Khát vọng đại dương

01/04/2011 18:23

Ngày 5-6-1911, bước chân lên con tàu Đô đốc La-tút-sơ Tơ-rê-vin, Nguyễn Tất Thành (lấy tên là Văn Ba) rời bến cảng Nhà Rồng bắt đầu chuyến hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.

Hơn 10 năm sau (năm 1923), trả lời câu hỏi của một nhà báo Nga, Nguyễn Tất Thành lý giải mục đích cuộc xuất dương của mình: "Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi nghe ba chữ Pháp Tự do, Bình đẳng, Bác ái... Tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn dấu đằng sau những chữ ấy?".

Hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành đi qua 28 quốc gia trên thế giới, xuất phát từ một anh phụ bếp trên chiếc tàu vận tải hàng hải của Pháp. Cuộc sống và lao động vất vả, tiền công rẻ mạt nhưng anh luôn bền tâm vững chí. Những lúc rảnh rỗi, anh thường đọc sách báo hoặc tìm cách giao tiếp với những người trên tàu để học ngoại ngữ, nhất là tiếng Pháp. Nhờ kiên trì tự học, một thời gian sau vốn từ tiếng Pháp của anh ngày một nhiều, các kỹ năng giao tiếp cũng ngày một tốt hơn. Con tàu La-tút-sơ Tơ-rê - vin cập cảng Mác - xây, Nguyễn Tất Thành được tiếp xúc với người dân nơi đây và nhận thấy người Pháp trên đất Pháp tốt và lịch sự hơn những tên thực dân Pháp ở Đông Dương.

Tàu La- tút-sơ Tơ-rê-vin, chở người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước Ảnh tư liệu (K.H sưu tầm)


Rồi anh lại tiếp tục làm thuê cho một chiếc tàu của hãng Sác - giơ Rê - uy - ni đi vòng quanh các nước châu Phi. Mỗi lúc tàu cập bến, Nguyễn Tất Thành thường tranh thủ lên đất liền để tìm hiểu cuộc sống của người dân sở tại. Anh xót xa trước thân phận nô lệ của người dân nơi đây, họ bị hành hạ không khác gì thú vật, trở thành vật dụng và hàng hóa trao đổi của bọn chủ. Chứng kiến thực tế đó, nhiều lúc chàng thanh niên đến từ nước Việt phải đau đớn, ngậm ngùi rơi nước mắt. Và Người không nguôi nhớ về thân phận nô lệ của dân tộc Việt Nam

Rời lục địa "đen" với bao điều bất công, phi lý, Người đến với châu Mỹ và đặt chân lên nước Mỹ, nơi có tượng Nữ thần Tự Do cùng bản "Tuyên ngôn độc lập" nổi tiếng khắp toàn thế giới. Đến đây Người quyết định lưu lại một thời gian tìm hiểu bản chất xã hội Mỹ. Nguyễn Tất Thành đến làm thuê tại một khu vực ngoại thành của thủ đô Niu- oóc. Tại đây, Người hòa mình với cuộc sống đấu tranh của người lao động nghèo ở khu vực Héc- lem - nơi cư trú của người da đen. Từ đó, Người nhận thấy nước Mỹ cũng không ít những bất công, giai cấp tư sản ra sức bóc lột tàn bạo, nạn phân biệt chủng tộc gần như phổ biến...


Năm 1913, Nguyễn Tất Thành rời nước Mỹ để đến nước Anh. Tại đây, lúc đầu Người mưu sinh bằng việc quét tuyết thuê cho một trường học, rồi chuyển sang làm thợ đốt lò, rồi chuyển đến làm thuê tại một khách sạn nổi tiếng. Khi làm tại khách sạn, thấy chàng thanh niên nước Việt sống chân tình, cởi mở, thường xuyên gói các thức ăn thừa sau những bữa tiệc của người giàu mang ra đường đem cho những người nghèo, một đầu bếp nổi tiếng người Pháp tên là Ê-xcốp-phi-ê quý mến.

Nhờ đó, Người được Ê-cốp-phi-ê dạy cho bí quyết làm bánh bớt phần vất vả, cực nhọc và có thêm thời gian để học tiếng Anh. Ở nước Anh, Người gia nhập tổ chức Hội những người lao động hải ngoại, một tổ chức của những người châu Á có tư tưởng tiến bộ đấu tranh cho quyền lợi của các nước thuộc địa. Tham gia tích cực các hoạt động xã hội, Người càng hiểu sâu sắc về chế độ chính trị- xã hội của các nước Tư bản, về cuộc sống khổ cực của người dân lao động.

Trên hành trình của mình, Nguyễn Tất Thành nhận thấy ở đâu cũng có kẻ giàu- người nghèo, người tốt- kẻ xấu, đâu cũng có tệ nạn xã hội và người dân lao động bị bóc lột và khinh rẻ... (*)

(*) Bài viết đăng nhiều kỳ, đây là bài mở đầu

Công Kiên

Mới nhất
x
Khát vọng đại dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO