết nữa đó là, các ngân hàng cần chủ động trong việc mở rộng hệ thống mạng lưới, nâng cấp cơ sở hạ tầng cung cấp dịch vụ, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là tại 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh đã xác định gồm TP.Vinh, Thị xã Cửa Lò, các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An, Bắc Hà Tĩnh; vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa, Bắc Nghệ An; vùng miền Tây Nghệ An mà trọng tâm là Nghĩa Đàn, TX.Thái Hòa, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Đô Lương. Có như vậy, hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu về vốn đầu tư, phát triển của nền kinh tế, nâng tầm trung tâm tài chính khu vực Bắc Trung bộ.
Hồng Sơn