“Khát” ở Nậm Cắn
(Baonghean) - Mặc dù ảnh hưởng của cơn bão số 2, vừa qua trên địa bàn Kỳ Sơn có mưa, nhưng lượng mưa vẫn không đủ làm cho xã biên giới Nậm Cắn - Kỳ Sơn giảm đi cơn “khát”, khi nắng nóng còn tiếp tục kéo dài khiến mọi khe, suối đều bị cạn kiệt.
Dọc đường lên Cửa khẩu Nậm Cắn, chúng tôi thấy nhiều rẫy ngô của bà con người Mông đã bị úa màu khô héo. Tại bản Trường Sơn nhiều phụ nữ và trẻ em mang theo can nhựa xuống các lòng khe, suối để lấy nước.
Chị Mái Y Lỳ ở bản Trường Sơn - Nậm Cắn hứng nước tự chảy tại bể nước ven vách núi do xã đầu tư.
Chị Mái Y Lỳ (32 tuổi) ở bản Trường Sơn đang dùng xô nhựa để hứng từng giọt nước chảy ra từ chiếc vòi tự tạo trong vách núi tâm sự: Ảnh hưởng cơn bão số 2, tưởng mưa lớn bà con mừng lắm, ai dè mấy ngày trời âm u đổ mưa ít rồi lại hửng nắng gay gắt. Bà con lại phải đi xách nước sinh hoạt vất vả lắm. Theo như chị Lỳ thì xã đầu tư cho bản Trường Sơn một đường ống lấy nước từ trong vách núi ra và cho chảy vào một bể nước nhỏ. Nhưng nước chảy ri rỉ chờ lâu lắm, cứ thay phiên nhau, mỗi gia đình được khoảng 3 can nước, chủ yếu dùng để nấu ăn, còn tắm rửa thì phải xuống khe, suối.
Chúng tôi đi ngược lên bản Tiền Tiêu gặp chị Hờ Y Hua đang đi lấy nước. Chị than thở: “Mấy bể nước ở Tiền Tiêu đều đã khô cạn. Hiện nay, người dân bản Tiền Tiêu đang phải tự đi “tạo nước” bằng cách vào rừng tìm, chỗ nào đất ẩm ướt là đào một hố nhỏ để nước rỉ đọng vào. Mấy ngày nay chồng tôi đang đi tìm nguồn nước nhưng cũng chưa tìm ra, đang phải dùng chung hố nước với gia đình khác.
Lỳ Bá Xúa - Phó bản Tiền Tiêu cho biết: Bản có trên 150 hộ dân mà chỉ có 3 bể nước nhưng đều đã khô đáy từ lâu. Nước ở các khe, suối bị khô cạn, mấy ngày nay bản đang huy động lực lượng vào rừng để thăm dò, đào hố lấy nước từ trong lòng núi. Tìm nước kiểu này rất vất vả, có khi đi cả mấy ngày trời vào rừng mới tìm và đào được hố nước. Và để cõng được nước về cũng phải đi cả mấy cây số dốc cao, vực thẳm.
Dọc đường đi vào bản Khánh Thành (bản chưa có hệ thống nước tự chảy). Tại đây chúng tôi thấy có chiếc xe ô tô tải đang chở nước vào bán cho các bản làng ở Nậm Cắn. Khác với những chiếc xe “tẹc” bán nước ở các xã vùng ven biển Diễn Châu, Quỳnh Lưu. Xe tải ở đây phía sau đựng đầy can nước, họ bán nước theo từng can.
Xe ô tô bán nước cho bà con xã Nậm Cắn.
Anh lái xe không tiết lộ giá nước bao nhiêu một can mà chỉ cho hay: Chúng tôi tìm được nguồn nước sạch rồi đóng vào can và vận chuyển bằng xe ô tô lên Nậm Cắn, ai có nhu cầu mua là bán, thậm chí 2-3 gia đình chung nhau mua cả “ô tô nước” khoảng trên 50 can nước loại 20 lít để đưa vào nương rẫy phục vụ làm ngô, lúa.
Ông Lầu Chơ Của nói: Bà con ở Nậm Cắn đang còn nghèo nên mua nước về sinh hoạt là rất ít, chủ yếu bà con tự đi tìm nước. Xe ô tô vận chuyển nước lên chủ yếu bán cho các hộ dân ở các vùng rẫy núi đá không thể tìm được mạch nước.
Ông Hờ Chống Nhìa - Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cho biết: Nậm Cắn có 737 hộ dân (4.010 nhân khẩu), cả xã có 6 bản, trong đó có 3 bản người Mông là: Tiền Tiêu, Trường Sơn và Huồi Pốc, còn lại là 2 bản người Khơ Mú và Thái. Nậm Cắn đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng công trình nước tự chảy cho 5 bản (riêng bản Khánh Thành chưa có). Nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng ở Nậm Cắn là do nước ở đầu nguồn bị khô cạn nên không thể cung cấp được cho các bể nước của bản. Chưa kể là hệ thống đường ống dẫn nước bị sạt lở núi làm hư hỏng và một số đoạn đường ống bị một số người dân thiếu ý thức phá hỏng.
Tại đầu nguồn nước của bản Noọng Dẻ còn bị ô nhiễm nặng do bà con nuôi trâu, bò tập trung ngay tại đầu nguồn. Để đối phó với tình trạng “đại khát”, UBND xã Nậm Cắn đã trích kinh phí để xây dựng 3 bể chứa nước trị giá 1 triệu đồng/bể. Gọi là bể nhưng chỉ chứa được chưa đầy 1m3 nước, các bể này được xây để lấy nước chảy rỉ ra nhỏ giọt từ các hốc núi ẩm ướt. 2 bản sử dụng chung một bể, trước đây xã đã đầu tư cho các bản xây dựng 2 giếng nhỏ để chứa nước nhưng các giếng này đều không sử dụng được do nước đã cạn kiệt.
Theo một số già bản ở Nậm Cắn, nguyên nhân quan trọng nữa là lâu nay những cánh rừng đầu nguồn giáp với biên giới Việt - Lào bị chặt phá trọc trụi. Không có rừng thì sẽ không giữ được nguồn nước. Qua tìm hiểu được biết, hệ thống nước tự chảy ở Nậm Cắn đã được đầu tư bằng các nguồn vốn của Nhà nước nhưng còn dàn trải và chưa hiệu quả. Như 2 bản Trường Sơn và Tiền Tiêu có đến trên 320 hộ dân nhưng chỉ được 6 bể chứa, mỗi bản 3 bể.
Theo ông Hờ Chống Nhía thì bản Tiền Tiêu phải cần đến 6 bể nước, vì mỗi khi có nước đều xuất hiện tình trạng tranh giành nhau nước và tắm giặt. Nậm Cắn đang rất cần được Nhà nước đầu tư tu sửa hệ thống nước sinh hoạt đồng bộ để bà con có điều kiện vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Văn Trường